Kế hoạch đấu thầu 65 tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội thực hiện từ nay đến năm 2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp đang hoạt động xe buýt trên địa bàn.
Tại cuộc làm việc mới đây về “Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” của đoàn khảo sát Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội với Tổng công ty Vận tải Hà Nội, lãnh đạo doanh nghiệp này bày tỏ lo lắng về số phận hàng của trăm xe buýt sẽ đi đâu về đâu khi các tuyến buýt bị “dỡ ra” hết để đấu thầu.
Đấu thầu để giảm trợ giá
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 12 đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; trong đó Tổng công ty Vận tải Hà Nội có 67 tuyến, chiếm gần 60%; có 10/12 doanh nghiệp hoạt động buýt có trợ giá.
Từ năm 2012 đến hết quý 1 năm nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã mở mới các tuyến buýt, nâng tổng số tuyến buýt từ 67 tuyến năm 2012 lên 92 tuyến năm nay, tăng 37,3%. Mạng lưới buýt đã bao phủ rộng khắp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Xe buýt đã đáp ứng được khoảng 14,2% nhu cầu đi lại của người dân, sản lượng hành khách tăng trung bình từ 1-3%/năm; trong đó sản lượng hành khách buýt trợ giá đạt cao nhất vào năm 2014 là 463,5 triệu lượt hành khách và có xu hướng giảm xuống từ năm 2015.
Để tạo môi trường cạnh tranh, thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia hoạt động buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân đi xe buýt, Hà Nội đã tổ chức đấu thầu các tuyến buýt từ năm 2012 đến nay.
[Hà Nội sắp thí điểm 3 tuyến mini buýt đi vào các phố nhỏ]
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thông qua việc đấu thầu đã giảm được chi phí vận hành của các tuyến buýt. Riêng 16 tuyến buýt tổ chức đấu thầu đưa vào hoạt động đã giảm chi phí so với giá gói thầu được duyệt là 64,7 tỷ đồng, qua đó từng bước giảm kinh phí trợ giá từ ngân sách thành phố.
Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, từ năm nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục đấu thầu thêm 65 tuyến buýt, theo lộ trình năm nay đấu thầu 17 tuyến; năm 2019 là 20 tuyến và năm 2020 là 28 tuyến.
Cần giải bài toán cho hàng trăm xe buýt đã vận hành
Tuy nhiên, việc đấu thầu các tuyến buýt đã đặt các doanh nghiệp hoạt động buýt vào bài toán khó khi mới bỏ ra hàng trăm tỷ đầu tư phương tiện mới, luồng tuyến đang hoạt động ổn định…, trong khi thời gian thực hiện hợp đồng theo hình thức đấu chỉ là 5 năm.
Thực hiện Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, trong hai năm 2016-2017, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã mua trên 300 xe buýt chất lượng cao, tiêu chuẩn châu Âu, với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay.
Riêng tuyến buýt 107, để đáp ứng yêu cầu của thành phố về việc mở ngay tuyến buýt từ trung tâm lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trường Đại học FPT, Tổng công ty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng mua 17 xe Belarus loại cao cấp. Tuyến buýt này đã được đưa vào vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để có được đoàn phương tiện chất lượng cao này, Tổng công ty đã phải bỏ vốn đầu tư phương tiện cao hơn mức nguyên giá phương tiện để tính khấu hao của Ủy ban Nhân dân thành phố trung bình từ 20-30%, trong đó có những xe được mua với giá cao hơn khoảng 40%.
Tức là Tổng công ty đã phải mua xe với giá từ 2,2-3,5 tỷ đồng, trong khi nguyên giá phương tiện để tính toán đơn giá khấu hao phương tiện của Ủy ban Nhân dân thành phố đối với xe nhỏ là 928 triệu đồng/xe; xe trung bình 1,745 tỷ đồng/xe; xe lớn 2,280 tỷ đồng/xe. Điều này có nghĩa là sau 10 năm khấu hao, Nhà nước trả cho doanh nghiệp hụt từ 20-30% so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra.
Mặt khác, theo Quyết định 1494 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian trích khấu hao phương tiện là 10 năm và nguyên giá tại thời điểm tính toán năm 2016. Nhưng đấu thầu lại quy định 5 năm phải thay xe mới.
Điều này đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh hết sức khó khăn nếu không trúng thầu, thậm chí kể cả trúng thầu, số xe bỏ ra không hoạt động (vẫn còn 50% giá trị ) sẽ sử dụng vào đâu? Kèm theo đó, doanh nghiệp đang vận hành nếu không trúng thầu sẽ phải đối mặt với nguy cơ hàng trăm lao động mất việc làm. Đây là điều phi lý và gây lãng phí xã hội rất lớn.
Hoạt động xe buýt đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt theo sự phát triển của đô thị và mạng lưới đường giao thông nhằm đáp ứng đi lại của hành khách.
Có ý kiến e ngại, việc đấu thầu sẽ cố định, đóng kín các chỉ tiêu dịch vụ, luồng tuyến trong thời gian 5 năm sẽ hạn chế vấn đề này.
Đấu thầu thế nào?
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, để tham gia đấu thầu, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí chung theo quy định của pháp luật, các đơn vị dự thầu còn phải đáp ứng các tiêu chí để nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh xe buýt. Thời gian thực hiện hợp đồng theo hình thức đấu thầu thường là 5 năm.
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, hiện nay, khấu hao phương tiện được tính theo quy định hiện hành, với thời gian trích khấu hao là 10 năm và nguyên giá tại thời điểm tính toán năm 2016.
Nguyên giá phương tiện để tính đơn giá định mức được áp dụng bình quân cho các nhóm phương tiện (nhỏ, lớn, trung bình) của toàn mạng trợ giá.
Tại thời điểm xây dựng, nguyên giá phương tiện được xác định trên cơ sở nguyên giá bình quân, cụ thể xe nhỏ 928 triệu đồng/xe, xe trung bình 1,745 tỷ đồng/xe; xe lớn 2,280 tỷ đồng/xe.
Tuy nhiên, đến nay, nguyên giá phương tiện bình quân thực tế đối với xe nhỏ là 1,320 tỷ đồng/xe (cao hơn định mức 393 triệu đồng); xe trung bình 2,260 tỷ đồng/xe (cao hơn định mức 515 triệu đồng); xe lớn 3,6 tỷ đồng/xe (cao hơn định mức 1,381 tỷ đồng/xe).
Đối với phương tiện CNG (phương tiện sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên), nguyên giá 3,2 tỷ đồng/xe (cao hơn 1 tỷ đồng/xe đối với xe trung bình).
Với mức giá thành phương tiện hiện đại như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải áp lực rất lớn về vốn, trong khi giá gói thầu và chi phí đặt hàng là theo định mức.
Khả năng huy động vốn của doanh nghiệp vận tải để đầu tư phương tiện chất lượng cao khó khăn hơn, nguy cơ rủi ro lớn.
Đấu thầu để tạo môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt là một chủ trương đúng, nhưng từ thực tế trên cũng đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp bài toán bảo toàn vốn Nhà nước trước số phận hàng trăm xe buýt cũng như người lao động sau đấu thầu chưa biết sẽ đi đâu về đâu!../.