Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 16/6, với 475/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Đầu tư dự án hoàn thành nhằm mục tiêu đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép-Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nghị quyết nêu rõ việc đầu tư khoảng 53,7km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; quy mô đầu tư của từng dự án thành phần chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết.
[Đồng Nai: Bố trí hơn 2.600 tỷ đồng phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu]
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 34,29ha, đất dân cư khoảng 30,45ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 205,31ha, đất trồng cây hằng năm khoảng 52,63ha, đất nuôi trồng thủy hải sản khoảng 2,55ha và đất khác khoảng 194,41ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 14.270 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030 là 3.567 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, Nghị quyết nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án; được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các địa phương thuộc phạm vi của dự án.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án.
Chỉ đạo rà soát và chịu trách nhiệm về tính khả thi của nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải; tính toán phạm vi và tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.
Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thực hiện các dự án thành phần bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án thành phần đó; xem xét, quyết định giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng/giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án thành phần được giao./.