Dấu hiệu đi lùi của doanh nghiệp phân bón sau một năm “thăng hoa”

Doanh nghiệp phân bón đang phải đối diện với khó khăn rất lớn là nhu cầu urê có thể suy yếu trong năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Báo cáo kinh doanh quý 4 năm 2022 của các doanh nghiệp phân bón cho thấy nhiều số liệu đi lùi, dù tính chung cả năm vẫn có những doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao kỷ lục nhờ vào kết quả của 3 quý trước.

Kết quả kinh doanh "ăn nên làm ra"

Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC - mã chứng khoán DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2022.

Quý này doanh thu thuần của công ty đạt 4.458 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Do giá vốn tăng cao, lãi gộp đạt 1.276 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.004 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp, tăng mạnh 61% so với năm 2021, đạt 15.924 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 4.281 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần năm 2021. Đặc biệt, con số này còn lớn hơn tổng lợi nhuận của cả 5 năm liền kề trước đó.

Tổng Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã chứng khoán: DPM), một doanh nghiệp đầu ngành phân bón khác cũng đã công bố Báo cáo tài chính quý 4 năm 2022 và lũy kế cả năm 2022.

Theo báo cáo, riêng quý 4 năm 2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lãi gộp đạt 1.639 tỷ đồng, giảm 31% so với quý 4 năm 2021.

Trong kỳ, doanh nghiệp có doanh thu tài chính đạt 157 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính không biến động.

Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp lãi sau thuế 1.140 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 1.147 tỷ đồng.

Dù giảm mạnh trong quý 4 năm 2022, nhưng Đạm Phú Mỹ vẫn báo lãi ròng 5.586 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 45% so với năm 2021. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 18.627 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Đây đều là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này.

Hai doanh nghiệp “tên tuổi” khác trong nhóm là Phân bón Bình Điền (mã BFC) và Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) chung tình trạng báo lãi vượt kế hoạch song lại suy giảm lợi nhuận về các quý cuối năm.

[Thị trường phân bón trong nước năm 2023: Những tác động đa chiều]

Phân bón Bình Điền chứng kiến lợi nhuận sau thuế trong quý 4 giảm tới gần 80% so với cùng kỳ xuống 22,7 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp thu hẹp, cũng như chi tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Việc lợi nhuận đi lùi trong hai quý cuối năm đã kéo lợi nhuận sau thuế cả năm của BFC giảm 37% so với cùng kỳ xuống 187 tỷ đồng, dù doanh thu vẫn tăng gần 11%, đạt 8.579 tỷ đồng.

Tuy vậy, công ty vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch 6.428 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đã bước qua đỉnh lợi nhuận?

Bắt đầu từ quý 4 năm 2022, những khó khăn của doanh nghiệp phân bón phải đối diện khiến lợi nhuận giảm rất mạnh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trong báo cáo mới đây, SSI Research nhận định giá urê có thể tiếp tục giảm trong năm 2023 do xuất khẩu từ Trung Quốc và Nga sẽ phục hồi. Ngoài ra, chi phí đầu vào urê (than và khí tự nhiên) có thể giảm.

Bên cạnh đó, SSI nhận định nhu cầu urê có thể suy yếu do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp.

Theo SSI Research, quý 4 thường được coi là mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá urê không tăng trong quý 4 năm 2022. Điều này phản ánh nhu cầu đang suy yếu và nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023.

SSI Research cho rằng lợi nhuận của các nhà sản xuất urê sẽ giảm đáng kể nhất trong quý 1 năm 2023. Trước đó, trong tháng 1/2022, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã chốt được đơn hàng với mức giá cao, 900 USD/tấn (giá hiện tại là 480 USD/tấn). Trong tháng 3/2022, giá ure cũng đạt mức đỉnh do những ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.

Sang năm 2023, giá urê được dự báo ở quanh mức 400-500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, đã có những dấu hiệu cho thấy Nga hoặc Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp nhằm hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón, khiến nguồn cùng dồi dào hơn, do đó sẽ khiến giá phân bón hạ xuống.

Với những thông số này, SSI cho rằng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ giảm nhiều nhất trong quý 1 năm 2023.

Công ty này ước tính lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ giảm lần lượt là 39% và 41% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Lường trước được những khó khăn đó, các doanh nghiệp phân bón tỏ ra khá dè dặt khi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho năm tới.

Trong kế hoạch 2023, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng vẫn là rất cao so với những năm trước, nhưng đã giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế so với năm 2022.

Năm 2023, Phân bón Bình Điền cũng đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với doanh thu 7.476,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,9% và 6,4% so với thực hiện trong năm trước.

Riêng trong quý 1 năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.354,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 20,4 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận quý 1 năm 2023 của doanh nghiệp sẽ giảm 80,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Giới phân tích nhận định những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp phân bón thậm chí có thể trở nên trầm trọng hơn, do đó, 2023 được cho là năm khó khăn với doanh nghiệp kinh donah trong lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục