Theo đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), thương mại điện tử bùng nổ đã đem lại nhiều tiện lợi cho cả người mua và người bán hàng, song bên cạnh những ưu điểm, việc mua hàng online vẫn tồn tại nhất là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Các hành vi gian lận ngày càng tinh vi, khó lường
Hiện Thương mại điện tử tại Việt Nam là một hình thức bán hàng phát triển ngày càng mạnh mẽ thông qua sàn thương mại điện tử như Tiktok, Lazada, shoppee… nơi mà người bán hàng và người có nhu cầu mua hàng có thể tiếp cận và thực hiện các giao dịch mua bán trên mạng online.
Người mua hàng chỉ được xem sản phẩm thông qua các hình ảnh người bán đưa lên gian hàng đã đăng ký với bên thứ ba-sàn giao dịch trước khi nhận hàng. Với cách thức mua hàng như vậy dẫn tới khách hàng chỉ biết được chất lượng sản phẩm khi đã thanh toán cho người vận chuyển hàng hóa.
Do đó, các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Theo báo cáo tổng kết kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong 9 tháng năm 2024, Ủy ban đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại qua các hình thức như email hoặc bưu điện, công văn với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc đã được tiếp nhận.
Quản lý thị trường: Ưu tiên chống hàng giả trên thương mại điện tử năm 2025
Năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 319 đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Mặc dù, đây chưa phải là con số được tổng kết hết năm 2024 nhưng với số vụ việc chiếm khoảng 9,4% (năm 2023 là 5,5%) thì tỷ lệ vụ việc về thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể, điều đó cho thấy xu hướng tiêu dùng của người dân đang dịch chuyển sang sự tiện dụng của thương mại điện tử vì ưu điểm của nó mang lại như nhanh chóng, đa dạng sản phẩm lựa chọn, giá cả phải chăng hơn do người kinh doanh không mất tiền thuê mặt bằng, dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Nhưng song song với những ưu điểm trong mua bán qua các sàn thương mại thì cũng vẫn tồn tại những bất cập mà chúng ta vẫn chưa khắc phục được đó là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa được mua bán và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin, tính từ 15/12/2023-14/9/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm (giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển Cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự. Tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 370 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 169 tỷ đồng (tăng 12%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%).
Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 35,4 tỷ đồng và số tiền trị giá hàng hóa vi phạm là 29,4 tỷ đồng.
Vụ việc điển hình xảy ra mới đây đã phát hiện kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green (Hà Nội) do một hot TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tăng cường trách nhiệm các chủ sàn thương mại điện tử
Mặc dù khung pháp lý của Nhà nước đầy đủ để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên việc kiểm soát, quản lý và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm còn hạn chế, chưa đồng bộ và còn nhiều trường hợp sai phạm, lách luật.
Vì vậy, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng-người mua hàng- cơ quản quản lý Nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh về sản phẩm; kiểm tra những người bán hàng không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh hàng hóa trên kênh bán hàng của mình.
Trước tiên, các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng của mình đầy đủ, chính xác tất cả các mặt hàng sản phẩm mà mình kinh doanh. Các sàn giao dịch phải thực hiện các đợt kiểm tra không chỉ giấy tờ như bên bán đã cung cấp mà cần kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ sở sản xuất của người bán hàng trên kênh của mình phải là hàng chính hãng, đúng nguồn gốc, xuất xứ, giấy tờ đầy đủ.
Đảm bảo các nhà bán hàng phải có đầy đủ giấy tờ về sản phẩm và các mặt hàng đều đảm bảo về chất lượng như đã cam kết, đồng thời, các sàn cần có những xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện đủ việc cung cấp thông tin trên sàn như đã cam kết trong hợp đồng với sàn và đảm bảo thực hiện bán những mặt hàng không trái với quy định của pháp luật.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường đã tham mưu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319), bên cạnh việc tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức thực thi công vụ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức của các bên liên quan; rà soát, hệ thống hóa để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về hoạt động thương mại điện tử.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các sàn Thương mại điện tử, đặc biệt các sàn lớn như: Shoppe, Lazada, Tiki, TikTok, Sendo kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường hoạt động sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm; thành lập Tổ Thương mại điện tử tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong toàn lực lượng.
Tuy vậy, để phòng ngừa các vi phạm, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người tiêu dùng không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân đặc biệt là các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân này để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình, đồng thời lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 5 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, trong đó kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng có thể liên hệ với tổng đài viên của Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đầu số 1800.6838, để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thấy quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm./.