Dầu sát mức 99 USD

Dầu ngọt nhẹ đã tiến sát mức 99 USD mỗi thùng

Bắt đà tăng đêm trước, giá dầu thô tiếp tục đi lên trong phiên 9/2 tại thị trường châu Á khi tăng 18 xu lên 98,89 USD mỗi thùng.
Bắt đà tăng đêm trước, giá dầu thô tiếp tục đi lên trong phiên 9/2 tại thị trường châu Á cùng niềm hy vọng tràn trề về thành công của thỏa thuận hoán đổi nợ và cứu trợ dành cho Hy Lạp.

Chiều 9/2 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (hay còn gọi là dầu thô chuẩn Tây Texas - WTI) giao tháng 3/2012 tăng 18 xu lên 98,89 USD/thùng và dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 21 xu lên 117,41 USD/thùng.

Theo bình luận của Công ty Phillip Futures, dầu tăng giá trong niềm hy vọng rằng Chính phủ Hy Lạp sắp đạt được thỏa thuận về các biện pháp khắc khổ mới.

Điều này đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ dành cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ hai.

Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp vừa thông báo các cuộc thảo luận trong liên minh cầm quyền tại Hy Lạp về các biện pháp khắc khổ mới đã kết thúc ngày 8/2 chỉ với duy nhất một điểm còn bất đồng và theo dự kiến, sự bất đồng này có thể hoàn toàn được giải quyết trong cuộc họp sáng ngày 9/2 (theo giờ châu Âu).

Đêm trước tại phương Tây, bất chấp nhu cầu yếu từ Mỹ, dầu thô vẫn tăng giá nhờ nhận được sự hậu thuẫn của giá dầu Brent Biển Bắc trong bối cảnh mùa Đông khắc nghiệt tại châu Âu.

Chốt phiên 8/2 tại New York, giá dầu WTI giao tháng 3/2012 tăng 30 xu lên 98,71 USD/thùng, trong khi dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London còn tăng mạnh hơn, với 97 xu lên 117,20 USD/thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ vừa cho hay dự trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm dầu chưng cất của nước này đều tăng trong tuần trước và điều này cho thấy nhu cầu trong nước đã yếu đi.

Theo thống kê chính thức, người tiêu dùng trên cả nước Mỹ tiêu thụ trung bình 18,1 triệu thùng dầu thô/ngày trong 4 tuần qua, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường dầu mỏ thế giới còn chịu tác động từ những diễn biến tại Iran. Quốc gia sản xuất dầu mỏ nhiều thứ hai trong OPEC này đe dọa có hành động trả đũa các nước phương Tây vì bị cấm vận.

Iran đang tìm cách thay thế thị trường châu Âu bằng thị trường châu Á, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục