Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: Khó tiếp cận nguồn lực

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, tất yếu, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, công nghiệp 4.0.
Phun nước tưới chăm sóc khóm (dứa) theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trang trại của nông dân Nguyễn Văn Sáu ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng và tất yếu, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tuy nhiên, để thu hút được các nguồn lực vào nông nghiệp công nghệ cao cần sớm tháo gỡ những khó khăn về mặt cơ chế cũng như hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển.

Khó tiếp cận nguồn lực

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Mô hình này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp phải không ít thách thức từ việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, phát triển thị trường cho sản phẩm...

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, điều kiện triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện còn rất khó khăn.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có quỹ đất lớn, có vị trí thuận lợi cho lưu thông để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, nhưng đất nông nghiệp ở Việt Nam hiện bị phân tán thành nhiều thửa với diện tích rất nhỏ.

Cả nước hiện có hơn 11 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp với 78 triệu mảnh ruộng và trên 8,5 triệu nông hộ. Trong đó, có hơn 70% số hộ có diện tổng diện tích dưới 0,5ha, chỉ có 3,4% số hộ có diện tích trên 3ha. Trong khi đó, quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn khó khăn do quy định hạn điền và thời gian sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Những quy định trong Luật Đất đai hiện tại chưa tạo được động lực thu hút các nhà đầu tư, thủ tục thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp còn phiền hà.

Có tới hơn 60% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận đất đai là rào cản lớn nhất trong việc đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Chi hội thương mại giống cây trồng Đông Nam Bộ chia sẻ, do yêu cầu về giao dịch, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng quỹ đất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng eo hẹp và không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Vì vậy doanh nghiệp phải thuê đất sản xuất ở các tỉnh khác nhưng không nắm được quỹ đất nông nghiệp cũng như quy hoạch sản xuất của các địa phương nên việc xác định địa điểm đầu tư sản xuất nông nghiệp thường tốn nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Ưng Thế Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Làm Nông Minh Bạch 007 nhận định, mặc dù có rất nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thế nhưng trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp rất khó tìm được quỹ đất sản xuất phù hợp.

Hầu hết các tỉnh hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể các vùng nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu. Thêm vào đó, đối với các sản phẩm cần chế biến sau thu hoạch thì các địa phương cũng chưa bố trí được địa điểm phù hợp.

Những khó khăn trong tiếp cận đất đai cũng là nguyên nhân khiến lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam khó thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay cả nước có 25.339 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 319 tỷ USD. Trong đó, chỉ có 522 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng lượng vốn gần 3.577 triệu USD, chiếm 1.22% trong tổng vốn đầu tư.

[Những ‘nút thắt’ khiến nông nghiệp Việt chưa thể cất cánh]

Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam, đồng thời là một trong những nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng tính tới hiện tại giá trị đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào nông nghiệp ở Việt Nam mới đạt 240 triệu USD, tương đương với 0,04% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam (57 tỷ USD).

Ngoài đất đai, thiếu hụt vốn cũng đang là rào cản lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao vì đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhập thiết bị nhưng hiện nay dòng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp rất thấp.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, năm 2018 sản xuất nông nghiệp đóng góp 14,57% GDP nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 5-6 % GDP.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho biết, để thành lâp và phát triển một trang trại nuôi quy mô trung bình ứng dụng công nghệ cao cần chi phí cao gấp 4-5 lần so với trang trại nuôi truyền thống, còn đầu tư 1 ha nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng.

Với số tiền lớn như vậy, những doanh nghiệp nhỏ, người khởi nghiệp không đủ sức để đầu tư, trong khi đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực khác thu hồi vốn nhanh và ít rủi ro hơn.

Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam là 80% nông dân sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chiếm chưa đến 10%, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao là rất thấp.

Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng là chính sách đất đai và tín dụng dành cho nông nghiệp chưa đủ thuyết phục.

Theo đó, chính sách đất đai mặc dù đã được điều chỉnh nhưng trên thực tế doanh nghiệp muốn có quỹ đất đủ lớn để đầu tư sản xuất nông nghiệp rất khó, đụng đâu vướng đó. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng.

Doanh nghiệp đầu tư một khoản lớn vào thuê đất, xây dựng hạ tầng sản xuất nhưng khi vay vốn ngân hàng thì những tài sản hình thành trên đất không được tính vào giá trị tài sản thế chấp. Điển hình là 1ha đất đầu tư xây dựng nhà màng tốn từ 4-5 tỷ đồng nhưng khi muốn thế chấp vay vốn thì chỉ được định giá theo giá đất nông nghiệp thông thường khoảng vài trăm triệu/ha.

Với khoản vay đó, doanh nghiệp không đủ để tổ chức sản xuất, thuê nhân công và tìm kiếm thị trường phân phối. Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp chia sẻ là Việt Nam hiện chưa xây dựng được thị trường nông sản.

Cụ thể, công tác dự báo nhu cầu, thông tin thị trường chưa được thực hiện một cách hệ thống, doanh nghiệp sản xuất xong mới đi tìm đầu ra. Ngay cả những sản phẩm nông sản chất lượng cao, sản xuất hữu cơ cũng chưa có nơi tiêu thụ ổn định.

Việc thiếu thông tin thị trường cũng khiến công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất chưa khoa học, hợp lý khiến cung cầu thường xuyên vênh nhau, giá nông sản bấp bênh và thu nhập của người làm nông nghiệp thiếu ổn định.

Theo dõi sự phát triển của rau ăn lá tại Trung tâm Kỹ thuật và công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách

Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp không thiếu nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn gặp khó. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi các cơ chế hỗ trợ chưa sát với nhu cầu thực tế và hiệu quả thực thi chính sách chưa cao.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay, có thể kể đến hàng loạt quyết định, nghị định như: Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư; trong đó, quy định các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, bảo quản chế biến nông sản...là những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế NĐ 41/2010/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi như doanh nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm 70-80% giá trị dự án theo mô hình liên kết với hình thức cho vay linh hoạt linh hoạt, giảm lãi suất cho vay 0,2%/năm nếu mua bảo hiểm...

Gần đây nhất, Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều thay đổi về cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hình thức miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo...

Cụ thể, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.

Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước trong 15 năm đầu đối với doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư. Về tín dụng, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ lãi suất tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án; thời gian hỗ trợ lên tới 8 năm.

Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, ngoài nước và nhiều hỗ trợ khác.

Riêng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng có nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra như tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…

Theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thì các doanh nghiệp được dùng tải sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo, cơ cấu về thời hạn trả nợ cho vay được thay đổi...

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay có nhiều nhưng nhìn chung những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp lại rất khó tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đó.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, trong các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp thường có quy mô nông hộ hoặc trang trại, rất ít doanh nghiệp.

Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, chủ các trang trại tổ chức lại sản xuất, cải tạo đất đai và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào sản xuất lớn, từ đó mới hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn.

Liên quan tới vấn đề đất đai, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu cứ hỗ trợ bằng miễn giảm tiền cho thuê đất của Nhà nước trong khi thực tế, quỹ đất công để cho thuê sản xuất nông nghiệp hầu như không có, doanh nghiệp, người sản xuất phải thuê đất tư nhân thì chính sách hỗ trợ “có cũng như không.”

Thay vào đó, để các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận đất được thuận lợi cần đẩy nhanh tiến độ tích tụ và tập trung ruộng đất. Việc tích tụ ruộng đất không nên tiến hành theo kiểu thu hồi đất của nông dân rồi giao cho doanh nghiệp mà tiến hành dồn điền đổi thửa trên cơ chế hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp hoặc tham gia các hợp tác xã để hình thành các cánh đồng lớn, ứng dụng được công nghệ và bảo đảm sản xuất đúng quy hoạch.

Về nguồn vốn, Tiến sỹ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao cho rằng, để có nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại là chưa đủ mà phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua cơ chế thu hút các quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Muốn vậy, nhà nước cần sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp, bao gồm cả nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu…để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.

Tựu trung lại, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao không thiếu nhưng để chính sách trở thành “bà đỡ” thực sự cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách sao cho sát với thực tế, tạo điều kiện để không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả hộ sản xuất cũng được tiếp sức.

Cụ thể, cần đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn, cả thế chấp và tín chấp; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất để hợp tác, sản xuất lớn.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra sản lượng nông sản lớn do đó song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường cho sản phẩm nông sản.

Chỉ khi dự báo được nhu cầu thị trường thì việc tổ chức, quy hoạch sản xuất mới đảm bảo tính cân đối và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục