Đầu tư tác động của tổ chức tư nhân ở khu vực Đông Nam Á lên ngôi

Quy mô đầu tư tác động của tổ chức tư nhân ở Đông Nam Á đã vượt 10 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, bình quyền phụ nữ, nhà ở giá rẻ, năng lượng tái tạo và tài chính vi mô.
Kiểm đồng đôla Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, toàn cầu đang nổi lên làn sóng môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Việc thúc đẩy bố cục của vòng đầu tư và đổi mới này không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp lớn phải phù hợp với các mục tiêu như phát thải carbon thấp, trách nhiệm xã hội…, mà ngay trong giai đoạn đầu khởi nghiệp ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh mới nổi cũng bắt đầu xem “đầu tư tác động” (impact investing - các khoản đầu tư hướng tới việc tạo ra các hiệu ứng xã hội hoặc môi trường) là chỉ tiêu then chốt trong quá trình nghiên cứu phát triển mô hình và sản phẩm kinh doanh.

Xu hướng này bắt đầu ở Mỹ và châu Âu, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á đầy sôi động, "đầu tư tác động" dần nhận được sự coi trọng của nhiều tổ chức, không chỉ là chính phủ và quỹ nhà nước của các nước phát triển, mà ngay cả những doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân thông thường cũng lần lượt quan tâm đối với vấn đề này. Họ đều xuất phát từ quan điểm bền vững để phát triển nhiều chiến lược đầu tư.

Những năm gần đây, đầu tư tác động ở Đông Nam Á phát triển nhanh chóng. Theo khảo sát của Mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu (GIIN) và Công ty tư vấn doanh nghiệp nổi tiếng Intellecap, giai đoạn 2007-2017, tổng mức đầu tư tác động của khu vực tư nhân đạt hơn 900 triệu USD.

Quy mô đầu tư của các tổ chức đã vượt 10 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, bình quyền phụ nữ, nhà ở giá rẻ, năng lượng tái tạo và tài chính vi mô/bảo hiểm vi mô.

So với quy mô 400 tỷ USD trên toàn cầu, con số này vẫn có không gian tăng trưởng khá lớn, nhưng không khó để nhận ra rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức không chỉ có thể tạo thu nhập thông qua các mô hình kinh doanh, mà còn tập trung vào vấn đề xã hội và môi trường đặc biệt, thúc đẩy dòng vốn tạo ra giá trị ngoài hiệu quả tài chính.

Thúc đẩy động lực mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nói đến môi trường đầu tư, Đông Nam Á luôn là nơi rất thú vị. Bước vào thế kỷ XXI, sự hội nhập của 10 nước ASEAN và sự phát triển của cộng đồng kinh tế ASEAN, khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại với các khu vực khác, và các hiệp định thương mại tự do song phương riêng lẻ đều thúc đẩy thị trường hơn 600 triệu dân này, trở thành khu vực trọng điểm để vốn đầu tư nước ngoài đổ vào.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc cân nhắc nhân tố địa chính trị và ổn định chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, một số chuyên gia phân tích cho rằng khu vực này sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn tiếp theo.

[Các SME Đông Nam Á đối diện với thách thức thiếu hụt dòng tiền]

Đồng thời cũng có nghiên cứu nhấn mạnh, đầu tư tác động không nhất thiết hy sinh lợi nhuận, trong điều kiện nhất định cũng có cơ hội phát huy hiệu quả tích cực. Trong tương lai, khi nhà đầu tư chú trọng hơn đến Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), họ có thể có cơ hội đạt được mục tiêu thắng lợi kép tác động lớn hơn và lợi nhuận cao hơn.

Với nguyên tắc đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư tác động có thể tiếp tục chia thành các loại hình cũng như giai đoạn khác nhau. Xét từ hiện trạng của Đông Nam Á, do trình độ phát triển của các nước khác nhau, sự khác biệt về chính trị, kinh tế và văn hóa tôn giáo khiến cho diện mạo của các dự án đầu tư tác động ở các nơi cũng không giống nhau.

Theo khảo sát của GIIN, ba phương diện tài chính bao trùm, xây dựng năng lượng xanh và sản xuất thông minh chiếm khoảng 63% số lượng các dự án, cũng như chiếm hơn 80% quy mô đầu tư tác động ảnh hưởng.

Trong số đó, các dịch vụ liên quan đến tài chính được hoan nghênh nhất, chẳng hạn “tín dụng vi mô” bắt nguồn từ mô hình hoạt động của ông Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình. Ngân hàng Grameen của ông mong muốn giúp những người không có điều kiện tiếp cận hệ thống tài chính hiện đại có thể thụ hưởng các dịch vụ cơ bản.

Bắt đầu từ năm 1980, Ngân hàng Thế giới (WB) coi xóa đói giảm nghèo là trọng điểm mở rộng chính sách. Hai vấn đề đầu tiên trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh xóa đói giảm nghèo, so với các mục tiêu khác như “năng lượng tái tạo giá cả phải chăng,” “sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm” hoặc “đổi mới công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng”…, tương đối có không gian đầu tư mang lại lợi ích lý tưởng.

Trong quan niệm truyền thống, đói nghèo dường như chỉ có thể dựa vào sự trợ giúp của chính phủ và các tổ chức từ thiện, hơn nữa kế hoạch thường chậm trễ hoặc hủy bỏ khi ngân sách không đầy đủ hoặc hoạt động quyên góp không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ mô hình kinh doanh tác động, thông qua việc thiết kế cơ chế và khuyến khích hợp lý thì thực sự có cơ hội thu hút sự sức mạnh của thị trường vốn, vận dụng mô hình sáng tạo để tạo ra doanh thu cho các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời có thể giảm nhẹ, thậm chí giải quyết vấn đề nghèo khó trong phạm vi nhất định.

Ông Muhammad Yunus quan sát thấy rằng phần lớn các gia đình sống dưới mức nghèo khổ đều rơi vào cảnh nợ nần do không được tiếp cận các dịch vụ tài chính hợp lý, hoặc buộc phải vay lãi suất cao. Do đó, ông Muhammad Yunus đã tập trung phát triển tín dụng vi mô có thể kiểm soát rủi ro, sử dụng hạn chế để giúp đỡ những người này.

Nghiên cứu cho thấy sau một giai đoạn, cuộc sống của rất nhiều gia đình nghèo khó được cải thiện, trong đó việc cung cấp tín dụng vi mô cho những phụ nữ có con nhỏ hỗ trợ họ mua tư liệu sản xuất và kinh doanh nhỏ có thể cải thiện cuộc sống nhiều nhất, đồng thời còn có thể giúp con cái họ có cơ hội được giáo dục cơ bản, gián tiếp đáp ứng mục tiêu thứ 4 và 5 của phát triển bền vững: Phổ cập giáo dục và Bình đẳng giới.

Các tổ chức dịch vụ tín dụng vi mô hiện có

Đông Nam Á nơi tiếp giáp Bangladesh của ông Muhammad Yunus có thể cũng đối diện với những vấn đề xã hội tương tự, tài chính vi mô cũng là chủ đề nóng ở địa phương, thu hút nhiều nhóm đối tượng khởi nghiệp và lĩnh vực đầu tư vốn quốc tế, ngay cả những tổ chức tài chính chính quy như ngân hàng cũng tham gia cung cấp những dịch vụ tương tự.

Một số tổ chức tương đối lớn và cung cấp dịch vụ tín dụng vi mô như VBSP của Việt Nam, ACLEDA của Campuchia, Village and Urban Revolving Fund của Thái Lan, Proximity của Myanmar…, đều cung cấp dịch vụ tài chính ở mức độ khác nhau, bao gồm các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ, nông dân và những người có nhu cầu cấp bách. Trong hệ thống tài chính truyền thống, những người này thậm chí ngay cả tài khoản ngân hàng cơ bản nhất cũng không có.

Theo quan điểm của một số nhà phân tích, tài chính vi mô ở Đông Nam Á chỉ có thể đáp ứng chưa đến 60% tổng nhu cầu, vẫn cần nhiều sáng tạo và nguồn vốn hơn. Tuy nhiên, tài chính vi mô cũng có thể dẫn đến sự lạm dụng và các vấn đề khác do việc sử dụng không thích đáng và thiếu hệ thống kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Đây chắc chắn là nội dung mà các tổ chức đầu tư tác động sẽ đặc biệt đánh giá thận trọng khi xem xét hồ sơ dự án. Hơn nữa, làm thế nào để đánh giá và nghiệm chứng kết quả dài hạn, quản lý các bên liên quan, đưa vào những công cụ và cơ chế đánh giá tác động linh hoạt… đều là những thách thức.

Từ mở rộng tài chính như bảo hiểm vi mô, tài trợ các khoản phải thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển tiền từ người lao động nhập cư về nước, cũng như nền tảng kết hợp việc làm, hướng dẫn thương hiệu cho các đặc sản nông thôn (chẳng hạn như “một vùng một đặc sản” của Thái Lan, hay còn gọi là kế hoạch One Tambon One Product), hoặc các lĩnh vực như y tế dự phòng, chăm sóc và phục vụ người già… cũng đã thu hút một lượng lớn vốn tham gia trong những năm gần đây.

Các doanh nghiệp dựa vào các mô hình kinh doanh sáng tạo và liên tục hội nhập với thị trường để tìm kiếm thu nhập, đồng thời phát triển các giải pháp cho những vấn đề cụ thể.

Quan sát xu hướng phát triển trong những năm qua, khi SDG và ESG kết hợp thành danh mục đầu tư tổng hợp, lần lượt tạo ra các dự án tác động vừa có thể mang lại lợi ích hợp lý, vừa có thể gánh vác sứ mệnh xã hội và môi trường ở các nơi trên thế giới.

Đông Nam Á, khu vực giàu tài nguyên và nhiều tài năng không nên chỉ là một khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà cần được xem là một phần của chuỗi giá trị, trong quá trình doanh nghiệp tập trung vào việc tạo ra doanh thu, chủ nghĩa tư bản đặt cổ đông lên trên hết, từng bước phát triển thành chủ nghĩa tư bản quan tâm nhiều hơn đến các bên liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục