Dầu thô "chua" Trung Quốc thách thức chuẩn dầu thô của Anh, Mỹ

Việc Trung Quốc vừa đưa dầu thô “chua” vào giao dịch được coi là thách thức với sự thống trị của dầu thô chuẩn Brent Biển Bắc (Anh) và dầu thô ngọt nhẹ WTI (Mỹ).
Dầu thô "chua" Trung Quốc thách thức chuẩn dầu thô của Anh, Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CNBC.com)

Nhận định về việc Trung Quốc vừa đưa loại dầu thô “chua”, loại dầu thô có nồng độ lưu huỳnh cao, vào giao dịch kỳ hạn tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, các chuyên gia phân tích tại Anh cho rằng động thái này dường như là thách thức đối với sự thống trị của loại dầu thô chuẩn trên thị trường thế giới là dầu thô Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ.

Sau thời gian dài bị trì hoãn, ngày 26/3, hợp đồng dầu thô “chua” đã được đưa vào giao dịch, và đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài không cư trú ở Trung Quốc được phép tham gia mua bán, giao dịch hợp đồng này. Đây cũng là bước đi mới nhất của Chính phủ Trung Quốc nhằm tiến tới mở cửa thị trường tài chính cũng như thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ.

Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, song chuẩn dầu mỏ vẫn được quyết định tại thị trường London và New York. Hợp đồng dầu thô vừa được đưa vào giao dịch kỳ hạn tại Thượng Hải là loại dầu thô "chua," hiện chủ yếu được các nhà máy lọc dầu Trung Quốc sử dụng, chẳng hạn như dầu Basra Light và Oman Blend.

[Giá dầu Brent lần đầu lên mức trên 70 USD mỗi thùng kể từ tháng 1]

Với khối lượng dầu thô nhập khẩu trong năm 2017 đạt mức 8,4 triệu thùng, Trung Quốc không chỉ thiết lập vị trí là nước nhập khẩu dầu hàng đầu, mà còn có tham vọng lớn hơn là khẳng định vị thế của mình liên quan đến việc nước này chi phối các giao dịch dầu kỳ hạn trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tìm cách nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế. Giới phân tích cho rằng đây là những lý do chính thôi thúc Trung Quốc đưa dầu thô "chua" vào giao dịch kỳ hạn.

Nhận định về động thái trên, ông David Martin, một quan chức cấp cao của ngân hàng JPMorgan, cho rằng đây là một diễn biến tương đối tự nhiên, khi châu Á cũng có một chuẩn dầu mỏ được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, Tập đoàn nghiên cứu thị trường BMI Research đánh giá hợp đồng giao dịch kỳ hạn dầu thô của Trung Quốc có thể gây tác động đến giá dầu thô giao ngay tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, BMI cũng lưu ý rằng thị trường dầu mỏ Trung Quốc hiện nằm dưới sự quản lý của nhà nước, vì vậy mối quan ngại về khả năng giá dầu bị thao túng là có thật.

Sở giao dịch năng lượng Thượng Hải (INE), một chi nhánh của Sở giao dịch hàng hóa Thượng Hải, đã bố trí kho dự trữ dầu mỏ với tổng sức chứa là 37,42 triệu thùng tại sáu địa điểm dọc bờ biển Trung Quốc. Mặc dù không lớn, nhưng những kho chứa này góp phần hỗ trợ việc định giá cũng như trở thành trung tâm cho các hoạt động tái xuất khẩu, bởi các kho này nằm ở khu vực thương mại tự do.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng lưu ý một số mặt trái của thị trường Trung Quốc có thể làm nản lòng giới đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể tới biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của chính phủ nước này đang gây khó khăn cho việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Ngoài ra, Trung Quốc có tiền sử can thiệp vào thị trường, cộng thêm việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ có thể làm gia tăng rủi ro về mặt tiền tệ. Một số rào cản khác là thời gian giao dịch do đặc tính về múi giờ và thực tế là các giao dịch kỳ hạn của Trung Quốc dễ trở thành nạn nhân của “bong bóng” đầu cơ.

Doanh thu giao dịch dầu kỳ hạn tại Thượng Hải trong ngày giao dịch đầu tiên đạt trên 17 tỷ nhân dân tệ (2,7 tỷ USD). Giá dầu thô “chua” giao tháng 9/2018 khép lại phiên với mức giảm 2,7% so với giá mở cửa phiên là 428 nhân dân tệ/thùng (68 USD/thùng).

INE đã đưa ra các ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, như ưu đãi về thuế và miễn trừ kiểm soát vốn. Ít nhất 10 tổ chức nước ngoài đã đăng ký giao dịch dầu thô kỳ hạn tại Thượng Hải, trong đó có JPMorgan, Bands Financial và Straits Financial Services./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục