Đầu tư công trung hạn sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt

Theo Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư, đầu tư công sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu.
Đầu tư công trung hạn sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu, định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Theo đó, đầu tư sẽ có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.750.000 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách Trung ương: 1.380.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng; vốn trong nước 1.080.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự kiến vốn nước ngoài là 300.000 tỷ đồng; trong đó: dự phòng chung là 30.000 tỷ đồng, phân bổ chi tiết cho các dự án là 270.000 tỷ đồng.

Vốn trong nước là 1.080.000 tỷ đồng; trong đó dự phòng chung là 108.000 tỷ đồng, còn lại 972.000 tỷ đồng, dự kiến phân bổ bổ sung có mục tiêu cho địa phương tối đa không quá 270.000 tỷ đồng; bố trí vốn cho các bộ, cơ quan trung ương không thấp hơn 270.000 tỷ đồng; bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 100.000 tỷ đồng.

[Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công]

Bên cạnh đó, bố trí vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể khoảng 332.000 tỷ đồng, bao gồm: dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm, kết nối, có tác động lan tỏa liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, dự án đường ven biển, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Trung ương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến kết quả đạt được kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.

Bố trí đủ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia; vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, các vùng miền và cả nước, ưu tiên đầu tư để thực hiện các dự án lớn phục vụ nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, ngân sách Trung ương dành nguồn lực tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, bố trí vốn đầu tư dự án trọng điểm, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch ngành được phê duyệt.

Việc phân bổ vốn tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bố trí đủ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê duyệt.

Đồng thời, bố trí đủ vốn đầu tư cho dự án quan trọng quốc gia; bố trí vốn đầu tư dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, dự án nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp và xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, trụ sở cơ quan tư pháp, nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 (nếu có).

Cùng với đó, ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục