Đẩy mạnh ba trụ cột quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam

Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đẩy mạnh ba trụ cột quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam ảnh 1Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 chụp ảnh chung. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, các đại biểu tham dự hội nghị đã nêu nhiều quan điểm đối với ba trụ cột quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam.

Ba trụ cột ngoại giao đang ở bước chuyển rất mới

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 cho biết trong tình hình hiện nay, ngoại giao văn hóa nói riêng và tất cả các trụ cột ngoại giao nói chung đang ở một bước chuyển rất mới, đặc biệt là với Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương vừa được thông qua.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, kênh ngoại giao có hai chiều là các nhà ngoại giao phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ngược lại, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và địa phương cũng đóng vai trò như các nhà ngoại giao để quảng bá cho Việt Nam trong thời đại số hiện nay.

Ngoại giao văn hóa có điểm mới là khi đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thì không chỉ gói gọn đối với Việt Nam mà còn đưa cả ASEAN tới bạn bè quốc tế. Cộng đồng ASEAN đều vì mục đích xây dựng văn hóa và bản sắc của ASEAN. Đây là điều rất quan trọng với Việt Nam khi sắp tới nước ta đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2020-2025.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, cầu nối của Việt Nam trong ngoại giao văn hóa không chỉ có các doanh nghiệp, những địa phương… mà còn có hình ảnh của thế hệ trẻ. Nhiều bạn trẻ đang được đào tạo, học tập ở nước ngoài đang đảm nhận vai trò là cầu nối bạn bè thế giới với Việt Nam. Họ có thể sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh: “Ngoại giao văn hóa hiện nay phải thay đổi, không chỉ trở thành ngoại giao công chúng mà chúng ta cần ứng dụng các công nghệ mới để phục vụ người dân, các doanh nghiệp tốt hơn. Các chủ thể và nội dung cũng đều phải thay đổi thì mới đáp ứng được tình hình mới."

Cho rằng ngoại giao chính trị sẽ là một câu chuyện lớn của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định thế giới đang ở giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng, sâu sắc. Đây là sự thay đổi căn bản do tác động của công nghệ số, của sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á và quá trình toàn cầu hóa. Ba nhân tố này đang diễn ra đồng thời.

“Ngoại giao chính trị đang ở chu kỳ phát triển mới của thế giới, do đó đặt ra nhu cầu rất lớn cho ngành ngoại giao và các cán bộ ngoại giao tại Hội nghị lần này với việc, làm thế nào tận dụng được chu kỳ phát triển mới này để mang lại lợi ích cho đất nước," Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.

Nhấn mạnh sự đồng hành trong ngoại giao đang cần thiết hơn bao giờ hết, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng khi tình hình thế giới thay đổi, các mối quan hệ thế giới thay đổi, do đó, hợp tác quốc tế hiện nay mang tính liên ngành và đa ngành. Do đó, ba trụ cột của ngoại giao phải đồng hành để tạo nên sức lan tỏa rộng lớn. Sự đồng hành không chỉ của các lực lượng làm đối ngoại mà của ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao Quốc hội, đặc biệt là ngoại giao nhân dân.

“Tôi cho rằng cần phải có sự tham gia, phát huy của các giới, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên và phụ nữ, để tạo nên sức mạnh năng động trong thời đại hiện nay. Vì thời đại công nghệ số, thời đại truyền thông, chúng ta không thể quên vai trò của truyền thông. Trong đó, thành công của năm APEC 2017 chứng minh là chúng ta đã nhân lên rất nhiều sự lan tỏa hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam khi có truyền thông đồng hành," Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định.

Khẳng định trong bối cảnh kinh tế hiện tại, cơ hội của Việt Nam là rất lớn, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng Việt Nam đang ở trung tâm của sự phát triển và tăng trưởng, đó là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là động lực lớn và Việt Nam phải nắm lấy cơ hội này, đồng thời tìm phải thay đổi để ứng phó với những thách thức đi kèm, bởi, theo Đại sứ, ngoại giao kinh tế-phát triển có nghĩa là trong kinh tế phải lấy phát triển bền vững và bao trùm làm trọng tâm, từ đó chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế.

Ngoại giao chính trị phải là mẫu số bao trùm của những kênh ngoại giao khác

Đánh giá về công tác ngoại giao chính trị trong tình hình mới, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cho rằng đây là thời điểm các nước, đặc biệt là các nước lớn thay đổi chiến lược, điều chỉnh chính sách đối ngoại. Việc này diễn ra nhanh chóng, khó lường, đòi hỏi các nước phải đánh giá rất đúng và có những chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, vị thế Việt Nam sau 30 năm đổi mới, cùng với những chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa quan hệ quốc tế đúng đắn, đã phát huy được mặt tích cực trong quan hệ đối ngoại, quan hệ với nhiều nước trên thế giới; giúp Việt Nam chủ động hội nhập cả về chính trị, kinh tế, tạo cho Việt Nam vị thế mới nhưng cũng đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cao hơn.

Đồng thời, luật chơi của quan hệ đối ngoại đòi hỏi cán bộ đối ngoại triển khai nhiệm vụ sáng tạo, hiệu quả, chủ động nhưng phải có bản lĩnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc để thực hiện đường lối đổi mới Đại hội XII của Đảng, các chủ trương đối ngoại của Đảng và Chính phủ.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, đặt ra thời cơ cũng như thách thức mới. Vì vậy, ngoại giao chính trị phải là mẫu số bao trùm của những kênh ngoại giao khác để tạo ra những định hướng đối ngoại lớn, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước vào chiều sâu và mở rộng, đặc biệt là với các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực, cũng như khai thác được những thời cơ và cơ hội, phán đoán được đúng tình hình và ứng xử tốt với những thách thức đặt ra, từ đó, duy trì được những lợi ích tối cao của Việt Nam là đảm bảo lợi ích quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

[Ngành ngoại giao chủ động, sáng tạo để hội nhập hiệu quả]

Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, Việt Nam có bề dày trong công tác ngoại giao đa phương những thập kỷ gần đây. Cùng với đó, Việt Nam đã từng bước tham gia tích cực và chủ động hơn trong các hoạt động góp phần định hình và xây dựng những luật lệ, quy tắc ứng xử trên thế giới và ở khu vực. Đây là thuận lợi rất cơ bản của Việt Nam. Tuy nhiên, những điều chỉnh chính sách của các nước lớn cũng đang tác động không nhỏ tới những điều chỉnh luật chơi và phương thức hoạt động của các tổ chức quốc tế, đa phương.

Trong tình hình đó, Việt Nam cần chủ động, tích cực hội nhập trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong ngoại giao đa phương. Việt Nam không chỉ cần tích cực tham gia mà còn phải chủ động tham gia kiến tạo những quy tắc, luật lệ quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như lợi ích quốc gia, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng việc tham gia ngoại giao đa phương góp phần nâng cao vị thế, tạo động lực, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, tranh thủ được nguồn lực quốc tế và công tác đào tạo cán bộ.

Ngoại giao văn hóa góp phần thể hiện niềm tự hào dân tộc

Xác định tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, Bộ Ngoại giao hiện triển khai rất tích cực các hoạt động ngoại giao văn hóa tại tất cả 95 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Ngoại giao văn hóa đã trở thành một bộ phận không thể thiếu và không thể tách rời của công tác đối ngoại Việt Nam.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu, ngoại giao văn hóa nhằm vào 4 đối tượng: các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, những người nước ngoài nói chung ở Việt Nam, Việt kiều ở nước ngoài và cuối cùng là số đông người nước ngoài. Do đó, ông Phạm Sanh Châu cho rằng nhiệm vụ ngoại giao văn hóa lớn nhất là giúp cho người dân hiểu đúng và hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.

Đẩy mạnh ba trụ cột quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhiệm vụ ngoại giao văn hóa không chỉ là quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam mà còn là xúc tiến những hoạt động giới thiệu bản sắc riêng của đất nước, bởi đây là một bộ phận tạo ra niềm tự hào dân tộc. Ngoại giao văn hóa sẽ góp phần vào quá trình giới thiệu, thúc đẩy du lịch, cũng như hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của các địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cũng khẳng định thông điệp quốc gia hay thương hiệu địa phương thường được gắn với hình ảnh du lịch quốc gia. Qua những chương trình, hoạt động cụ thể, ngoại giao văn hóa chuyển tải tới bạn bè quốc tế hình ảnh về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cởi mở, một dân tộc Việt Nam anh dũng, bất khuất, nhân văn, một lịch sử hào hùng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc, một quốc gia có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên, nhiều phong cảnh đẹp...

Ngoài ra, ngoại giao văn hóa góp phần đưa các thương hiệu du lịch, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, tiếp xúc đối ngoại, xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, các địa phương có thể xác định được điểm mạnh, yếu của mình và định vị được hình ảnh mong muốn xây dựng trong tương lai.

Thời gian qua, các hoạt động ngoại giao văn hóa đã hỗ trợ, đồng hành cùng địa phương trong nhiều chương trình lễ hội có tính nước ngoài như: Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt, Festival pháo hoa Đà Nẵng... Các lễ hội này đã trở thành thương hiệu của địa phương, thu hút đầu tư, du lịch của người dân ở trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục