Đấu thầu buýt ở Hà Nội: Doanh nghiệp hào hứng nhưng cũng lắm nỗi lo

Việc tổ chức đấu thầu xe buýt tại Hà Nội sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chất lượng dịch vụ xe buýt của Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt trong những năm qua nhờ vào đầu tư xe mới, thái độ phục vụ tốt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Chất lượng dịch vụ xe buýt của Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt trong những năm qua nhờ vào đầu tư xe mới, thái độ phục vụ tốt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hà Nội vừa triển khai xong đấu thầu 68 tuyến xe buýt để mở rộng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, đáp ứng điều kiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn bày tỏ sự e ngại khi phải đầu tư lớn, thu lợi nhỏ và mở rộng tuyến mới sẽ rất khó khăn.

Giảm đầu tư, không làm xáo trộn mạng lưới

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết việc tổ chức đấu thầu đối với 68 tuyến buýt theo hình thức trợ giá cung cấp dịch vụ cho năm 2020 (năm 2019 thực hiện theo hình thức đặt hàng) nhằm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Theo Nghị định này, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một trong những dịch vụ công ích phải tổ chức đấu thầu. Riêng, tuyến buýt nhanh BRT và 7 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) là các tuyến buýt có tính chất đặc thù hiện chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện, nên thành phố vẫn thực hiện theo hình thức đặt hàng.

“Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng, thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời gian thực hiện hợp đồng thầu là 5 năm nên sẽ tạo ra tính ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh,” ông Phương khẳng định.

Dẫn chứng, thông qua việc tổ chức đấu thầu 68 tuyến, Hà Nội đã thay mới được 139 phương tiện (thay thế toàn bộ các xe hoạt động trên 10 năm) với tổng chi phí đầu tư phương tiện hơn 408 tỷ đồng. Các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, được trang bị thêm các tiện ích trên xe.

Đánh giá việc đấu thầu không làm xáo trộn mạng lưới xe buýt Thủ đô cũng như ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ông Phương cho rằng các đơn vị trúng thầu đều là các đơn vị đang hoạt động cung cấp dịch vụ xe buýt trên địa bàn. Khi tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp cơ bản đều được hưởng cơ chế chung của thành phố cũng như khi đặt hàng (cơ chế trợ giá).

[''Hình ảnh xe buýt Hà Nội đã có nhiều bước ngoặt về chất và lượng'']

Là đơn vị trúng nhiều gói thầu nhất (43 tuyến buýt), ông Ngô Xuân Phú, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết đây là những tuyến Tổng công ty đang khai thác vận hành. Mô hình quản lý tập trung, kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực vận tải buýt, tiềm lực về hạ tầng, phương tiện và nguồn nhân lực sẵn có cùng với sự đầu tư đồng bộ hệ thống công nghệ là thế mạnh của Tổng công ty trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ khi tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, ông Phú cũng đưa ra quan điểm đây cũng là áp lực rất lớn đối với Transerco để thực hiện mục tiêu vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thành phố giao với vai trò đơn vị vận tải chủ lực giữ cho hệ thống xe buýt của Thủ đô hoạt động ổn định, đảm bảo duy trì công việc cho người lao động vừa phải cân đối hiệu quả kinh doanh tổng thể các tuyến buýt để bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nỗi lo từ bài học từ buýt Thành phố Hồ Chí Minh

Các chuyên gia giao thông và Hiệp hội vận tải cho rằng, những tuyến buýt đặt hàng trước kia là do cơ chế Nhà nước để lại và với sự phát triển đa dạng của các doanh nghiệp vận tải thì Hà Nội có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi xã hội hóa lĩnh vực mà Hà Nội đang rất cần quản lý đảm bảo vai trò quan trọng của vận tải hành khách công cộng, giải quyết bài toán giao thông tại các đô thị lớn.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nếu thực hiện không tốt, vận tải công cộng sẽ mất vị thế và khó lấy lại thói quen hành khách đi xe buýt. Bài học khi chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu khiến xe buýt Thành phố Hồ Chí Minh vắng khách vẫn đang hiện hữu.

"Khi đấu thấu, doanh nghiệp tìm mọi cách để trúng thầu, nhưng khi trúng thì phương tiện, dịch vụ không đảm bảo. Doanh nghiệp hoạt động chỉ chăm chăm để thu tiền thì không thể thu hút khách đặt chân lên vận tải công cộng,” ông Liên nói.

Ông Liên cũng thừa nhận việc đấu thầu xe buýt vẫn còn một số vấn đề khiến doanh nghiệp e ngại như phải đầu tư lớn, thu lợi nhỏ, các doanh nghiệp còn lâm vào cảnh khó xử với những chiếc xe buýt sau thời gian thực hiện gói thầu bởi xe buýt có đặc thù thiết kế riêng, ít ghế ngồi, khi không còn được khai thác nữa phải tốn thêm một khoản phí hoán cải thành loại hình phương tiện kinh doanh khác; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động sau thời gian hết đấu thầu…

[Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ “bàn tay” can thiệp từ Nhà nước]

Từ đó, ông cho rằng, thành phố nên cân nhắc, đối với những tuyến buýt có lượng hành khách thấp, có thể xem xét kéo dài gói thầu để khuyến khích doanh nghiệp ổn định tham gia nhằm nâng cao hơn chất lượng dịch vụ.

Đấu thầu buýt ở Hà Nội: Doanh nghiệp hào hứng nhưng cũng lắm nỗi lo ảnh 1Hành khách đi xe buýt trên tuyến số 86 lộ trình ga Hà Nội-sân bay Nội Bài luôn đông đúc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đại diện một doanh nghiệp tham gia đấu thầu cho biết, đấu thầu buýt ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa tương đồng về chất lượng dịch vụ giữa các doanh nghiệp bởi các chi phí, doanh thu của mỗi đơn vị không như kỳ vọng, thậm chí là thua lỗ đã dẫn đến một số đơn vị cắt giảm lượt chuyến, xin bỏ tuyến, làm gián đoạn dịch vụ cung ứng khách hàng và tạo ra sự bất ổn về luồng tuyến.

“Khi mở thêm các tuyến buýt mới, những con số dự báo, tính toán về lượng hành khách sẽ luôn có sự thay đổi và rất khó khăn và chính là rủi ro của doanh nghiệp. Chưa kể, ở nước ngoài, nếu chất lượng dịch vụ tốt, giá vé sẽ do doanh nghiệp tự tăng, giảm hoặc có các mức giá theo khung giờ. Tuy nhiên, tại nước ta, giá vé vẫn phải kê khai theo khung giá của thành phố,” đại diện doanh nghiệp than thở.

Về vấn đề này, ông Thái Hồ Phương khẳng định việc tự ý cắt giảm lượt chuyến, bỏ tuyến đối với các tuyến buýt đang được trợ giá (bao gồm cả các tuyến đặt hàng và đấu thầu) là chưa có tiền lệ tại Hà Nội và không được phép.

“Trong quá trình thực hiện thầu, các lượt xe, các tuyến buýt đều được giám sát chặt chẽ. Trường hợp doanh nghiệp cố tình cắt giảm lượt chuyến, thậm chí xin bỏ tuyến sẽ bị xử lý theo hợp đồng và các quy định hiện hành,” ông Phương quả quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục