Đâu là những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP?

Tham gia CPTPP, cơ hội lớn với Việt Nam là thuế quan sẽ hỗ trợ cho các ngành may mặc, da giày, thực phẩm chế biến nhưng thách thức sẽ đến với các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tài chính.
Đâu là những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP? ảnh 1Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 2/11, Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Xung quanh chủ đề về cơ hội hay thách thức khi tham gia CPTPP, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bên hành lang Quốc hội.

- Theo ông, tham gia CPTPP thì những lĩnh vực, ngành nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cơ hội lớn với Việt Nam là thuế quan sẽ hỗ trợ cho các ngành may mặc, da giày, thực phẩm chế biến nhưng thách thức sẽ đến với các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tài chính.

Một điều chúng ta phải hết sức lưu ý với CPTPP đây là một Hiệp định tự do (FTA) tiến bộ và toàn diện. Toàn diện ở chỗ nó không giống các FTA trước đây là chỉ bàn về vấn đề thuế, cắt giảm thuế quan, mà CPTPP bàn luôn vấn đề về đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, người lao động, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tức là bàn rất toàn diện. Còn tiến bộ là không phân biệt giàu, nghèo.

Do đó, Hiệp định này sẽ hỗ trợ cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cũng như đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay chúng ta đang trong quá trình cải cách, nhưng sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế đó, để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cũng như khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển.

- Khi tham gia CPTPP sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, thưa ông?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta thấy, trong 11 quốc gia thì GDP của Việt Nam thấp hơn so với 10 quốc gia khác. Tuy nhiên, chúng ta lại có một thị trường rất tiềm năng với dân số 95 triệu dân và các nước rất quan tâm đến thị trường này. Do đó, bên cạnh thuận lợi thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những thách thức nhất định, đòi hỏi phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường ngay tại sân nhà cũng như quốc tế.

[Sáng nay, 2/11 Quốc hội nghe trình xem xét phê chuẩn hiệp định CPTPP]

Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, người nông dân phải dần quen với sản xuất lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã cũng cần có những cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nếu không mặt hàng chăn nuôi, nông sản, thực phẩm chắc chắn sẽ gặp trở ngại từ 11 quốc gia này.

- Vậy theo ông, các chính sách pháp luật của Việt Nam hiện đã phù hợp khi tham gia CPTPP?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Không có CPTPP thì chúng ta cũng vẫn đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Quốc hội cũng đang bàn luận ban hành luật mới để sửa đổi các luật cũ. Việc gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy nhanh hơn tốc độ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, để chúng ta chấp hành đúng theo những gì đã ký kết với các nước CPTPP.

Có một điểm lưu ý, mặc dù có 11 quốc gia trong CPTPP, nhưng trong đó đã có tới 8 nước mà Việt Nam đã ký kết về hiệp định thuế quan. Vì vậy, khi có thêm CPTPP sẽ có cơ hội mở rộng việc cắt giảm các dòng thuế nhiều hơn, từ đây sẽ tác động đến phát triển kinh tế. Theo dự báo, xuất nhập khẩu và GDP sẽ tăng sau khi Việt Nam ký kết hiệp định CPTPP.

- Ông cho biết việc đầu tiên Việt Nam cần phải làm là gì sau khi chính thức gia nhập CPTPP?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo tôi đó là thông tin. Phải cung cấp thông tin thật nhiều và rộng đến các doanh nghiệp để họ thấy rõ được cơ hội và thách thức khi chúng ta gia nhập vào CPTPP.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục