Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Argentina (25/10/1973-25/10/2018), phóng viên TTXVN tại Buenos Aires đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Argentina Đặng Xuân Dũng về mối quan hệ song phương giữa hai nước. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin Đại sứ cho biết những nét chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Argentina trong 45 năm qua?
Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Argentina đã chứng kiến nhiều bước phát triển hết sức tích cực trong quan hệ song phương trên nền tảng sự tương đồng về lịch sử, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau cũng như những lợi ích chung.
Những viên gạch đầu tiên của mối quan hệ truyền thống giữa hai nước được xây nên từ tình đoàn kết, ủng hộ chí tình của nhân dân Argentina đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống xâm lược, tái thống nhất đất nước từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Tháng 1/1995, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Buenos Aires. Hai năm sau đó (tháng 2/1997) trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Carlos Menem đã khai trương Đại sứ quán Argentina tại Hà Nội. Từ đó, quan hệ song phương càng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.
Mối quan hệ giữa hai nước được chính thức nâng cấp thành đối tác toàn diện vào tháng 10/2010. Khuôn khổ mới này đã và đang chứng tỏ vai trò định hình và dẫn đường cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong tình hình mới.
Hiện nay, việc phát huy hiệu quả những cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước như Ủy ban Hợp tác liên chính phủ và tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, trao đổi đoàn các cấp và doanh nghiệp... làm cho quan hệ truyền thống song phương thực sự trở thành quan hệ hợp tác đối tác trong hầu hết lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại đến khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa...
Không chỉ tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc thường xuyên ở mọi cấp, Việt Nam và Argentina còn ủng hộ nhau và hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC).
[Gia tăng kim ngạch giao thương giữa Việt Nam và Argentina]
Hai bên cũng tích cực hợp tác về đào tạo, tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực kỹ thuật, triển khai có kết quả những dự án trong nông nghiệp, công nghệ sinh học, nhân chủng và di truyền học, trong đó có chương trình nhận dạng bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
- Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây và đâu là những điểm nhấn khiến ông hài lòng nhất?
Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Thời gian gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, tôi rất vui mừng nhận thấy quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước thực sự là một điểm sáng trong tổng thể quan hệ song phương với thành tích khá ấn tượng.
Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 3,03 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt 482 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp đôi sau 5 năm và Argentina trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh.
Ngược lại, Việt Nam là thị trường quan trọng thứ hai của Argentina tại châu Á và thứ tư trong các thị trường xuất khẩu toàn cầu của Argentina.
Một điểm làm tôi thấy khá vui là các doanh nghiệp của ta ngày càng quan tâm hơn tới thị trường Argentina và đang hết sức nỗ lực tìm cách kết nối với các đối tác tại đây thông qua liên lạc trực tiếp hoặc qua Đại sứ quán Việt Nam tại Buenos Aires.
Tôi cũng muốn thông tin thêm là Việt Nam chủ yếu xuất sang Argentina giày dép và phụ kiện giày dép; cao su và các sản phẩm cao su; hàng điện tử; hàng dệt may, quần áo, sợi tổng hợp; máy móc dụng cụ cơ khí, máy nông nghiệp... Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và bạn có nhu cầu dù thị trường Argentina khá khó tính.
Hiện tại nền kinh tế bạn gặp một số khó khăn, nhưng tôi vẫn lạc quan cho rằng Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
- Đại sứ nhận định thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Argentina trong thời gian tới và hai bên cần có những biện pháp gì để hiện thực hóa quan hệ Đối tác toàn diện mang tầm chiến lược giữa Việt Nam và Argentina?
Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Tôi cho rằng triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước rất tươi sáng. Với trọng tâm là thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, phục vụ tốt hơn cho công cuộc phát triển ở mỗi nước, hai nước cũng cần tích cực mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng như đầu tư, năng lượng, nông nghiệp, viễn thông, giáo dục và du lịch...
Để làm được điều này, hai nước cần hợp tác hiệu quả cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức cả chủ quan và khách quan như khoảng cách địa lý, hàng rào ngôn ngữ, chênh lệch về trình độ phát triển và mức độ hội nhập quốc tế, năng lực còn hạn chế của doanh nghiệp hai bên, cũng như sự hiểu biết, quan tâm của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đối với quan hệ hợp tác song phương chưa thật sâu rộng.
Trước mắt, hai nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của quan hệ đối tác toàn diện thông qua đàm phán và đi tới ký kết một số hiệp định, bản ghi nhớ để tạo thuận lợi cho quan hệ phát triển hơn, đặc biệt là trong những lĩnh vực thuộc thế mạnh của hai bên.
Việc tận dụng hiệu quả cơ chế họp Ủy ban Liên chính phủ (phiên họp lần thứ năm được tổ chức ngày 25-26/10) nhằm kịp thời rà soát và giải quyết những vướng mắc trong hợp tác song phương, nhất là cân đối cán cân thương mại đang chênh lệch cũng hết sức quan trọng.
Ngoài ra, hai nước cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về đất nước, con người, giới thiệu thông tin về thị trường, luật pháp, môi trường đầu tư của nhau, kết nối tốt hơn doanh nghiệp hai nước trong việc tiếp cận thị trường của nhau, thúc đẩy các dự án đầu tư, tăng cường ngoại giao nhân dân và tăng lượng khách du lịch hai bên.
Tôi tin rằng, nếu làm tốt được những việc này, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Argentina sẽ phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và vươn tới tầm chiến lược như kỳ vọng của hai bên, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho chính phủ và nhân dân hai nước.
Trân trọng cám ơn Đại sứ!