Đâu là tầm nhìn kinh tế của Campuchia trong năm 2020 sắp tới?

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất rằng để giảm thiểu rủi ro, Campuchia cần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, giảm chi phí năng lượng và hậu cần, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng..
Đâu là tầm nhìn kinh tế của Campuchia trong năm 2020 sắp tới? ảnh 1Công nhân dệt may tại Campuchia. (Nguồn: AP)

Nhật báo Khmer Times mới đây có bài xã luận phân tích về triển vọng kinh tế Campuchia trong năm 2020.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống dưới 7% vào năm 2020, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu toàn cầu giảm tốc cũng như các rủi ro xuất phát từ kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Campuchia có thể mất khả năng tiếp cận ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) theo chương trình ưu đãi thương mại Mọi thứ trừ vũ khí (EBA) và những lỗ hổng tài chính trong nước.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất rằng để giảm thiểu rủi ro, Campuchia cần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, giảm chi phí năng lượng và hậu cần, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua phát triển kỹ năng và nâng cao năng lực giám sát và chuẩn bị cho nguy cơ khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề xuất một số chính sách đối với thị trường tài chính cũng như cải cách cơ cấu bao gồm các biện pháp kiềm chế tăng trưởng tín dụng cao, giải quyết các lỗ hổng của ngành tài chính và đẩy mạnh cải cách cơ cấu để tăng cường khả năng cạnh tranh và quản trị.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phụ trách địa bàn Campuchia Sunniya Durrani-Jamal cho rằng Campuchia cần đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ tăng trưởng thông qua phát triển các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn. Việc này đòi hỏi giảm rủi ro phát sinh từ việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản quá nóng, nâng cao năng suất của lực lượng lao động và thu hút đầu tư vốn chất lượng cao.

Liên quan đến cải cách cơ cấu, Campuchia sẽ cần có nhiều cải cách cụ thể hơn vào năm tới đặc biệt liên quan đến công tác chống tham nhũng và cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh.

Tháng 6/2019, ADB đã cho Campuchia vay 60 triệu USD để đào tạo phát triển kỹ năng. Quan hệ đối tác công-tư trong phát triển kỹ năng của lực lượng lao động là điều rất cần thiết. Hiện nay, nhiều trường đại học và trung tâm dạy nghề ở Campuchia không có quan hệ đối tác mạnh mẽ với các ngành công nghiệp.

Lĩnh vực bất động sản quá nóng có thể làm tăng rủi ro tài chính và khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương. Liên quan đến những rủi ro mới nổi, Chính phủ Campuchia đang thực hiện một số biện pháp bao gồm thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả trong thu thuế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và tăng cường bảo trợ xã hội.

Với thặng dư tiền mặt 3,5 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ 15 tỷ USD và 30 tấn vàng, Chính phủ Campuchia sẽ sử dụng các nguồn tài chính để đối phó với các rủi ro ngắn hạn như thiên tai và thất nghiệp tăng đột biến.

Hiện nay, những tác động tiềm tàng của việc EU rút EBA tạm thời đối với nền kinh tế Campuchia đang được chú ý. Có nhiều quan điểm khác nhau về điều này. Một số người đã đặt ra mối quan ngại sâu sắc về sự sụp đổ của nền kinh tế nếu EU quyết định chấm dứt ưu đãi EBA cho Campuchia. Một số người tự tin rằng Campuchia có thể xử lý tình huống bằng cách giảm chi phí sản xuất và cung cấp nhiều ưu đãi tài chính và quy định hơn cho các ngành xuất khẩu.

Cũng có những dự đoán cho rằng EU có thể chấm dứt một phần thỏa thuận EBA. Điều đó có nghĩa là EU sẽ không nhắm mục tiêu vào ngành may mặc và giày dép, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người nghèo ở nông thôn Campuchia. Đánh giá này là từ góc độ nhân đạo.

Dù kết quả cuối cùng là gì đi chăng nữa, giờ cũng là thời điểm Campuchia cần xem xét kỹ lưỡng ngành công nghiệp thâm dụng lao động may mặc và giày dép của mình và chuyển sang ngành sản xuất thâm dụng lao động và các ngành công nghiệp bán tay nghề khác.

Một số công ty điện tử Nhật Bản đã thiết lập các cơ sở tại Campuchia song những cơ sở này không đủ để tiếp nhận những lao động mất việc một khi EBA bị đình chỉ vào năm tới hoặc trong tương lai gần, dù là một phần hoặc toàn bộ.

[Campuchia ''gồng mình'' trước nguy cơ bị EU rút ưu đãi EBA]

Bài viết kết luận, đối thoại hợp lý là sự cần thiết cùng với các cuộc thảo luận cởi mở để vạch ra một con đường kinh tế sáng sủa hơn cho người dân Campuchia.

Bài học là việc quá phụ thuộc vào một khối thương mại hoặc một số ít sản phẩm sẽ gây ra tác động nặng nề trong trường hợp xảy ra các tranh chấp thương mại hoặc khi các thỏa thuận thương mại được xem xét như một công cụ chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục