Đấu thầu qua mạng - Cần quyết tâm của người có trách nhiệm

Trong quá trình triển khai, đấu thầu qua mạng vẫn còn bộc lộ những tồn tại cần được khắc phục mà nguyên nhân chính được chỉ ra là sự thiếu quyết tâm của không ít những người có trách nhiệm.
Đấu thầu qua mạng - Cần quyết tâm của người có trách nhiệm ảnh 1Hỗ trợ khách hàng online tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với rất nhiều điểm mới và được đánh giá là hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, góp phần công khai và minh bạch cho các dự án đầu tư công, đấu thầu qua mạng đã nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp, cơ quan tham gia hình thức này.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đấu thầu qua mạng vẫn còn bộc lộ những tồn tại cần được khắc phục mà nguyên nhân chính được chỉ ra là sự thiếu quyết tâm của không ít những người có trách nhiệm.

Hiệu quả tích cực

Đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2016 theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, số 01/2015/TTLT- BKHĐT- BTC và Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025.

Nhằm hướng dẫn thực hiện hình thức này, ngày 15/11/2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT (Thông tư 04) quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết sau một năm triển khai, năm 2018, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng đạt gần 19.000 gói, tăng hơn 2 lần so với năm 2017 với giá trị hơn 46.000 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2017. Đáng chú ý Thông tư 04 đã số hóa quy trình phương thức đấu thầu rộng rãi một giai đoạn hai túi hồ sơ, cho phép thực hiện đấu thầu các gói thầu hàng hóa, xây lắp, phí tư vấn qui mô lớn và gói thầu tư vấn qua mạng.

[Đã có gần 9.000 gói thầu đăng ký qua mạng trong bảy tháng qua]

Mặc dù, mới được áp dụng từ năm 2018 nhưng số lượng các gói thầu sử dụng phương thức này chiếm 11% các gói thầu đấu thầu qua mạng với tổng giá trị gói thầu lên tới 32% trong tổng giá trị đấu thầu qua mạng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản ký đấu thầu, cho rằng đấu thầu qua mạng đã chứng minh là công cụ hữu hiệu nhất để đảm bảo các mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong quá trình tổ chức, lựa chọn nhà thầu.

Đặc biệt, áp dụng đấu thầu qua mạng đã góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hoặc việc cài cắm các điều khoản hạn chế sự minh bạch trong đấu thầu.

Không chỉ vậy, Thông tư 04 còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như giảm thủ tục hành chính, văn bản giấy tờ, tự động hóa các thao tác trong đấu thầu nên về cơ bản đã khắc phục được nhiều tồn tại trong hoạt động đấu thầu qua mạng thời gian qua.

Bên cạnh đó, đấu thầu qua mạng còn số hóa tối đa các mẫu hồ sơ lĩnh vực mua sắm hàng hóa, xây lắp, tư vấn, phi tư vấn trên hệ thống; mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng.

“Nhà thầu có thể nhập lần lượt các biểu mẫu dự thầu dưới dạng web form theo từng bước, từng giai đoạn. Hệ thống sẽ tự lưu lại thông tin nhà thầu khai báo, không cần phải mất công khai lại khi có sự cố xảy ra. Sau khi điền đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ tự động tính toán để ra giá bỏ thầu căn cứ vào đơn giá chào thầu, số lượng hàng hóa/dịch vụ của gói thầu; loại bỏ lỗi số học và sai lệch trong quá trình đấu thầu, tự động kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ dự thầu ngay khi nộp,” chuyên gia của Cục Quản lý đấu thầu cho biết.

Ngoài ra, dung lượng hồ sơ dự thầu được nâng cấp lên 300 MB, tăng 15 lần so với trước đây, giúp tăng thêm tiện ích cho người dùng. Hệ thống cũng được bổ sung chức năng thông báo tự động các giao dịch giữa chủ đầu tư với nhà thầu. Nhờ đó, nhà thầu không còn phải túc trực trên mạng để cập nhật thông tin gói thầu.

Đấu thầu qua mạng - Cần quyết tâm của người có trách nhiệm ảnh 2Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mặc dù, đã thu được những kết quả nhất định, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỷ lệ đấu thầu qua mạng tuy tăng nhanh qua từng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu theo lộ trình.

Tỷ lệ đấu thầu qua mạng tại nhóm Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất (46,4%), tuy nhiên, chủ yếu do kết quả triển khai ấn tượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kéo chỉ số của cả nhóm tăng. Tiếp đến là nhóm các bộ, ngành, với tỷ lệ đấu thầu qua mạng năm 2018 là 20,6%, trong khi tại các địa phương, tỷ lệ trung bình về đấu thầu qua mạng chỉ đạt 18%.

Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng tăng hàng năm nhưng tỷ lệ giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng còn thấp, chưa tận dụng được lợi ích của đấu thầu qua mạng.

Không chỉ vậy, số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng còn đạt thấp, chưa phát huy tốt nhất tính hiệu quả của hình thức này. Hiện nay, mới chỉ có 4,6% trên tổng số gần 84.000 nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng.

Theo thống kê, số lượng nhà thầu trung bình tham gia đấu thầu/1 gói thầu qua mạng là 2,5; trong đó, các gói thầu (đặc biệt là gói thầu xây lắp) chỉ có 1 nhà thầu tham gia vẫn chiếm số lượng lớn, khoảng 36% tổng số gói thầu.

Một trong những nguyên nhân nữa là do hệ thống mạng hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ từ năm 2009 do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, do vậy Cục Quản lý Đấu thầu gặp khó khăn trong việc mở rộng, nâng cấp hệ thống và tính năng kỹ thuật của hệ thống còn chưa thực sự thân thiện với người sử dụng.

Về phía các doanh nghiệp, hầu hết, các doanh nghiệp còn chần chừ, chưa chủ động tìm hiểu về các cơ hội tham gia thị trường mua sắm công thông qua đấu thầu qua mạng.

“Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nguyên nhân cốt lõi là do nhận thức về đấu thầu qua mạng còn chưa đầy đủ, thống nhất, đặc biệt là sự thiếu quyết tâm của không ít các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu,” Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Quyết liệt từ nhiều phía

Để đẩy mạnh hình thức lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết ngay từ đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; trong đó, đưa ra chỉ tiêu áp dụng đấu thầu qua mạng trong năm nay là 50% số lượng gói thầu và 15% giá trị gói thầu.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 1402/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025, trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình áp dụng cho giai đoạn đến năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này và nâng cao hiệu quả đấu thầu qua mạng, Cục Quản lý Đấu thầu cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần sát sao giám sát thực hiện chỉ tiêu áp dụng đấu thầu qua mạng tại các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc; chủ động đưa ra cách thức quản lý hiệu quả để hoàn thành mục tiêu đấu thầu qua mạng năm 2019 theo Nghị quyết 01. Chẳng hạn như có biện pháp hiệu quả gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định.

Hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, Cục Quản lý Đấu thầu cần đẩy mạnh đào tạo, truyền thông về đấu thầu qua mạng; đặc biệt hướng đến các đối tượng là doanh nghiệp để họ sẵn sàng tham gia các gói thầu điện tử trên hệ thống.

Hiện tại, Cục Quản lý Đấu thầu cũng đang khẩn trương hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư PPP xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể hiện đại, thay thế hệ thống hiện tại. Hệ thống mới dự kiến được xây dựng trong vòng 1,5 năm, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2021, bao gồm 11 cấu phần sẽ giúp hiện đại hóa đấu thầu, tạo môi trường kỹ thuật thân thiện với người sử dụng.

Nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, với điểm mới này, các đơn vị không có lý do gì để không tham gia đấu thầu qua mạng. Song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, để đấu thầu qua mạng trở nên phổ biến, đi vào cuộc sống, tạo ra sự minh bạch cho các dự án đầu tư còn phụ thuộc vào quyết tâm của các đơn vị tham gia.

"Dù cơ chế chính sách và hệ thống có hoàn thiện đến mấy, nhưng việc triển khai đấu thầu qua mạng chỉ có thể đạt hiệu quả tối đa nếu có sự quyết tâm, đồng lòng và mong muốn đấu thầu thực sự minh bạch, công bằng, cạnh tranh từ cả các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu, doanh nghiệp và toàn xã hội,” ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục