Trong video dài 60 giây, những cảnh bạo lực đối với trẻ em được thể hiện theo thể loại hoạt hình với các hình xăm trên cơ thể của David Beckham. Trong khi những hình xăm trên cơ thể của Beckham là những dấu ấn được lựa chọn để thể hiện những điều vui và lưu giữ những kỷ niệm quan trọng, thì hàng triệu trẻ em cũng phải mang những dấu ấn mà các em không được lựa chọn, đó là những vết sẹo lâu dài về bạo lực và xâm hại.
David Beckham phát biểu: “Khi tôi khởi động dự án với UNICEF, tôi đã cam kết là sẽ làm tất cả những gì có thể để làm cho thế giới trở thành một nơi an toàn hơn cho trẻ em và nói lên những vấn đề đang phá hoại cuộc sống của trẻ em. Một trong những vấn đề đó là bạo lực. Cứ năm phút trôi qua, nơi nào đó trên thế giới lại có một trẻ em bị chết vì bạo lực. Hàng triệu trẻ em khác bị đe dọa xâm hại về thể chất, tình cảm và tình dục, những điều có thể hủy hoại tuổi thơ của các em vĩnh viễn.”
Năm ngoái, David Beckham đã đến thăm Campuchia với UNICEF và đã gặp, nghe trẻ em kể về những bạo lực khủng khiếp mà các em đã phải trải qua.
“Tôi đã rất sốc vì những gì tôi được nghe và thấy rằng bạo lực có thể để lại những vết sẹo sâu và lâu dài thế nào. Không có trẻ em nào đáng phải chịu đựng những điều này. Vậy mà, ở tất cả mọi nơi trên thế giới, trong gia đình, nhà trường, trên đường phố, trẻ em vẫn đang phải chịu những bạo lực như vậy. Tôi hy vọng dự án mới này sẽ thu hút được sự chú ý cho vấn đề cấp bách này và thúc đẩy mọi người hành động. Bạo lực với trẻ em là sai trái và cùng nhau chúng ta cần phải chấm dứt nó,” David Beckham chia sẻ.
Sử dụng U-report, một công cụ dùng tin nhắn để thanh thiếu niên báo cáo về các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của các em, David Beckham đã mời các thanh thiếu niên trả lời các câu hỏi về bạo lực trẻ em.
Hơn 190.000 em sử dụng U-report từ 22 quốc gia đã phản hồi. 2/3 trong số các em đã nói rằng các em đã trực tiếp bị bạo lực về thể xác và lời nói, hoặc các em biết những trẻ em khác bị như vậy. Khi các em được hỏi ai là người hay thực hiện bạo lực nhất, 1/3 trả lời là công an hoặc những người thực thi pháp luật, 29% nói rằng là các bạn đồng trang lứa, 28% nói rằng là cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ và 9% nói là giáo viên.
Gần 80.000 trẻ em tham gia U-Report đã đưa ra các giải pháp để giải quyết bạo lực tại cộng đồng. Một thanh niên 24 tuổi ở Philippines nói rằng: “Tôi sẽ lên tiếng về điều này và sẽ cảnh báo mọi người xung quanh tôi về những gì đang xảy ra, yêu cầu sự hỗ trợ của ai đó để chấm dứt bạo lực nếu một mình tôi không thể thực hiện được điều đó.”
Các hậu quả bi thảm của bạo lực đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của trẻ em và có thể sẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bạo lực đối với trẻ em gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Ông Anthony Lake, Giám đốc Điều hành UNICEF nhấn mạnh: “Khi chúng ta bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực, chúng ta đã giúp ngặn chặn những bi kịch cá nhân và làm cho xã hội lành mạnh hơn, ổn định hơn. Nhờ những nhà hoạt động mạnh mẽ như David Beckham, cùng với tiếng nói của chính trẻ em và thanh niên, chúng ta cùng xây dựng một phong trào nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em ở khắp mọi nơi.”
Bạo lực không phải là không thể thay đổi được. UNICEF đã đưa ra bảy chiến lược mang tính hiệu quả có thể giúp chấm dứt bạo lực với trẻ em, bao gồm tăng cường thái độ ủng hộ không bạo lực; thực thi pháp luật; tạo môi trường an toàn cho trẻ; hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ; tăng thu nhập gia đình và giảm nghèo; tăng cường các dịch vụ xã hội và đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em./.