Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, những năm qua, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Những thay đổi trên nhằm đáp ứng nhiệm vụ khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.
Huy động hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo
Trạm Y tế thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vừa được công nhận đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2020 vào tháng 8 vừa qua. Trước đây, trạm xuống cấp, chật hẹp, đầu năm 2020, Trạm đã được Ủy ban Nhân dân thị trấn Yên Thịnh đầu tư xây dựng mới khu nhà mái bằng với 2 phòng chức năng, sửa chữa khu nhà hành chính 2 tầng.
[Triển khai y tế cơ sở tại Hà Tĩnh: Nhiều bước chuyển mình rõ rệt]
Hiện nay, cơ sở vật chất của Trạm Y tế thị trấn Yên Thịnh khang trang, đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, hàng tháng khám chữa bệnh cho khoảng 360 lượt bệnh nhân.
Qua chấm điểm của ngành y tế năm 2019 theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã, Trạm đạt 11/11 điểm về tiêu chí cơ sở hạ tầng.
Bác sỹ Lê Thị Dáng - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô cho biết: "Trạm được đầu tư sửa chữa đã giúp chúng tôi có điều kiện làm việc tốt hơn, đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Những năm qua, trạm luôn duy trì và thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo xử lý, cấp cứu kịp thời; tiếp đón, khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người dân."
Phấn đấu cán đích huyện nông thôn mới vào năm 2021, huyện Yên Mô đã tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về y tế. Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Để có được kết quả trên, từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động được hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp tất cả hệ thống trạm y tế; đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 17 trạm y tế xã, thị trấn.
Các trạm y tế của huyện Yên Mô đều được trang bị cơ bản các thiết bị như: 100% giường inox, máy đo huyết áp, bình ô xy, máy hút đờm... đảm bảo việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm của huyện đạt trên 90%; 100% người dân đã được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí về y tế
Bác sỹ Tô Ngọc Tĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Mô cho biết việc đủ tiêu chuẩn đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã là điều kiện giúp cho y tế tuyến cơ sở phát triển toàn diện, triển khai tốt các chương trình, dự án quốc gia về y tế, tăng cường phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Những năm vừa qua, ngành y tế huyện đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia bằng nhiều giải pháp. Đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ được chú trọng phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Công tác phòng chống dịch được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo niềm tin với người dân mỗi khi đau ốm, góp phần giúp giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên.
Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Yên Mô sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về y tế; tổ chức rà soát cơ sở vật chất, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết yếu, nhất là với trạm y tế đã xây dựng từ giai đoạn trước để phù hợp với yêu cầu của bộ tiêu chí ở giai đoạn này. Trung tâm tiếp tục làm tốt công tác tuyên thông để vận động người dân có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, tham gia vào các chương trình quốc gia về y tế.
Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, quá trình thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2020, hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, bổ sung thiết bị. Cán bộ y tế được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho các trạm y tế có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân ngay tại tuyến cơ sở, hoàn thành tốt tiêu chí về y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hiện tỉnh Ninh Bình có 104/145 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ và 1.677 nhân viên y tế thôn bản hoạt động; cơ sở vật chất của các trạm y tế từng bước được đầu tư, nâng cấp. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 50 trạm y tế xã được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và xây mới cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đến nay, hầu hết các trạm y tế có điện thoại, máy vi tính và các trang thiết bị cơ bản như: giường bệnh, tủ thuốc, dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều trạm y tế còn có đầy đủ các phòng chức năng như: phòng khám bệnh, kho dược, phòng sơ cứu, cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ, phòng tiêm, phòng trực...
Cùng với đó, các trạm y tế xã còn được trang bị một số thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, máy đo đường huyết và một số thiết bị cận lâm sàng khác... Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai tốt hoạt động chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Ông Hoàng Huy Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết cùng với việc quan tâm đầu tư về cơ cở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, cán bộ y tế tuyến cơ sở tại địa phương đã tích cực học tập nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ nhằm triển khai tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Điều đáng ghi nhận là tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tốt việc quản lý, theo dõi sức khỏe cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi và người tham gia bảo hiểm y tế. Một số bệnh như: phong, lao, tâm thần, bướu cổ... được quản lý, theo dõi và phối hợp điều trị hiệu quả. Hầu hết người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa... đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh về thực hiện các tiêu chí quốc gia về y tế xã; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt các tiêu chí về y tế; có chủ trương và định hướng về kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng tại các trạm y tế xã, đặc biệt thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Theo ông Phương, ngành y tế sẽ tiếp tục củng cố mạng lưới y tế cơ sở bằng việc quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng. Đây cũng là tiền đề cho các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về y tế xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới bền vững./.