Đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm

Theo công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, số tiền đầu tư mạo hiểm trong quý 1/2024 là 75,9 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ quý 2/2019.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu trong quý 1/2024 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm khi lãi suất cao làm giảm nguồn vốn của các doanh nghiệp, dù các công ty về Trí tuệ Nhân tạo được đầu tư lớn.

Số tiền đầu tư mạo hiểm trong quý 1/2024 là 75,9 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ quý 2/2019. Số thỏa thuận đầu tư ước tính cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm là 10.222.

Chính sách tiền tệ tại Mỹ thắt chặt đã góp phần khiến hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phục hồi chậm, ảnh hưởng đến một trong những nguồn lợi nhuận lớn nhất của các công ty thường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và bán cổ phiếu trong giai đoạn IPO.

Theo nhà phân tích về đầu tư mạo hiểm tại PitchBook, Kyle Stanford, các công ty lớn vẫn là các công ty tư nhân, điều gây sức ép lên lợi nhuận từ thị trường và hoạt động đầu tư. Công ty này không kỳ vọng hoạt động đầu tư sẽ khởi sắc đáng kể trong ngắn hạn.

Hoạt động đầu tư chậm lại được bù lại một phần nhờ sự gia tăng tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI, với sự gia tăng các công ty IPO trong lĩnh vực công nghệ trong quý 1/2024.

Theo Công ty tình báo CB Insights, các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI đã huy động được 42,5 tỷ USD trong năm 2023, con số dù thấp hơn năm 2022 nhưng khả quan hơn nhiều so với mức giảm 42% từ hoạt động đầu tư mạo hiểm nói chung.

Các công ty hàng đầu như Anthropic đã huy động được hàng tỷ USD từ các nhà tài trợ như Amazon.com.

Với khả năng lãi suất giảm trong năm nay, các ngân hàng và các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều công ty sẽ tiến hành IPO hơn trong những tháng tới.

Trong các dự báo mới, các tổ chức quốc tế tin tưởng hơn vào triển vọng tăng trưởng của toàn cầu trong năm nay, nhờ khả năng phục hồi đáng chú ý của các nền kinh tế. Tuy nhiên, xung đột tại Dải Gaza cũng như Ukraine và căng thẳng trên Biển Đỏ là những thách thức hàng đầu và cần được theo dõi sát sao.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thường niên công bố gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 2,9%, thấp hơn mức 3,1% của năm 2023, nhưng vẫn cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11/2023. Ngoài ra, OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 ở mức 3%.

OECD điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nhờ triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho triển vọng kinh tế u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% năm 2024 và 1,7% năm 2025 trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt giúp lương tăng và thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.

Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay và năm tới lần lượt được dự báo là 1,5% và 1,7%. Trong báo cáo mới nhất, OECD cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,7% và 4,2%.

Trước đó, theo tờ Financial Times, 2023 là một năm tích cực với kinh tế thế giới, khi các số liệu thực tế trong năm luôn cao hơn dự báo. Các xu hướng kinh tế này cũng đưa đến sự lạc quan về triển vọng của năm 2024.

Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý. Theo chỉ số toàn cầu của Fitch Ratings, trong quý 3/2023, GDP thế giới cao hơn 9% so với mức trước đại dịch. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hệ thống logistics, châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi lãi suất tăng cao không dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Sức bền này tạo tiền đề vững chắc cho năm 2024.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Sunlife)

Thứ hai, lạm phát đang giảm nhanh. Lạm phát toàn cầu ở mức 8,9% vào năm 2023 và dự kiến sẽ giảm xuống 5,1% vào cuối năm 2024. Lạm phát giá thực phẩm đã giảm mạnh, trong khi giá năng lượng cao cũng đang giảm dần. Các cú sốc của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch cũng giảm bớt. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao, nhưng là do thị trường việc làm ổn định và tăng trưởng tiền lương nhanh chóng.

Thứ ba, lo ngại về chu kỳ chính sách tiền tệ kiểu "Núi Bàn" (chỉ việc lãi suất tăng cao và duy trì ở mức đỉnh trong thời gian dài, giống như ngọn núi có đỉnh phẳng mang tên Table Mountain tại Cape Town, Nam Phi) đã giảm. Các ngân hàng trung ương lớn hiện có khả năng sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, sớm hơn so với dự kiến. Đây là tin tốt cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp. Mặc dù ba ngân hàng khu vực của Mỹ và Credit Suisse sụp đổ vào tháng 3/2023, hậu quả do lãi suất cao đã được ngăn chặn.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng của kinh tế thế giới trong năm nay, dù có những bất ổn. Nhận định này trên dựa trên thực tế là nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức chống đỡ hiệu quả trước các bất ổn do xung đột và đang trong quá trình phục hồi nhanh chóng.

Trước đó, IMF tháng 1/2024 công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Mức dự báo mới cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 10/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục