Đầu tư vì môi trường bị lu mờ trước đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch

Theo LHQ, nguồn tài chính đổ vào các dự án vì môi trường tuy có tăng nhưng không đủ để chống biến đổi khí hậu và bị lu mờ trước những khoản đầu tư khổng lồ cho nhiên liệu hóa thạch.
Khí thải bốc lên từ mỏ than ở Bottrop, Đức ngày 20/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khí thải bốc lên từ mỏ than ở Bottrop, Đức ngày 20/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo thường niên năm 2019 về các Mục tiêu tăng trưởng bền vững của Liên hợp quốc vừa được công bố, nguồn tài chính đổ vào các dự án vì môi trường có tăng nhưng không đủ để chống biến đổi khí hậu và bị lu mờ trước những khoản đầu tư khổng lồ cho nhiên liệu hóa thạch. 

Báo cáo trên chỉ ra rằng thế giới đã có thêm các khoản đầu tư để chống biến đổi khí hậu, trong đó phần lớn để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bổ sung một phần vốn nhỏ giúp các nước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ước tính ở mức cao nhất của Liên hợp quốc, đầu tư vào các dự án vì môi trường đã tăng từ 584 tỷ USD năm 2014 lên 680 tỷ USD năm 2015 và 681 tỷ USD Mỹ năm 2016.

[OCED chỉ đích danh 6 nước khiến biến đổi khí hậu trầm trọng hơn]

Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng đầu tư vì môi trường năm 2014 và 2015 là các khoản đầu tư mới của tư nhân vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, con số trên vẫn nhỏ so với xu hướng gia tăng đầu tư trên toàn cầu, trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng và đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch lên tới 781 tỷ USD năm 2016.

Trên cơ sở xác định mức giới hạn tăng độ nóng toàn cầu 1,5 độ C là cần thiết để tránh các thảm họa, Liên hợp quốc kêu gọi các nước nỗ lực chuyển đổi việc sử dụng năng lượng, tài nguyên đất, kiểm soát xây dựng hạ tầng đô thị và công nghiệp.

Báo cáo thường niên về các Mục tiêu tăng trưởng bền vững của Liên hợp quốc cung cấp tổng quan về sự tiến bộ của thế giới hướng tới 17 mục tiêu theo Chương trình nghị sự được Liên hợp quốc thông qua từ năm 2015, trong đó nêu bật những khu vực đạt được tiến triển và những khu vực cần nỗ lực hơn nữa.

Các mục tiêu tăng trưởng bền vững chính gồm xóa sổ nghèo khổ, chấm dứt đói ăn, giáo dục chất lượng, giảm bất bình đẳng, cộng đồng và các thành phố phát triển bền vững, chương trình hành động vì khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục