Dạy lớp 1 theo chương trình mới: “Mong thầy cô giáo nói ít đi..."

Dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ “mong thầy cô giáo nói ít đi để học sinh được nói nhiều hơn”.
Học sinh học lớp 1 theo chương trình mới. (Ảnh: PV)

Cô giáo Đặng Thị Thu Lan nắn nót viết các nét cong trái (Ɔ), cong phải (c), cong kín (o) lên trên bảng, rồi hướng dẫn học sinh đứng tạo tư thế giống các nét cong. Dưới lớp, 33 học sinh hào hứng tham gia, lớp học vô cùng sôi nổi và càng sôi nổi hơn nữa khi cô giáo cho học sinh hát vang để “giải lao” giữa tiết học, khác hẳn không khí của lớp học truyền thống với học sinh ngồi khoanh tay, im phăng phắc nhìn lên bục giảng.

Đó là một giờ học theo chương trình giáo dục mới của lớp 1A, Trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Giáo viên sáng tạo hơn, học sinh hào hứng hơn

Lớp học vui hơn, học sinh hứng thú hơn và giáo viên phải sáng tạo hơn là nhận xét của nhiều giáo viên, học sinh sau tuần đầu tiên dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.

Đã có 20 năm giảng dạy theo chương trình cũ, cô Lan cho biết để dạy học sinh chuyển từ việc “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, bản thân cô và các đồng nghiệp đã phải thay đổi rất nhiều trong cách dạy học so với trước đây. Không chỉ tham gia các lớp tập huấn về chương trình mới và sách giáo khoa mới, cô còn phải học hỏi các bài giảng mẫu từ hệ thống quản lý học tập online của bộ. Từ đó, cô mới xây dựng được kế hoạch dạy học và thiết kế bài giảng riêng cho học sinh của mình.

“Với tiết học hôm nay, tôi đã thay đổi nhiều về phương pháp dạy học là tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tự khám phá kiến thức, làm quen với bạn và tự tin giao tiếp, phát biểu ý kiến cá nhân,” cô Lan chia sẻ.

[Bộ Giáo dục ban hành thông tư mới về đánh giá học sinh Tiểu học]

Cũng theo cô Lan, dù chỉ mới học được vài buổi đầu tiên nhưng cô thấy rõ sự khác biệt so với chương trình cũ. “Với chương trình mới, học sinh được chủ động nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động, vì thế học sinh chủ động, tích cực học tập, không khí lớp học sôi nổi, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các em rất vui vẻ, thích thú học tập,” cô Lan nhận xét.

Học sinh hứng thú hơn, tích cực hơn cũng là nhận định của cô Chu Minh Thảo, Trường Tiểu học Thực nghiệm Victory, Hà Nội. Theo cô Thảo, cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới nằm ở phương pháp giảng dạy. Thay vì là người nói như trước đây thì giờ giáo viên sẽ là người nghe các em nói và làm. Vì thế, sách chỉ là điều kiện cần, sự linh hoạt, chủ động sáng tạo của giáo viên mới là điều kiện đủ để mỗi tiết học theo chương trình mới thực sự đạt hiệu quả.

Cùng quan điểm này, cô giáo Phạm Thị Huyền, Trường Tiểu học Phú La, Hà Nội, cho hay chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong việc tìm hiêu bộ sách nguồn tài liệu đồng thời phải huy động vốn kinh nghiệm để có thể làm sao phát huy tốt nhất, tiếp cận nhanh nhất với những đổi mới.

Không khí lớp 1 sôi nổi theo chương trình mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Mong thầy cô nói ít đi...”

Từ thực tế khảo sát công tác giảng dạy chương trình mới ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay bước đầu cho thấy các địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất cho lớp 1. Các nhà trường, giáo viên cũng có nhiều cố gắng, nỗ lực để thay đổi, đáp ứng các yêu cầu mới.

Theo ông Độ, Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo chú trọng đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh việc chuyển từ thế mạnh phát triển quy mô sang chú trọng phát triển chất lượng. “Việc này khẳng định chúng ta phải xây dựng nền giáo dục chất lượng,” Thứ trưởng nói.

Dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông Độ chia sẻ “mong thầy cô giáo nói ít đi để học sinh được nói nhiều hơn”. Đây cũng là điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi yêu cầu giáo viên tổ chức dạy học thông qua các hoạt động giáo dục để khuyến khích sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học trò. Giáo viên khi đó chỉ là người hỗ trợ, định hướng cho các em tự tìm hiểu, khám phá các bài học.

“Việc triển khai chương trình mới phải đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường để phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh,” ông Độ nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục