Đầu tư 3.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2 nhà máy điện Mặt Trời ở An Giang

Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai có tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng với tổng công suất phát điện 210 MWp, xây dựng trên diện tích 275ha, được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2 của Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai với công suất 106MWp được triển khai xây dựng cạnh giai đoạn 1 của nhà máy đã hoàn thành đưa vào hoạt động vào đầu tháng 7/2020. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ngày 15/9, tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức khởi động xây dựng giai đoạn 2 của Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai có công suất 106 MWp, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI.

Dự án Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch điện VII; Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

Dự án cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3511/QĐ-UBND ngày 23/11/2017.

Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai có tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, với tổng công suất phát điện 210 MWp, xây dựng trên diện tích 275ha, được chia làm 2 giai đoạn.

Trước đó, sau 4 tháng tăng tốc thi công, đầu tháng 7/2019, giai đoạn 1 Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai có kinh phí đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, công suất 104 MWp, xây dựng trên diện tích 120ha đi vào hoạt động.

Dự án được nhà thầu Sterling Wilson - tập đoàn hàng đầu Ấn Độ về công nghệ năng lượng tái tạo - chịu trách nhiệm thực hiện và Công ty Tư vấn III, Bộ Công Thương thiết kế.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực về kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm cho huyện biên giới Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

[Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?]

Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13 ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát điện Mặt Trời tại Việt Nam, Tập đoàn Sao Mai đã triển khai đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy.

Trong giai đoạn 2, phía chủ đầu tư sẽ tiến hành lắp đặt hơn 300.000 tấm pin năng lượng Mặt Trời trên trụ đỡ cao 1,8 mét, sử dụng 38 Inverter và 60.000 trụ đỡ kết nối với hơn 1 triệu m cáp. Phía chủ đầu tư phấn đấu hoàn thành phát điện thương mại giai đoạn 2 dự án trước ngày 31/12/2020.

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam đã tận dụng nguồn năng lượng sạch, vô hạn của Mặt Trời, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Với bức xạ năng lượng Mặt Trời nằm trong khoảng từ 4,7-5,1 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trung bình năm ở mức tương đối cao, khoảng 2.400 giờ, An Giang đang là địa phương rất có tiềm năng phát triển các dự án điện năng lượng Mặt Trời.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang khẳng định dự án Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh An Giang.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và huyện Tịnh Biên thường xuyên theo dõi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thành lập Tổ công tác để vận động, đối thoại với hàng trăm hộ dân nhường quyền sử dụng đất của mình cho dự án được triển khai đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh An Giang cho các tập thể, cá nhân của huyện Tịnh Biên có thành tích trong công tác hỗ trợ triển khai giai đoạn 2 của dự án. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai sẽ là niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước tiếp tục nghiên cứu, tham gia đầu tư, đánh thức tiềm năng điện năng lượng Mặt Trời trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đặc biệt, giai đoạn 2 dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang nói chung và huyện Tịnh Biên nói riêng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng đề nghị phía chủ đầu tư dự án tạo điều kiện cho người dân trong vùng dự án nói riêng và người dân hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn nói chung có việc làm ổn định, nhằm góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn dự án triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục