Đâu là chiến lược thoát hiểm cho Thủ tướng Anh Theresa May?

Có lập luận cho rằng nếu Thủ tướng Theresa May tuyên bố trước việc từ chức, bà sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc ngăn chặn “bánh xe quyền lực” ngừng lăn bánh trước tháng 3/2019.
Đâu là chiến lược thoát hiểm cho Thủ tướng Anh Theresa May? ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng spectator.co.uk đưa tin trên dãy núi Alps của Thụy Sỹ hiện treo biển quảng cáo kêu gọi mọi người hãy tới đó leo núi và “quay về tìm lại chính mình” đúng vào dịp Thủ tướng Theresa May tới đó nghỉ Hè.

Các nghị sỹ đảng Bảo thủ có lẽ đang tự hỏi bà May sẽ tìm thấy con đường nào hay sẽ mang về ý tưởng thay đổi gì?

Quyết định sai lầm của Thủ tướng May về việc kêu gọi tổ chức bầu cử sớm đã được đưa ra khi bà đang đi leo núi tại Snowdonia.

Một năm sau cuộc bầu cử đó, các vấn đề đối với bà chỉ tăng thêm - nhưng bà vẫn tìm cách bám trụ. Câu hỏi đối với Thủ tướng Theresa May và đảng của bà là bà sẽ bám trụ vị trí này đến bao lâu nữa?

Thành tích tốt nhất trên cương vị thủ tướng của bà May cho đến nay là sự bám trụ phi thường của bà.

Trong tháng Bảy vừa qua, tình hình ở phố Downing đã có sự thay đổi lớn. Cho đến thời gian gần đây, các quan chức trong chính quyền của Thủ tướng May vẫn lên kế hoạch ở lại lâu dài, họ ca ngợi quyết tâm của bà May tranh cử nhiệm kỳ tới và chứng minh rằng những người phản đối bà là hoàn toàn sai lầm.

Tuy nhiên, giờ đây, họ đang ngầm đưa ra quan điểm khác. Nhiều nhân vật thân cận của bà May kín đáo thừa nhận rằng sự ra đi của bà chỉ là vấn đề thời gian.

Mặc dù đa số các nghị sỹ đảng Bảo thủ vẫn cho rằng bà May nên chèo lái đảng này qua giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận Brexit - dù chỉ để đảm bảo một sự ra đi thực sự của Anh - nhưng có một sự đồng thuận đang tăng lên rằng vai trò của bà đến khi đó sẽ kết thúc.

Một nghị sỹ trung thành của đảng Bảo thủ nói: “Rất khó để tìm lý do biện minh cho sự tồn tại của bà sau tháng 3/2019.” 

[Bà May: Không đạt được thỏa thuận với EU "sẽ không phải là tận thế"]

Các bộ trưởng ủng hộ bà May cũng đưa ra nhiều cảnh báo như vậy. Một bộ trưởng nói: “Nếu bà không đưa ra lộ trình cho việc từ chức sau Brexit, khi đó sẽ xuất hiện nhiều động thái chống lại bà.”

Một bộ trưởng khác cảnh báo rằng nếu bà May không nhận ra điều này, thì thậm chí bà còn không thể tồn tại đến lúc đó.

Một nguồn tin khác từ Văn phòng nội các cho rằng rất khó để nội các có thể tồn tại đến tháng 3/2019 khi những người phản đối trong Quốc hội có cấp bậc đang ngày càng tăng lên.

Điều giúp bà May tại vị cho đến nay là sự ủng hộ của những thành viên cấp thấp trong Quốc hội của bà.

Khi nội các có xu hướng lung lay trước các cuộc đấu đá, các nghị sỹ của bà đã can thiệp để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, sự "oán giận" trong nội các đang lan rộng ra toàn đảng.

Mùa Hè năm nay đã bao trùm bởi cuộc tranh cãi giữa các nghị sỹ đảng Bảo thủ trong các nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp.

Cách đây vài ngày, nghị sỹ Nadine Dorries đã đăng trên nhóm chat chung của đảng Bảo thủ đường link một bài báo dự đoán rằng đảng này sẽ mất 25 ghế nếu tiếp tục thực hiện kế hoạch Chequers.

Dường như Nadine Dorries đã làm điều đó một cách vô tình, nhưng nó đã gây ra một cuộc tranh cãi và bà đã bị cảnh báo rằng đừng nên công khai chuyện nội bộ đảng.

Tất nhiên các nhóm trên WhatsApp là nhóm kín, nhưng các thành viên đảng Bảo thủ không tin rằng các thành viên khác sẽ không tiết lộ câu chuyện đó cho báo chí.

Như vậy, nếu Thủ tướng May có kế hoạch ra đi, bà cần làm điều đó như thế nào?

Các tiền lệ trước đây không mang lại tín hiệu tích cực. Khi cựu Thủ tướng David Cameron tuyên bố kế hoạch không tiếp tục tranh cử trước ống kính máy quay của kênh truyền hình BBC, sự ra đi của ông trở thành cái cớ để phủ nhận mọi quyết định ông sẽ đưa ra.

Khi cựu Thủ tướng Tony Blair tuyên bố sẽ rời số 10 phố Downing trong 2 năm, quyền lực của ông giảm sút ngay lập tức.

Câu hỏi đối với những người xung quanh Thủ tướng May là bà sẽ mất đi điều gì? Có nguy cơ rằng bà May trở thành “Thủ tướng vịt què tồi tệ hơn.”

Tuy nhiên, một số cho rằng cuộc đấu đá cho vị trí lãnh đạo đang diễn ra, với mỗi dòng chữ nghị sỹ Boris Johnson viết ra và mỗi động thái nghị sỹ Sajid Javid tiến hành, đều được coi là diễn biến trong cuộc đấu giành quyền lãnh đạo.

Có thể lập luận rằng nếu bà May tuyên bố trước việc từ chức, bà sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc ngăn chặn “bánh xe quyền lực” ngừng lăn bánh trước tháng 3/2019.

Có lẽ bà May nên rút bài học từ thất bại của cuộc bầu cử sớm của bà. Khi đó, bà đã nói với các thành viên Quốc hội của mình rằng bà sẽ phục vụ “cho đến khi nào họ vẫn muốn bà tại vị.”

Đề nghị đó và sự chấp nhận của bà rằng thời gian nhiệm kỳ thủ tướng của bà thuộc thẩm quyền của đảng, đã biến những người phản đối chuyển sang tán dương bà.

Đảng Bảo thủ có thể không còn muốn bà tại vị, tuy nhiên, nếu bà May đưa ra tín hiệu rằng bà sẽ đứng sang một bên khi họ đưa ra thời điểm phù hợp thì bà vẫn hy vọng có được một sự ra đi đàng hoàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục