Đầu tư nhà ở, phúc lợi để công nhân an tâm lao động và sản xuất

Trăn trở việc công nhân lao động thiếu nhà ở, đại biểu Nguyễn Đình Khang đề nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào danh mục đầu tư công.
Công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (Bình Phước) sản xuất trong đại dịch. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (Bình Phước) sản xuất trong đại dịch. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, khiến nhiều người lao động mất việc làm, các đại biểu bày tỏ trăn trở và kiến nghị đầu tư công dành ngân sách cho phúc lợi người lao động.

Để công nhân ‘an cư lạc nghiệp’

Đại biểu Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có những đề xuất và kiến nghị cần dành quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân.

Theo đại biểu, dù các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng đã đề cập là hết sức rõ ràng, nhưng các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu trầm trọng, cách xa với nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Đầu tư nhà ở, phúc lợi để công nhân an tâm lao động và sản xuất ảnh 1Đại biểu Nguyễn Đình Khang, tỉnh Ninh Thuận thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở. Thực tế triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ,” ông nói.

Đại biểu chỉ ra rằng hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao.

“Điển hình có những địa phương tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự,” đại biểu lấy ví dụ.

Ông cũng dẫn chứng một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, khi cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2.580.000m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330.000 người lao động.

“Con số này thật quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân,” đại biểu Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Đầu tư cho phúc lợi, đào tạo nghề

Đại biểu Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện đồng thời rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, chứ không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Công nhân là lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương, vì vậy đại biểu Nguyễn Đình Khang đề nghị cần có thêm nhiều chính sách phúc lợi, chăm lo cho đời sống công nhân và người lao động nói chung để họ có điều kiện tái tạo sức lao động, yên tâm hăng say lao động sản xuất, đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc phát triển của đất nước.

Đầu tư nhà ở, phúc lợi để công nhân an tâm lao động và sản xuất ảnh 2Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tỉnh Thái Bình trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Cùng chung trăn trở về đời sống người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng cần dành khoản ngân sách cho lĩnh vực đào tạo nghề.

“Nhiều hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ dẫn tới công nhân mất việc làm. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị cho thời kỳ hậu dịch,” đại biểu nói.

[Bình Dương: 248 ca dương tính tại công ty đang thực hiện '3 tại chỗ']

Khi cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế cần phục hồi nhanh chóng. Chính vì thế mà đại biểu cho rằng nếu có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực ngay từ bây giờ thì nước ta có thể khắc phục hậu quả dịch bệnh tốt hơn, đạt được chỉ tiêu cạnh tranh quốc gia.

“COVID-19 đã thay đổi nhiều ngành nghề nên Chính phủ cần có sự chuẩn bị căn cơ để thích ứng. Đây là giai đoạn cần dành đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch,” bà nói.

Đại biểu Thủy cũng nhấn mạnh thêm rằng hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ có “dân số vàng,” có nguồn lao động dồi dào, sung sức, nên Chính phủ cần dành một khoản đầu tư công thỏa đáng cho các trường nghề chất lượng cao để có một thế hệ người lao động thực sự có tay nghề giỏi.

Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ghi nhận nhiều chính sách đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động cùng các gói hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, song đầu tư công vẫn phải dành quỹ cho phúc lợi người lao động.

“Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời đó đã và đang giúp công nhân lao động vượt qua khó khăn, tích cực phòng chống dịch, tham gia sản xuất, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép,” Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục