Đầu tư công 2021-2025: Cắt giảm những dự án chưa thực sự cần thiết

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cắt giảm những dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết, nhất là các dự án chưa có chủ trương...
Đầu tư công 2021-2025: Cắt giảm những dự án chưa thực sự cần thiết ảnh 1Cống thủy lợi Kênh Nhánh, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công điện số 04/CĐ-BKHĐT gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ-Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nội dung công điện nhấn mạnh trong thời gian qua, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tích cực xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định, bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, mức vốn bố trí bình quân cho một dự án tăng, số lượng dự án giảm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các Văn bản số 419/TTg-KTTH và số 32/TTg-KTTH ngày 2/4/2021, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg và Thông báo số 123/TB-VPCP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 5

Đơn cử như một số nơi còn bố trí vốn cho các dự án hoàn thành sau giai đoạn 2021-2025 vượt 20% theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công, đầu tư dàn trải, chưa trọng tâm, số lượng dự án lớn, mức vốn bố trí bình quân cho dự án thấp hơn nhiều so với mức vốn bố trí bình quân cho một dự án của cả nước.

Do đó, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 1/6/2021 về việc hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát danh mục dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đó thực hiện việc cắt giảm những dự án chưa thực sự cần thiết, nhất là các dự án chưa có chủ trương đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg và Thông báo 142/TB-VPCP nhằm mục tiêu tổng số dự án dự kiến bố trí trong giai đoạn 2021-2025 của quốc gia dưới 5.000 dự án. Các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần báo cáo về sự cần thiết và hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ cho các dự án hoàn thành sau giai đoạn 2021-2025 vượt 20% tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ mở quyền truy cập để cập nhật lại phương án phân bổ, gửi Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên "Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công" cho các đơn vị bắt đầu từ ngày 2/6/2021 và đóng quyền truy cập vào 17h ngày 3/6/2021 để triển khai tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Ban Chấp hành Trung ương theo đúng thời gian quy định.

Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục