Đâu là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường?

Vụ việc bạo lực học đường ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra những ngày gần đây khiến dư luận sững sờ vì diễn ra tại một trường quốc tế khá nổi tiếng trên địa bàn.
Đâu là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường? ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Gần đây, vụ việc phụ huynh "tố" con học ở trường quốc tế có mức học phí rất cao tại Thành phố Hồ Chí Minh bị bạo lực học đường gây xôn xao dư luận xã hội.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) - Ủy viên Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề bạo lực học đường hiện nay.

- Thưa đại biểu, bà có ý kiến thế nào về vụ việc bạo lực học đường xảy ra ở một trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận những ngày gần đây?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, dư luận đã phản ánh rất nhiều, trong đó có nhiều clip về bạo lực học đường đã được tung lên mạng xã hội. Tuy nhiên, vụ việc ở Thành phố Hồ Chí Minh những ngày gần đây khiến dư luận có vẻ hơi sững sờ vì diễn ra trong môi trường mà mọi người thường nghĩ rằng không xảy ra, đó là một trường quốc tế khá nổi tiếng.

[Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý vụ bạo lực học đường ở trường quốc tế ISHCMC-AA]

Thực tế, bạo lực học đường có thể diễn ra ở tất cả các trường từ vùng sâu, vùng xa đến các thành phố lớn. Dù không mới, nhưng đây vẫn là trăn trở của xã hội, bởi đã có thời gian dài ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung nỗ lực để giảm thiểu vấn đề này.

- Theo bà, đâu là những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân từ chính tác động của đại dịch COVID-19.

Như chúng ta biết, đại dịch ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi, đối tượng. Trong số đó, học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi các em có thời gian rất dài học trực tuyến, không được giao lưu với thầy cô, bạn bè nên kỹ năng sống cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là có một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Đó là những kỹ năng sống không chỉ đơn thuần cho học sinh thực hành các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày mà cả việc ứng xử với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh.

Video Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nói về bạo lực học đường:

Bởi nhiều khi, càng là học sinh con của gia đình khá giả càng được phụ huynh o bế, cha mẹ rất quan tâm đến việc làm sao để con có thể hưởng những điều kiện tốt nhất nhưng lại vô tình tước đi của con em nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, nên kỹ năng ứng xử của các em, mối quan hệ với cộng đồng còn yếu.

- Bà có cho rằng trong thời buổi 4.0 như hiện nay, việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh và mạng xã hội cũng có tác động không nhỏ tới giới trẻ và tình trạng bạo lực học đường?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Hiện nay, trong bối cảnh điều kiện xã hội phát triển, việc học sinh sở hữu một chiếc điện thoại thông minh rất dễ dàng cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Bởi ngay từ khi còn rất nhỏ, nhiều em đã thành tạo với việc tạo ra các tài khoản mạng xã hội cá nhân và đăng tải thông tin trên đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội có cảm giác ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường và những vấn đề tiêu cực khác. Điều này bao gồm cả mặt lợi và hại.

Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều vụ việc bị phanh phui, có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mặt khác, các video, hình ảnh bạo lực học đường xuất hiện tràn lan trên mạng cũng ảnh hưởng xấu đến xu hướng phát triển, tự tiêm nhiễm vào nhiều học sinh những cách ứng xử lệch lạc.

Nhiều vụ bạo lực học đường được phát trực tiếp trên mạng, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem, thu về những ý kiến trái chiều khác nhau. Điều này có thể khiến các nạn nhân trong các vụ việc càng bị tổn thương sâu sắc hơn, hoảng loạn về mặt tinh thần.

- Vậy để giảm tình trạng bạo lực học đường, theo bà đâu là những giải pháp cấp bách cần thực hiện?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, tôi cho rằng rất cần đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội và đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em của mình. Bên cạnh đó, chúng ta đã có Luật An ninh mạng nhưng cần rà soát và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn nữa.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục