Đẩy mạnh kết nối giữa địa phương với các Cơ quan đại diện ở nước ngoài

Các đại biểu địa phương đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với địa phương trong việc kết nối, thu hút đầu tư.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam cho các lãnh đạo tỉnh, thành phố. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 diễn ra ngày 12/8 tại Hà Nội, các đại biểu địa phương đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với địa phương trong việc kết nối, thu hút đầu tư.

Tăng cường công tác trao đổi thông tin

Chia sẻ ý kiến về công tác kết nối giữa các địa phương với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đưa ngày càng nhiều nhà đầu tư, các hội nghị, hội thảo về với Đà Nẵng, từ đó đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, đồng thời hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển ngành du lịch thành phố Đà Nẵng.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên thực tế, ở Việt Nam, các thành phố lớn mới có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, các địa phương, tỉnh thành nhỏ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác trao đổi thông tin; nêu đề nghị cụ thể đổi với từng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, từ đó phát huy vai trò của các địa phương trong công tác đối ngoại.

[Phát huy vai trò đối ngoại trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương]

“Các địa phương cần có cơ chế phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy hình ảnh của mình trên trường quốc tế, trong khu vực và trên thế giới; tích cực liên hệ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác thúc đẩy quảng bá, tìm kiếm cơ hội cho địa phương của mình,” bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Chú trọng kết nối trong từng lĩnh vực

Điểm sáng trong công tác đối ngoại của tỉnh Đắk Lắk từ sau Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 là việc ký mới 17 thỏa thuận quốc tế với các đối tác, địa phương nước ngoài; chính thức thiết lập quan hệ với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) vào tháng 12/2017, quan hệ kết nghĩa giữa xã biên giới Ia Rvê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) và xã Noong Khơ Lấc (huyện Koh Nhéc, tỉnh Mondulkiri, Campuchia) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tỉnh cũng cấp phép cho bốn dự án đầu tư nước ngoài mới với tổng số vốn đầu tư 51,63 triệu USD; ba dự án ODA được đồng ý tài trợ vốn; vận động mới được 30 khoản viện trợ với tổng số vốn trên 4,5 triệu USD trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, nước sạch nông thôn, hỗ trợ khắc phục hạn hán.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh chỉ rõ Đắk Lắk luôn đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao, các cơ quan trực thuộc Bộ và trực tiếp là Sở Ngoại vụ ở từng địa phương đã chỉ đạo, đồng hành cùng các địa phương trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước bạn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. “Chúng tôi nhận thấy rằng việc tăng cường quan hệ đối ngoại không phải là nội dung xa vời ở Trung ương mà phục vụ lợi ích thiết thực của chính địa phương mình,” ông Nguyễn Hải Ninh cho biết.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ tích cực tỉnh Đắk Lắk trong việc nghiên cứu, kết nối các đối tác địa phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác. Trước đây, tỉnh chủ yếu hợp tác với các địa phương của Lào, Campuchia, tuy nhiên, thời gian gần đây, tỉnh mở rộng hợp tác với một số địa phương của Nhật Bản, Australia, Thái Lan... trong nông nghiệp, phát triển hạ tầng. Nhờ sự giúp đỡ của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Nhật Bản, Australia... tỉnh đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu càphê, hồ tiêu.

Dựa trên những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh đề nghị thời gian tới, cần đẩy mạnh sự kết nối trong từng lĩnh vực bên cạnh việc kết nối địa bàn. Ví dụ, đối với khu vực Tây Nguyên thì cần tăng cường kết nối các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về thị trường của cơ quan đại diện ngoại giao cần thường xuyên và cụ thể hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục