Đầu tư gián tiếp nước ngoài: Vẫn theo xu hướng tăng

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hệ thống tài chính toàn cầu bất ổn đang khiến các thị trường mới nổi phải đối mặt với các căng thẳng tài chính và nguy cơ dòng vốn nước ngoài bị bất ngờ rút ồ ạt. Các nhà đầu tư trong nước vì thế đã bắt đầu lo ngại và đặt câu hỏi về khả năng dòng vốn gián tiếp (FII) có rút hàng loạt ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định "Dòng vốn FII vẫn ổn định và duy trì vào thuần, điều đó cho thấy xu hướng chung Việt Nam vẫn là điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài".
Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang rút một lượng vốn lớn khỏi thị trường chứng khoán nước này nhằm bảo toàn tài sản của họ, với tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng tài chính thế giới ngày một gia tăng.

Tín hiệu trên không chỉ phát đi từ Hàn Quốc, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế hệ thống tài chính toàn cầu bất ổn cũng đang khiến các thị trường mới nổi phải đối mặt với các căng thẳng tài chính và nguy cơ dòng vốn nước ngoài bị bất ngờ rút ồ ạt.

Các nhà đầu tư trong nước vì thế đã bắt đầu lo ngại và đặt câu hỏi về khả năng dòng vốn gián tiếp (FII) có rút hàng loạt ra khỏi Việt Nam. Để tìm hiểu vấn đề này phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Long – Vụ trưởng, Vụ quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề trên.

Thưa ông, một số chuyên gia trong nước cho rằng từ đầu 2011 đến nay các “tay chơi” lớn (nhà đầu tư tổ chức) gần như muốn rút khỏi thị trường niêm yết, điều này có ảnh hưởng tới dòng vốn FII tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Thành Long: Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn, thì việc lường trước khả năng rút vốn từ khối nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Song, với cơ sở dữ liệu có được, thì dòng vốn gián tiếp nước ngoài vẫn ổn định và duy trì vào thuần (dòng vào lớn hơn dòng ra), điều đó cho thấy xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang thu hút dòng vốn đầu tư FII.

Còn nói đến hiện tượng rút vốn của một quỹ, giả sử như là có, thì cũng chưa đáng phải lo ngại, vì đó chỉ là những quyết định riêng lẻ không thể tránh được. Các nhà đầu tư (quỹ hay nhà đầu tư cá nhân) đều có những chiến lược, chiến thuật đầu tư và tùy vào từng thời điểm có thể đưa ra những quyết định đầu tư của mình.

Nói cho đúng hơn, nguyên tắc của ngành quỹ khi thực hiện xong mục tiêu đầu tư hoặc  đạt tới một tiêu chí đầu tư nào đó (có thể lợi nhuận hoặc có thể là thiệt hại) thì quỹ đó sẽ được rút ra hoặc thanh lý vị thế. Nhưng thường mỗi khi vốn cũ rút đi thì lại có dòng vốn mới thay vào. Tâm lý của nhà quản lý tài sản là khi họ vừa đáo hạn một quỹ này thì lập tức phải nghĩ ngay đến chuyện phải lập ra quỹ khác, có thể với mục tiêu và chiến lược đầu tư khác, để tham gia thị trường.

Chính vì thế, không nên vì hiện tượng một vài quỹ rút khỏi thị trường mà khái quát hóa toàn thị trường, phải nhìn tổng thể chung với hàng chục nghìn tài khoản nhà đầu tư nước ngoài và vài trăm quỹ đang hoạt động trên thị trường. Việc đưa ra những ý kiến bình luận phải dựa trên số liệu cụ thể của thị trường, không nên khi vừa nhìn thấy hiện tượng một số quỹ rút ra là vội nhận định về xu hướng, như thế là không đúng với bản chất của vấn đề. Nói đúng hơn, khi nhận định về xu hướng, thì ngoài dữ liệu liên quan tới dòng vốn chảy ra (từ các quỹ rút ra), còn phải tính tới dữ liệu của dòng vốn mới chảy vào (quỹ mới tham gia thị trường).

Có lẽ cần phải bổ sung thêm thông tin liên quan tới hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu. Với xu hướng dòng vốn FII vẫn đang là chảy vào, cộng với động thái mua mạnh  trái phiếu của khối các nhà đầu tư này trong cùng thời gian vừa qua, thì cũng có thể lý giải hiện tượng này như kết quả về nhận định và dự báo của các nhà đầu tư nước ngoài đối với diễn biến lãi suất trong thời gian tới. Thường thì khi lãi suất có xu hướng giảm, thì giá trái phiếu tăng, vì vậy, động thái tái cấu trúc danh mục trong giai đoạn này nhằm đón đầu xu hướng thị trường trái phiếu cũng là điều dễ hiểu của các tổ chức đầu tư lớn.

Vậy dòng vốn đầu tư nước ngoài hiện đang vận động như thế nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Nguyễn Thành Long: Thực ra tại cuộc khủng hoảng lần một (cuối năm 2008, đầu năm 2009) hầu như “dòng vốn nóng”, dòng vốn được coi là bất ổn nhất đã được rút ra.

Và phần lớn lượng vốn ở lại với thị trường chủ yếu là dòng vốn đã đầu tư vào Việt Năm từ rất lâu, thậm chí có quỹ hoạt động đến cả chục năm rồi. Mục tiêu hướng tới của dòng vốn này là đầu tư giá trị tại những cổ phiếu không có tính thanh khoản cao với mục tiêu là đầu tư chiến lược.

Trên thực tế, dòng vốn bất ổn nhất về cơ bản đã không còn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường Việt Nam. Hai năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức ngắn hạn, thì việc dòng tài chính mới chảy vào cho thấy đây cũng có thể là dòng vốn dài hạn, có khả năng chịu đựng rủi ro cao.

Quan sát đồ thị biến động, sáu tháng đầu năm dòng vốn FII có xu hướng đi lên rất mạnh mẽ. Dòng vốn vào trong các tháng 7, 8 tuy có giảm nhẹ so với các tháng trước đó, nhưng vẫn duy trì xu hướng vào thuần, dòng vào vẫn ở trạng thái vào ròng (mức dương). Hiện vốn FII ròng vào Việt Nam cũng tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng giá trị tài sản của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đạt hơn 7 tỷ USD, con số này có nhích hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán gần đây có sôi động, tuy nhiên các thông tin về kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước cho thấy sẽ còn rất nhiều thách thức, theo ông nhà đầu tư nước ngoài đang có cái nhìn như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam?


Ông Nguyễn Thành Long: Cả thế giới đều có khả năng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa, vì vậy nhìn chung thì các dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ được cân nhắc thận trọng hơn. Tuy nhiên khi đầu tư, người ta đã lường trước những khó khăn và rủi ro, đồng thời tin tưởng đấy chỉ là những yếu tố ngắn hạn, nên họ vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng vào các quyết định đầu tư mang tính dài hạn trên thị trường Việt Nam.

Tùy vào mục tiêu đầu tư, đối với dòng vốn gián tiếp trung và dài hạn, yếu tố quan trọng nhất là triển vọng tăng trưởng, nhưng yếu tố cũng không kém phần quan trọng là tình hình kinh tế vĩ mô. Đối với dòng vốn ngắn hạn thì có thể yếu tố quan trọng nhất là tình hình vĩ mô hiện tại. Do đó trong bối cảnh xu hướng tài chính chung của thế giới còn bất ổn như thế này thì người ta vẫn phải rất thận trọng.

Nhưng theo đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài, so sánh thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường chứng khoán mới nổi khác thì rõ ràng là rủi ro thị trường thấp hơn. Hầu hết các tổ chức đầu tư đều công nhận, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của thị trường đều tốt và có thể đầu tư được, đó cũng là nguyên nhân lý giải cho việc dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn được duy trì./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục