Dầu mỏ Iran "hưởng lợi" nhờ thỏa thuận khung với Nhóm P5+1

Xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong thời gian tới có thể mở cửa cho các tập đoàn năng lượng quốc tế quay lại quốc gia này nhờ thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân với nhóm P5+1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) có thể dẫn tới sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này trong thời gian tới và mở cửa cho các tập đoàn năng lượng quốc tế quay trở lại Iran sau năm năm vắng mặt.

Cho dù thỏa thuận khung kể trên vẫn còn phải hoàn thiện trước khi thỏa thuận toàn diện dự kiến ký kết cuối tháng Sáu tới, song Iran đã tiến một bước gần hơn tới mục tiêu khôi phục sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.

Trên thực tế, Tehran đang nỗ lực để hồi sinh ngành công nghiệp dầu khí và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sau khi hàng loạt "đại gia" dầu mỏ như Royal Dutch Shell (liên doanh Anh-Hà Lan), Repsol (Tây Ban Nha), Statoil (Na Uy) và Total (Pháp) rút khỏi Iran năm 2010.

Iran hy vọng sẽ sớm khởi động lại các hợp đồng dầu khí mới với các công ty phương Tây này.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến lượng dầu xuất khẩu của Iran bị tác động mạnh và chỉ đạt trên 1 triệu thùng mỗi ngày kể từ năm 2012, bằng một nửa so với mức trước trừng phạt và gây ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nước này.

Một số nhà quan sát cho rằng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran có thể phục hồi trong những tháng tới. Theo Công ty Tư vấn Facts Global Energy, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có thể thúc đẩy sản lượng dầu mỏ của Iran tăng thêm 500.000 thùng mỗi ngày trong ba đến sáu tháng tới.

Đáng chú ý Iran hiện tích trữ khoảng 30 triệu thùng dầu dư thừa ở ngoài khơi, chủ yếu trong các tàu chứa của Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran (NITC).

Một nguồn tin trong ngành cho biết, 15 tàu chở dầu cực lớn của NITC (mỗi tàu có thể vận chuyển 2 triệu thùng dầu thô) đã được triển khai ngoài khơi phục vụ hoạt động tích trữ dầu.

Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran là một yếu tố gây áp lực thêm đối với thị trường “vàng đen,” vốn đã phải đối mặt với sức ép giảm giá do đồng USD mạnh và nguồn cung dư thừa.

Hàng triệu thùng dầu mà Iran đang tích trữ và sản lượng tăng thêm có thể tràn ngập thị trường, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung.

Thêm vào đó, Iran từng khẳng định sẽ tăng xuất khẩu thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng dầu mỏ Iran sẽ chưa thể đóng vai trò chủ chốt trên thị trường toàn cầu trong ngắn hạn, ít nhất cho đến cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Người đứng đầu mảng nghiên cứu hàng hóa tại Citi Group, Ed Morse nói rằng cần có thời gian để thực thi thỏa thuận hạt nhân và giám sát mức độ tuân thủ của Tehran.

Ngay cả khi Iran nâng sản lượng và xuất khẩu, thì để duy trì sản xuất và doanh số bán dầu mỏ cũng là thách thức lớn đối với quốc gia này.

Để có thể hiện thực hóa tham vọng quay trở lại mục tiêu sản lượng 4 triệu thùng mỗi ngày, Iran sẽ cần công nghệ và kỹ thuật từ phương Tây, trong bối cảnh 40% trên tổng số 187 mỏ dầu hiện nay của nước này vẫn chưa được khai thác.

Phó Giám đốc phụ trách hoạt động khai thác Behrouz Borna thuộc Tổ chức Địa chất của Iran (GOI) vừa cho biết quốc gia Hồi giáo này đang sở hữu 3% tài nguyên khoáng sản của thế giới, với giá trị ước đạt khoảng 770 tỷ USD.

Ông Borna cũng khẳng định rằng Iran đang sở hữu 12 mỏ khoáng sản lớn tầm cỡ, trong đó có rất nhiều mỏ vàng có trữ lượng lớn.

Điều này cho thấy vị trí quan trọng của đất nước Hồi giáo trong việc phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản.

Tuy nhiên, quan chức này lại than phiền về tình trạng lạc hậu của ngành địa chất khi nói rằng lĩnh vực khoa học này đã có bề dày phát triển 200 năm, nhưng GOI lại mới chỉ được thành lập cách đây chưa đầy 50 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục