Dầu khí vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu trong hàng chục năm tới

Chuyên gia nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn nhiều tiền hơn và cần nhiều công nghệ mới, do đó thế giới vẫn cần dầu và khí đốt trong hàng chục năm nữa.
Dầu khí vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu trong hàng chục năm tới ảnh 1Cơ sở khai thác dầu ở Khor al-Zubair, tỉnh Basra, miền Nam Iraq ngày 18/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị Năng lượng châu Á được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong tuần này, các lãnh đạo trong ngành năng lượng nhận định dầu và khí đốt sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng hàng đầu trong hàng chục năm tới do sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông John Hess, Giám đốc điều hành công ty dầu Hess Corporation của Mỹ, cho rằng nhận thức lớn nhất rút ra từ hội nghị lần này là thế giới vẫn cần dầu và khí đốt trong hàng chục năm nữa.

Ông nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn nhiều tiền hơn và cần nhiều công nghệ mới.

Ông Hess cho biết thế giới cần phải đầu tư 4.000 tỷ USD mỗi năm cho năng lượng sạch. Nhưng theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn cầu được dự đoán mới chỉ tăng lên mức 1.700 tỷ USD trong năm 2023.

[Khai mạc Diễn đàn Dầu khí Phương Đông Quốc tế lần thứ 7]

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais dự đoán đến năm 2045, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày, do quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh chóng trong vài năm tới.

Vì thế, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ ExxonMobil dự đoán dầu sẽ vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất trong ít nhất là 10 năm nữa, khi nó đóng vai trò quan trọng trong vận tải thương mại và ngành hóa chất.

Trong đó, châu Á sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dầu và khí đốt, khi đà tăng trưởng nhu cầu dầu của khu vực này được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ và châu Âu trong năm nay.

Phó Chủ tịch của công ty dịch vụ tài chính S&P Global Dan Yergin cho biết chỉ riêng dân số của khu vực Đông Nam Á đã cao gấp rưỡi dân số của Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Pháp TotalEnergies cho biết Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm ngoái.

Theo IEA, Ấn Độ được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng lớn nhất thế giới trong nhu cầu năng lượng. Nhu cầu của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng hơn 3% khi nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục