Ngày 12/2, Đoàn công tác Thành phố Hồ Chí Minh do ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đi kiểm tra, khảo sát công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (Tây Ninh) và làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa về công tác đảm bảo an ninh, an toàn và cung cấp nguồn nước.
Đoàn đi kiểm tra, khảo sát thực tế một số hạng mục công trình hồ Dầu Tiếng như tràn xả lũ, đập chính, cống lấy nước số 1 cấp nước cho kênh chính Đông phục vụ cấp nước nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (gọi tắt là Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa) cho biết, kênh chính Đông là kênh hở, hiện cấp nước cho nhu cầu nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp cho Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An. Trong đó, việc cấp nước cho nông nghiệp phục vụ sản xuất theo mùa vụ, cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp đảm bảo 24/24 giờ. Việc này gây khó khăn lớn cho công tác duy tu, sửa chữa công trình hàng năm và công tác quản lý môi trường chất lượng nước.
Ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh, theo tiêu chuẩn cấp nước hiện nay, chỉ tiêu cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp rất cao. Vì vậy, nếu không tách hệ thống cấp nước sinh hoạt, công nghiệp ra khỏi kênh chính Đông phục vụ trực tiếp cho Thành phố Hồ Chí Minh thì không đảm bảo chất lượng nước và gây thất thoát khối lượng nước rất lớn. Đề nghị thành phố kêu gọi các nhà đầu tư lấy nước bằng đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp, đảm bảo tính bền vững nguồn cấp nước, chất lượng nước, tiết kiệm và tăng nguồn thu ngân sách.
Ông Đinh La Thăng đánh giá cao tỉnh Tây Ninh và Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa đã phát huy được tầm quan trọng của hồ Dầu Tiếng, giữ vững an ninh nguồn nước, cấp nước, chống ngập cho vùng hạ du, thực hiện đúng chức năng Chính phủ giao. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng công ty điều chỉnh lại quy chế vận hành hồ Dầu Tiếng, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế-quốc phòng vùng để điều chỉnh quy hoạch, đầu tư cho phù hợp.
Đối với kiến nghị của Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa, ông Đinh La Thăng yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho khởi động ngay dự án đầu tư đường ống nước trực tiếp từ lòng hồ Dầu Tiếng về nhà máy xử lý.
Theo ông Đinh La Thăng, việc dùng chung nguồn nước gây khó khăn cho sửa chữa, bởi hàng ngày không tưới tiêu cũng phải xả nước qua kênh để lấy nước sinh hoạt, vừa lãng phí lại không đảm bảo vệ sinh. Trước đây khó khăn thì chấp nhận dùng chung nhưng bây giờ phải xây dựng phương án kêu gọi đầu tư. Trong đó, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là một nhà đầu tư cùng với các nhà đầu tư khác; Sawaco chủ động tư vấn để trong quý II/2017 có đề án kêu gọi đầu tư sớm.
Khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Tây Ninh và Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa vận hành an toàn tuyệt đối, đảm bảo khai thác nguồn lợi thủy sản cho hồ Dầu Tiếng, ông Đinh La Thăng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để công ty tái đầu tư nâng cấp, vận hành, bảo trì, sửa chữa đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần có kế hoạch và khoản kinh phí hàng năm đầu tư thả cá xuống lòng hồ để cải thiện đời sống của bà con sống. Tuy nhiên, cần nghiên cứu loại cá phù hợp, có giá trị và giúp cân bằng sinh thái lòng hồ.
Để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị cần quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường, từ quy trình vận hành cho đến quản lý môi trường, trong đó có khai thác cát đúng quy hoạch. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp, ngư dân định cư xung quanh lòng hồ, đặt biệt là các doanh nghiệp chế biển thủy sản; đầu tư các trạm quan trắc hiện đại, dự báo theo mùa, theo cả năm gắn với dự báo biến đổi khí hậu.
Hệ thống công trình Thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa là hệ thống thủy nông quy mô lớn nhất nước ta hiện nay, bao gồm nhiều hạng mục. Trong đó, hồ chứa có dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3, diện tích mặt nước là 270km2, mực nước dâng bình thường +24,4m. Đây là hồ chứa nước điều tiết nhiều năm được thiết kế phục vụ đa mục tiêu./.