Đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Với Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ, đây là lần đầu tiên chủ trương chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được chính thức nhấn mạnh bằng văn bản.
Bộ trưởng Bộ Ngoai giao Bùi Thanh Sơn với các đại biểu tham quan trưng bày ảnh tại hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Ngoai giao Bùi Thanh Sơn với các đại biểu tham quan trưng bày ảnh tại hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN)

Ngày 29/6, Hội nghị “Quán triệt và triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của công tác này; bảo đảm các cơ quan, tổ chức nắm vững chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

[Thống nhất nhận thức, hành động công tác người Việt nam ở nước ngoài]

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới gần 200 điểm cầu trong nước và nước ngoài.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu nêu rõ nội dung Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2010-2026.

Ông nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chủ trương chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được chính thức nhấn mạnh bằng văn bản, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với bà con ta ở nước ngoài với vai trò là ‘bộ phận không tách rời’ của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”

Đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu các thành tựu đã đạt được như công tác đại đoàn kết, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương; công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài; việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... tiếp tục được đổi mới và đạt được những bước đột phá quan trọng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu lên một số vấn đề như giải pháp đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả của việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài; phát huy hiệu quả sáng kiến, đóng góp của kiều bào…

Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Đại sứ Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ bám sát các nhiệm vụ nêu trong văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII như: Hỗ trợ để bà con có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội sở tại; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; có chính sách thu hút nguồn lực của kiều bào…

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang hướng tới kiều bào trẻ, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng, thậm chí còn tiếp xúc với các nhân vật trước đây từng có định kiến.

“Việc này không chỉ góp phần khẳng định chủ trương nhất quán về công tác này mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng,” Đại sứ chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào tại địa bàn khó khăn, điển hình như việc chủ động hỗ trợ bà con ở các địa bàn khó khăn như Campuchia, Ukraine…

Theo Đại sứ, việc sơ tán người Việt cơ bản đã hoàn tất, đáp ứng hầu hết nguyện vọng về nước của kiều bào, được bà con hoan nghênh và đánh giá cao. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống./.

Theo đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; có vai trò và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới quan hệ hữu nghị giữa các nước với Việt Nam và là đại diện văn hoá Việt Nam ở các nước, giới thiệu văn hoá, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực “mềm,” đóng góp cho xây dựng thương hiệu quốc gia và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục