Trong một bước đi phản ánh chiều hướng tiếp tục rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh, ngày 18/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt chúc mừng ông Benjamin Netanyahu tái cử chức Thủ tướng Israel, mặt khác cảnh báo nhà lãnh đạo này về những quan điểm trong quan hệ với Palestine.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết chính quyền của Tổng thống Obama chúc mừng thắng lợi thuyết phục mà đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành được trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel ngày 17/3 vừa qua.
Ông Earnest cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện chúc mừng ông Netanyahu và Tổng thống Barack Obama "sẽ gửi điện chúc mừng trong vài ngày tới."
Người phát ngôn Nhà Trắng dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry khẳng định sự hợp tác an ninh chưa từng có giữa Mỹ và Israel, bao gồm cả mối quan hệ quân sự và tình báo bền chặt, sẽ vẫn được duy trì. Tuy nhiên, ông Earnest lưu ý chính quyền Tổng thống Obama sẽ đánh giá lại cách tiếp cận với tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi Thủ tướng Netanyahu, trong chiến dịch vận động tranh cử, tuyên bố nếu tái cử, ông sẽ từ bỏ cam kết thương lượng cho một nhà nước Palestine độc lập.
Người phát ngôn Nhà Trắng đồng thời tái khẳng định cam kết của chính quyền Obama với giải pháp hai nhà nước, cho rằng việc thành lập một nhà nước Palestine sống hòa bình và an ninh bên cạnh Israel là cách tốt nhất để tháo gỡ tình hình căng thẳng trong khu vực.
Chung quan điểm với Chính phủ Mỹ, Liên hợp quốc cùng ngày cũng hối thúc Chính quyền Israel cần tiếp tục duy trì tiến trình hòa đàm Trung Đông sau khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố "sẽ không có nhà nước Palestine" nếu ông được bầu lại làm thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq nhấn mạnh Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon luôn tin tưởng tiến trình hòa đàm Israel-Palestine là biện pháp "tốt nhất và duy nhất" đối với Tel Avip để có thể duy trì một quốc gia dân chủ.
Theo ông Haq, Chính phủ mới của Israel, một khi được thành lập, cần có trách nhiệm tạo điều kiện cho việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình cuối cùng với Palestine, theo đó chấm dứt việc xây dựng các khu định cư cũng như công nhận một nhà nước Palestine độc lập.
Quan hệ Mỹ-Israel bùng nổ căng thẳng với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu cáo buộc chính quyền Obama sai lầm khi theo đuổi một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng thống Obama ngày 3/3 đã phản bác phát biểu của ông Netanyahu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ hối thúc các nhà lập pháp Mỹ có hành động nhằm ngăn cản thỏa thuận hạt nhân mà Washington đang nỗ lực đàm phán với Tehran.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/3 đã ra tuyên bố khẳng định việc Thủ tướng Netanyahu tái đắc cử sẽ không cản trở những nỗ lực và sự quyết tâm của Washington trong việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Trong thông báo, người phát ngôn Bộ trên - bà Jen Psaki - đánh giá các cuộc đàm phán song phương giữa Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đang diễn ra tại Laussane (Thụy sỹ) là "khó khăn nhưng mang tính xây dựng."
Quan chức này đồng thời tái khẳng định Washington luôn nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tiến tới đạt được một thỏa thuận khung giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran trước thời hạn chót ngày 31/3./.