Đẩy lùi ‘dịch bệnh’ vi phạm bản quyền bào mòn sức sáng tạo nội dung số

Việc xử lý được tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng phải mất nhiều công sức, thời gian vì các trang vi phạm bản quyền nội dung số có nhiều biện pháp lách luật, thậm chí qua mặt AI.
Vấn đề vi phạm bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngày càng nhức nhối. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi tốc độ chuyển đổi số của mỗi quốc gia trên thế giới đã trở thành xu hướng sống còn, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã nổi lên như một thứ “dịch bệnh” liên tục bào mòn văn hóa, sức sáng tạo nội dung và sức khỏe tinh thần cộng đồng.

 

Mảnh đất mới bị xâm phạm

Theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu được đặt ra là toàn bộ các cơ quan báo chí đều đưa nội dung lên các nền tảng số.

[Sử dụng công nghệ AI để 'truy lùng' website vi phạm bản quyền]

Theo đó, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Có thể khẳng định, sáng tạo nội dung số đã trở thành “mảnh đất mới” đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số. Từ một cú nhấp chuột đặt mua hàng trên mạng, tìm kiếm và chia sẻ các video giải trí, thưởng thức diễn biến một trận đấu bóng đá đỉnh cao…những ứng dụng và tiện ích của quá trình số hóa đã len lỏi vào từng “hơi thở” cuộc sống của công chúng. Các chính sách thuận lợi cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ số đã tạo đà cho sự phát triển chung, và cũng chính các hoạt động trong lĩnh vực nội dung số thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập, đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền. 

Khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Cụ thể, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. 

Luật Xuất bản năm 2012 còn nhiều mặt hạn chế trong việc quản lý xuất bản điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang diễn ra công khai trên nhiều nền tảng bởi người dùng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không… bản quyền. Độ tuổi vi phạm nhiều nhất là từ 18-24, với tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%. Lý do cơ bản là các website lậu sẵn sàng cung cấp nội dung với giá rất rẻ hoặc thậm chí miễn phí chỉ để lấy người dùng. Hành vi vi phạm bản quyền số có các hình thức phổ biến như: thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội, website, sao chép nguyên trạng nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa video, sau đó đăng tải trái phép lên các nền tảng internet...

Thứ “bệnh dịch” này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế cho nhà nước, làm giảm uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng mảng nội dung video, theo báo cáo của Media Partners Asia, năm 2022, ước tính có 15,5 triệu người vi phạm, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu toàn ngành video hợp pháp. Nếu không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, các chuyên gia ước tính con số này sẽ tăng lên 19,5 triệu người vào năm 2027 và gây thất thoát khoảng 456 triệu USD.

Không thể phủ nhận các nội dung phát online trái phép như nhạc, phim đã gây tổn hại lớn cho các nhà sáng tạo, phát hành khi họ mất chi phí sản xuất nhưng không thể thu về lợi nhuận tương xứng. Với một số bộ phim gần đây, nhà sản xuất tốn hàng chục tỷ đồng để sản xuất. Tuy nhiên, khi bị các đối tượng đánh cắp và đăng tải lên mạng xã hội thì với một nội dung đó họ chỉ thu vài triệu đồng tiền quảng cáo.

“Vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng”

Trước những thách thức và cơ hội hiển hiện của quá trình chuyển đổi số, trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 (AMRI+3) (diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 22- 23/9), theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề Chuyển đổi số trong truyền thông, với một trong những phiên thảo luận thu hút sự quan tâm rộng rãi của các đại biểu, là ứng phó với vấn nạn vi phạm bản quyền trong không gian số, chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số…

[Quy định về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan]

Các Bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội nảy sinh từ sự hội tụ, chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng sau năm 2025, khẳng định vai trò chuyển đổi của truyền thông trong việc trao quyền cho cá nhân, cộng đồng và xã hội và chuyển đổi từ việc tiêu thụ thông tin thụ động hướng tới việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động, khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét việc xây dựng Kế hoạch tổng thể về Chuyển đổi kỹ thuật số cho Báo chí và Truyền thông.

Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI -16) do Việt Nam đăng cai tổ chức (từ ngày 20-23/9/2023) với chủ đề xuyên suốt “Truyền thông: Từ Thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” trong toàn bộ nội dung nghị sự. (Ảnh: TTXVN/Văn Dũng)

Đại diện các nước ASEAN khuyến khích đối thoại và gắn kết nhiều hơn nữa giữa truyền thông, cộng đồng, người dân nhằm thúc đẩy tính toàn diện hơn về thông tin, kêu gọi sự hợp tác của khu vực để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, thông qua nâng cao năng lực số, thúc đẩy tối đa hóa các nguồn thông tin đáng tin cậy để xây dựng lòng tin, định hướng dư luận, tăng cường kỹ năng số cho công dân ASEAN, đặc biệt là thế hệ trẻ và người cao tuổi.

Như lời khẳng định về niềm tin và vai trò trọng yếu của quá trình chuyển đổi số với với nền kinh tế và xã hội nói chung trong khu vực, các sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị được các nước ASEAN quan tâm. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết các nước ASEAN đã bày tỏ sự thống nhất, đồng quan điểm, cùng chung tay tìm ra giải pháp, cách làm chung. Việt Nam khẳng định các công nghệ mới có tác dụng tích cực, tiêu cực nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, người dân; gây ra hệ lụy về chính trị, kinh tế xã hội. ASEAN phải chung tay đưa ra quy định chung, để cho tất cả nền tảng truyền thông xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp và bộ quy tắc ứng xử của từng quốc gia, khu vực ASEAN.

Vaccine ngừa yếu

Có thể nói, báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực phải chịu tác động nặng nề đầu tiên từ sự bùng nổ công nghệ số khi các loại hình truyền thông truyền thống dần mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Những hệ lụy nhanh chóng và tất yếu sau đó là vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số, mà một khía cạnh không nhỏ trong đó là tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng trong lĩnh vực xuất bản.

Khi thứ “virus xâm phạm bản quyền” ngày càng có nhiều biến thể nguy hiểm thì thực tế các “vaccine phòng ngừa” vẫn chưa đủ mạnh bởi năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế. Các hành vi vi phạm về bản quyền số trên không gian mạng ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Một trong những hình thức phổ biến là bán sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.

Nhiều cá nhân, tổ chức còn sử dụng các trang web, ứng dụng OTT được cấp phép, các trang web đăng ký tên miền và đặt sever ở nước ngoài, các ứng dụng OTT lậu để cung cấp sản phẩm sách số vi phạm bản quyền; lợi dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

Dù Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan; ký kết, tham gia nhiều hiệp định, điều ước quốc tế liên quan, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn khá phức tạp, do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Công tác quản lý nội dung trên mạng hiện đang do 3 cơ quan quản lý là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, việc xử lý các đối tượng vi phạm bản quyền còn tốn nhiều thời gian hành chính.

Sáng tạo nội dung số đã trở thành “mảnh đất mới” đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Các cơ quan cần chia sẻ dữ liệu để phối hợp hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cũng phải nghiêm khắc hơn, ví dụ như mức xử phạt hành chính cao nhất từ trước đến nay là 150 triệu đồng, trong khi đó, một website lậu tường thuật bóng đá, tổ chức cá độ bóng đá trên mạng có thể thu lợi đến hàng tỷ đồng.

Đồng bộ giải pháp

Hơn lúc nào hết, Nhà nước cần có quy định rõ về cách thức, cơ chế quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; quy trách nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc của các hàng hóa và độ tin cậy của nhà cung cấp hàng hóa. Cần xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền một cách nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời cần có chế tài, xử lý thật nặng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền đã bị phát hiện.

Trong "cuộc chiến" chống vấn nạn xâm phạm bản quyền, không thể không chú trọng đến giải pháp tăng cường ý thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý và thực thi nghiêm các quy định pháp luật liên quan, việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng cần sử dụng các giải pháp công nghệ. Một số công nghệ kiểm soát, ngăn chặn vi phạm bản quyền đang được áp dụng hiện nay như: Công nghệ phát hiện nguồn phát tán nội dung (Finger Print Online), công nghệ quản lý bản quyền nội dung số DRM (Digital Rights Management), công nghệ đóng dấu bản quyền…

Ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng chính là bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức và cũng chính là bảo vệ bạn đọc, tăng giá trị cho nền công nghiệp sáng tạo nội dung số, đồng thời góp phần làm sạch môi trường mạng.

Việc xử lý được tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng phải mất nhiều công sức, thời gian vì các trang vi phạm bản quyền nội dung số có nhiều biện pháp lách luật, thậm chí qua mặt AI, khiến người kiểm soát gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện và xử lý. Nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số, Điều 198b, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định rõ: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

Đây được xem là bước tiến rất quan trọng, bởi các web lậu dù sử dụng bất cứ tên miền quốc tế nào, đặt máy chủ ở đâu, ẩn giấu thông tin ra sao thì vẫn phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trung gian tại Việt Nam, cụ thể là các nhà mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục