Đẩy mạnh các chương trình bình ổn thị trường, giảm áp lực lên CPI

Dự báo, tình hình kiểm soát CPI năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy ngay từ quý 1, các địa phương lớn đang tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường.
Đẩy mạnh các chương trình bình ổn thị trường, giảm áp lực lên CPI ảnh 1Nhiều chương trình bình ổn thị trường được đưa ra để hỗ trợ người tiêu dùng. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Theo đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước, việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý đã đến thời điểm tăng giá theo lộ trình, như: giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện…

Về phía các địa phương, đặc biệt là hai thành phố đầu tàu của cả nước đang tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Nhiều yếu tố tác động lên CPI

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó nhóm tăng nhiều nhất là nhóm giáo dục (tăng 10,13% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch).

Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% (tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm) chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng. Cùng đó, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% (tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm)…

Mặt khác, nhiều yếu tố từ bên ngoài cũng gây sức ép không nhỏ cho công tác quản lý, điều hành giá trong nước như: lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn tiếp tục là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước…

Đáng chú ý, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước; giá mặt hàng thép xây dựng, LPG có xu hướng tăng do giá nguyên liệu thể giới tăng...

[Thành phố Hồ Chí Minh: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,04%]

Mặc dù nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao nên giá các mặt hàng này sẽ tương đối ổn định. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ trong công tác điều hành của các Bộ ngành, thị trường sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Tuy nhiên, việc giá thịt lợn ở mức thấp đang đe doạ ảnh hưởng đến nguồn cung vào cuối năm. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết hiện nay, giá thịt lợn đang xuống thấp nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và việc tái đàn. Nếu tình trạng tái đàn hạn chế, dự báo đến cuối năm nay sẽ không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng, tác động đến giá thực phẩm và CPI.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện nay, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thịt lợn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, chi phí nguyên liệu tăng cao, giá thịt lợn xuống thấp không đủ bù đắp chi phí… Do đó, doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện về nguồn vốn vay để thuận lợi trong việc tái đàn.

Đưa nguồn cung dồi dào ra thị trường

Dự báo, tình hình kiểm soát CPI năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy ngay từ quý 1, các địa phương đang tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường.

Đại điện Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 44 doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm và 11 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ học tập tham gia. Các hệ thống phân phối lớn đều đăng ký tham gia chương trình của thành phố. Các doanh nghiệp có quy mô lớn như Vinamilk, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, TH, Vinamit… cũng đăng ký tham gia.

“Năm 2023, lượng đăng ký đơn hàng đã tăng 2-5%. Tỷ lệ hàng hoá của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm 23-40% so với tháng thường; tăng hơn vào tháng Tết để đảm bảo chi phối thị trường. Do đó, sẽ đảm bảo ổn định được giá cả hàng hoá và đưa nguồn cung dồi dào ra thị trường,” đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.

Đẩy mạnh các chương trình bình ổn thị trường, giảm áp lực lên CPI ảnh 2

Ngoài ra, để đa dạng hoá nguồn cung hàng hoá trên thị trường, quý 1/2023, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động phát triển kinh tế-xã hội với các vùng và hội nghị kết nối giao thương bên lề các sự kiện.

Đến nay, thành phố đã tổ chức kết nối giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Bắc Trung bộ. Dự kiến từ ngày 14-15/4 sẽ tổ chức kết nối với vùng Duyên hải Nam Trung bộ tại Khánh Hoà.

Ngoài việc kết nối với các vùng, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện 3 kết nối cung cầu trực tuyến; kết nối cung cầu theo chuyên đề, mùa vụ và đặc biệt, sự kiện kết nối cung cầu tập trung sẽ được tổ chức vào tháng 11 để chuẩn bị nguồn hàng tốt nhất cho dịp cuối năm.

Còn tại Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão; tập trung chỉ đạo quyết liệt cân đối nguồn cung, cầu xăng dầu trên địa bàn trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế, góp phần tích cực cho tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ.

Bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng Phòng quản lý Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho hay, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung triển khai các công tác kết nối thương mại như tổ chức kết nối giao thương Hà Nội-Singapore; giao thương Hà Nội với các tỉnh trên cả nước…

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào nắm bắt tình hình thị trường để tham mưu kịp thời cho thành phố để thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường, dự kiến sẽ triển khai từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2024.

“Thành phố cũng triển khai các chương tình liên kết vùng, các sự kiện kích cầu dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử và phối hợp các sở ngành tập trung công tác phát triển hạ tầng chợ, siêu thị để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Thủ đô,” bà Hoàng Thị Diệu Hồng cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục