Đâu là chìa khóa đàm phán thành công của Mỹ với Triều Tiên?

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc ông Trump không đạt được các thỏa thuận cụ thể với Bình Nhưỡng có thể khiến các mối quan hệ sụp đổ và dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh trở lại.
Đâu là chìa khóa đàm phán thành công của Mỹ với Triều Tiên? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng theamericanconservative.com, hôm 31/8, với lý do không đạt “đủ tiến bộ” hướng tới phi hạt nhân hóa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ hủy chuyến đi tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc ông Trump không đạt được các thỏa thuận cụ thể với Bình Nhưỡng có thể khiến các mối quan hệ sụp đổ và dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh trở lại. Tuy nhiên, đó là một nỗi sợ hãi vô căn cứ: trên thực tế, Mỹ vẫn ở một vị thế vững chắc hơn nhiều so với những gì mọi người nhận thấy.

Những người mong đợi đạt được “những kết quả cụ thể” chỉ sau 2 tháng bắt đầu các cuộc đàm phán đều chẳng mấy am hiểu về lĩnh vực ngoại giao quốc tế. Và kể cả khi các cuộc đàm phán không thể giải trừ quân bị của Triều Tiên, ông Trump vẫn có thể bảo vệ nước Mỹ an toàn vô thời hạn.

Một số chuyên gia nhìn nhận việc hủy cuộc họp của Pompeo là một quyết định ấn tượng, trong đó có một nhà phân tích cho rằng điều này “đã đặt tiến trình ngoại giao vào tình thế nguy hiểm và buộc Trump phải quyết định sẽ gây áp lực chính trị và quân sự đối với (lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong-un hay sẽ đưa ra những nhượng bộ để lâm vào bế tắc."

Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho rằng đó là những lựa chọn duy nhất dành cho ông Trump. Ngược lại, việc gia tăng áp lực dành cho Triều Tiên không chỉ đơn thuần là thái quá, mà còn phản tác dụng đối với lợi ích của Mỹ.

Nhiều người tin rằng mục tiêu của Mỹ là việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Tuy nhiên, việc coi CVID phải là một kết quả bắt buộc sẽ khiến Mỹ rơi vào những thất bại ngoại giao và có thể dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu, vô ích và thảm khốc.

Thay vào đó, Washington nên coi CVID là một mục tiêu dài hạn, đồng thời đảm bảo hoàn thành 3 kết quả không thể thương lượng: 1) An ninh và những lợi ích quốc gia thiết yếu của Mỹ; 2) Duy trì và mở rộng các mối quan hệ thương mại thuận lợi trên khắp châu Á; và 3) Thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

[Báo Triều Tiên tố Mỹ 'tập trận bí mật' trong khi vẫn đối thoại niềm nở]

Việc ép buộc ông Kim Jong-un từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình trong một khung thời gian ngắn chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại, trong khi đó, việc theo đuổi 3 mục tiêu thay thế trên lại rất quan trọng với Mỹ và có nhiều khả năng thành công.

Thậm chí, chỉ cần lướt qua lịch sử ngoại giao Mỹ-Triều Tiên trong quá khứ cũng có thể thấy rằng các cuộc đàm phán luôn bị kéo dài, gây bực bội và đầy rẫy những màn lật ngược tình thế trớ trêu.

Các cuộc đàm phán, vốn đã tạo ra thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 và chấm dứt hành vi thù địch trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, đã từng phải mất đến 2 năm với 158 cuộc họp mới có thể đạt được. Việc hy vọng các bên nhất trí về một kế hoạch cụ thể và buộc Bình Nhưỡng phải bắt đầu tiến trình giải giáp tích cực chỉ sau 2 tháng với một vài cuộc đàm phán ít ỏi, là điều không hề thực tế.

Mỗi khi bước vào các cuộc đàm phán, chắc chắn rằng cả hai bên đều sẽ tìm cách đạt được lợi ích tối đa trong khi chỉ muốn từ bỏ ít nhất có thể. Chúng ta nên hiểu rằng giai đoạn đầu tiên của các cuộc đàm phán thường sẽ bao gồm những đòi hỏi, việc phản đối những đòi hỏi, cáo buộc, và thái độ “phía sau hậu trường."

Đây cũng là lúc để các bên nhận định xem họ có thể đi bao xa trong các cuộc đàm phán. Không một ai, kể cả ông Kim Jong-un và chắc chắn cả ông Trump - sẽ sẵn sàng từ bỏ bất kỳ điều gì một cách vô cớ.

Hơn nữa, Kim Jong-un từng muốn phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá và sau đó đưa chúng vào hoạt động kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011.

Việc cho rằng Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân chỉ sau một cuộc họp với Trump mà không nhận được bất kỳ điều gì chắc chắn là một điều vô cùng nực cười.

Mỹ quan tâm đến việc tiếp tục ràng buộc bằng ngoại giao là điều không thể nghi ngờ nhằm hướng tới mục tiêu CVID. Tuy nhiên, kể cả khi phải nhất nhiều năm để bảo đảm cho một thỏa thuận cuối cùng, Tổng thống Trump cũng có thể hoàn thành mục tiêu thứ nhất và thứ hai trong số 3 mục tiêu phải đạt được ngay lập tức kể trên, và với sự kiên nhẫn của mình, ông có thể hoàn thành mục tiêu thứ 3 không sớm thì muộn.

Việc hiểu rõ thực tế này là rất quan trọng: Cách duy nhất khiến Mỹ thua Triều Tiên chính là khi Mỹ mất kiên nhẫn và sử dụng vũ lực. Việc ngăn chặn các hoạt động quân sự thông thường và hạt nhân của Mỹ mạnh hơn nhiều so với của Triều Tiên.

Chẳng có bằng chứng hợp lý nào cho thấy Kim Jong-un sẽ vứt bỏ mọi thứ mà ông và thế hệ đi trước của ông đã đạt được hướng tới việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ. Ngược lại, mọi hành động Kim Jong-un đã thực hiện kể từ năm 2011 cũng cho thấy ông đặt sự sống còn của chế độ lên trên tất cả.

Trong những năm gần đây - và đặc biệt là trong những tháng gần đây - ông Kim Jong-un đã đầu tư nhiều nỗ lực và tiền bạc vào việc cố gắng hiện đại hóa và mở rộng sự phát triển kinh tế của Triều Tiên. Ông Kim đã cố gắng cho thế giới thấy rằng ông là một chính khách bằng cách phá vỡ các truyền thống của cha và ông nội cũng như tích cực gặp gỡ với nguyên thủ của các nước. Tất cả những điều này cho thấy ông Kim mong muốn đất nước ông phát triển. Sẽ là phi lý khi cho rằng ông sẽ vứt bỏ mọi thứ bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thứ mà ông biết rằng sẽ dẫn đến việc hủy diệt hoàn toàn chính bản thân ông và đất nước ông. Do vậy, thật là dại dột khi cân nhắc việc phát động một cuộc chiến chống lại Triều Tiên.

Hành động hợp lý và đúng đắn nhất mà Mỹ nên theo đuổi - và cũng chính là cơ hội tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu - là gắn kết ngoại giao với Triều Tiên. Những cuộc đàm phán đó, tất nhiên, cần được củng cố vững chắc bởi sự tiết chế các hoạt động quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục