Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp?

Thiếu thực tiễn về kỹ năng quản trị, thiếu kiến thức cơ bản để xây dựng kế hoạch sản xuất hay mục tiêu kinh doanh... khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại. Vậy họ cần những công cụ hỗ trợ gì?
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp? ảnh 1Ảnh minh họa.

Vài năm gần đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam được ghi nhận là sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu từ Tổng cục Thống kê trong tháng 12/2022 cho thấy cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022, tăng 30,3% so với năm 2021. Trong khi đó, có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm 2021.

Như vậy, trung bình một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đa phần trong số đó là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Nhiều người cho rằng họ thất bại là do không có kỹ năng, tài chính hạn hẹp… Điều này đúng nhưng vẫn chưa đủ.

Những cái "thiếu" của doanh nghiệp

Theo các chuyên gia nghiên cứu, thất bại của nhóm doanh nghiệp này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chủ yếu đều từ sự thiếu thực tiễn về kỹ năng quản trị, thiếu những kiến thức cơ bản để xây dựng kế hoạch sản xuất hay mục tiêu kinh doanh, cũng như lộ trình thực hiện các mục tiêu ấy.

Có những chủ doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, chưa hình dung và chưa nhận thức đúng đắn việc phải thiết lập hệ thống đo lường hay các chỉ số để đánh giá tính hiệu quả của các kênh phân phối, tối ưu hóa mô hình sản xuất để đem lại các giá trị gia tăng khác nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Chuyên gia huấn luyện Lê Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Đào tạo bán hàng MIK EDU, cho hay một doanh nghiệp được gọi là thành công thì doanh nghiệp ấy cần có tính thương mại, nghĩa là có thể bán được và có người sẵn sàng mua doanh nghiệp. Không những thế, doanh nghiệp ấy cần có tính sinh lời, phải có công cụ để kiểm soát được những chỉ số bán hàng tuần, hàng tháng.

Doanh nghiệp phải được vận hành một cách đồng bộ giữa kế hoạch sản xuất và kế hoạch kinh doanh; giữa mục tiêu tài chính với việc tăng trưởng danh sách khách hàng; phải có bản đồ chiến lược về mọi vấn đề và các khâu hoạt động cần có khớp nối với nhau.

Muốn xây dựng được một doanh nghiệp thành công, việc đầu tiên cần đi từ nền móng. Theo ông Tuấn, chủ doanh nghiệp phải hướng tới một lộ trình phát triển với tầm nhìn và sứ mệnh, phải "vẽ" ra được mục tiêu hướng tới của mình và rõ ràng về tài chính để cần biết mỗi có bao nhiêu tiền, cần bán bao nhiêu hàng...

Doanh nghiệp phải thiết kế lịch trình công việc cho bản thân mỗi ngày để tự quản trị được thời gian, kế hoạch để không bị sơ suất hay bỏ sót công việc. Ngoài ra, doanh nghiệp cần từng bước xây dựng chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối...

Bên cạnh việc xây dựng nền móng, ông Tuấn cho rằng tập trung phát triển thị trường cũng là yếu tố rất quan trọng. Doanh nghiệp phải có sự đầu tư, nghiên cứu và tìm hiểu thị trường ngách để nhắm vào. Đối với mỗi đối tượng khách hàng, doanh nghiệp cũng khai thác và giúp họ nhận ra được lợi ích khi lựa chọn sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

Qua đó, doanh nghiệp phải xây dựng được danh sách khách hàng tiềm năng, tính toán được tỷ lệ chuyển đổi hay còn gọi là tỷ lệ sử dụng hoặc tái sử dụng của khách hàng, dự tính doanh thu trung bình của từng đơn hàng và số lần mua hàng trong mỗi chu kỳ... Doanh số của doanh nghiệp chính là bằng tỷ lệ giữa khách hàng với doanh thu và số lần mua hàng...

Chừng nào giải được bài toán quản trị, tính toán được điểm hòa vốn và xây dựng được kịch bản bán hàng nhằm giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng, khi ấy, doanh nghiệp mới có thể nhìn rõ cơ hội và nắm bắt được cơ hội để phát triển.

Không những chỉ bán hàng, doanh nghiệp cũng cần có những hoạt động chăm sóc khách hàng, biết cách tăng cường tương tác với khách hàng để thúc đẩy doanh số bán, đồng thời sáng tạo các chương trình, các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng giá trị đơn hàng, ông Tuấn phân tích.

Cùng chung quan điểm, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, chia sẻ mỗi sản phẩm khi bán cần phải có một câu chuyện. Khách hàng mua giải pháp và giá trị của sản phẩm. Vì vậy, cần phải chạm được đến khách hàng và truyền tải được câu chuyện đó.

Trong kinh doanh, cần phải biết nắm bắt tâm lý khách hàng, bởi vì hầu hết khách hàng đều có một trong những mong muốn thể hiện bản thân cũng như là họ muốn bày tỏ ý kiến cá nhân và đóng góp gì đó cho cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà kinh doanh thất bại là do chưa biết vận dụng bài học kinh doanh vào công việc của mình.

Theo ông Thắng, muốn tồn tại và phát triển vững mạnh trên thị trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp dù hoạt động ở bất cứ một lĩnh vực nào cũng luôn phải cập nhật những xu hướng mới nhất. Một chiến lược marketing được tạo lập tốt sẽ là cầu nối kết nối doanh nghiệp với thị trường để thực hiện điều đó.

Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng chiến lược marketing có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Mỗi chiến lược marketing cần phải giải quyết được nhu cầu, mong muốn, vấn đề hoặc tận dụng thói quen và phong tục của đối tượng mục tiêu để đạt được mục đích... Đó chính là vấn đề mấu chốt giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng thành công.

Các "công cụ" hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu" tổ chức sáng 19/12, tại Hà Nội, 39 quỹ đầu tư cam kết đầu tư cho giai đoạn 2023-2025, với số vốn là 1,5 tỷ USD; tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023-2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là những đối tác quan trọng của Chính phủ, các bộ, ngành để cùng chia sẻ, hỗ trợ và đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới.

Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, các startups cùng đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thành lập cơ chế đầu tư, hỗ trợ thật hiệu quả, khai thác tốt các nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo.

Đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021, chứng tỏ một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quốc tế đánh giá cao.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2022.

Nội dung thông tư hỗ trợ gồm: tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trường hợp bên cung cấp là tổ chức thì phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp? ảnh 2Các bạn trẻ khởi nghiệp làm việc tại Tòa nhà Không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng với đó, cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội; căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP để lựa chọn tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, đảm bảo doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ có lợi nhất.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đề xuất nhiều nội dung hỗ trợ trong một hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Tại cùng một thời điểm với cùng một nội dung hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được gửi đến một cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị hạn chế số lần hỗ trợ hoặc số lượng hợp đồng hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ quy định tính theo triệu đồng/năm/doanh nghiệp hoặc triệu đồng/năm nhưng phải đảm bảo không vượt quá tỷ lệ, định mức hỗ trợ tối đa quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Thông tư nêu rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ theo nội dung và mức hỗ trợ quy định tại Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này và một số quy định cụ thể như hỗ trợ học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài, gồm: học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).

Nội dung các khóa đào tạo huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài gồm: xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp và các nội dung khác theo nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Về lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cụm liên kết ngành thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, thông tư quy định, các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành gồm: liên kết theo hình thức hợp đồng mua chung nguyên liệu đầu vào (doanh nghiệp nhỏ và vừa và tối thiểu một doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành có hợp đồng mua nguyên vật liệu đầu vào từ một bên cung cấp).

Bên cạnh đó, theo hình thức hợp đồng bán chung sản phẩm (doanh nghiệp nhỏ và vừa và tối thiểu một doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành có hợp đồng bán sản phẩm cho một bên thu mua); theo hình thức hợp đồng mua, bán, hợp tác; theo hình thức cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu...

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục