Dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tập trung vào vấn đề an ninh ở châu Phi

Dựa vào các điểm đến trong chuyến công du của ông Tillerson, các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tập trung vào các vấn đề an ninh tại châu Phi.
Dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tập trung vào vấn đề an ninh ở châu Phi ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội kiến với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến công du châu Phi, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã hội kiến với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat và thảo luận các vấn đề an ninh và chống khủng bố, thương mại và phát triển, tham nhũng và xung đột. Cuộc gặp kéo dài 1 giờ tại trụ sở của AU ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là có những phát biểu mang tính miệt thị các nước châu Phi hồi tháng Một vừa qua, khiến ông Trump đã tự tay viết một bức thư tái khẳng định cam kết với châu lục này.

Về phần mình, Chủ tịch AU Mahamat cho biết đã nhận thư riêng của ông Trump và chia sẻ với các lãnh đạo khác của châu Phi, đồng thời khẳng định châu Phi coi nhưng gì ông Trump nói là "một sự cố đã qua."

Tại cuộc gặp, 2 bên đã thảo luận việc Mỹ hỗ trợ các lực lượng chống khủng bố của châu Phi tại vùng Sahel và Somalia, nhưng không có cam kết cụ thể nào được đưa ra.

Chuyến công du của ông Tillerson tới 5 quốc gia châu Phi (trong đó còn có Djibouti, Kenya, Chad và Nigeria) đều là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.

Giới chuyên gia phân tích nhận định đây là "chuyến đi lắng nghe," và sẽ không có thỏa thuận hay sáng kiến nào được thông báo.

[Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo châu Phi cân nhắc vay tiền của Trung Quốc]

Dựa vào các điểm đến trong chuyến đi này, các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tập trung vào các vấn đề an ninh tại châu Phi.

Chad, Kenya và Nigeria đều đang phải đấu tranh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, với sự hỗ trợ của Mỹ, trong khi Djibouti là nơi Mỹ có căn cứ quân sự thường trực duy nhất tại châu Phi.

Chuyến đi của ông Tillerson cũng nhằm trấn an những lo ngại rằng châu Phi không nằm trong sự ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump khi chính sách Mỹ-châu Phi chưa được xác định rõ và nhiều vị trí đại sứ và trong Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa có chủ.

Trong khi ông Tillerson thăm châu Phi, dự thảo ngân sách 2019 đã được trình lên Quốc hội Mỹ, theo đó đề nghị cắt giảm 1/5 các chương trình y tế của Mỹ tại châu Phi và cắt giảm hơn 1/3 các chương trình ngoại giao cho châu lục này.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson cho biết chuyến công du của ông cho thấy tầm quan trọng của châu Phi đối với tương lai của nước Mỹ, cả về an ninh và kinh tế.

Giới phân tích cũng nhận định chuyến công du của ông Tillerson nhằm tăng cường liên minh an ninh với châu Phi trong bối cảnh lục địa này ngày càng chuyển sang tìm kiếm viện trợ và giao thương với Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Addis Ababa, ông Tillerson khẳng định Mỹ "hoàn toàn không tìm cách" ngăn cản tiền đầu tư của Trung Quốc và châu Phi. Ông nhấn mạnh "quan trọng là các nước châu Phi cần phải cân nhắc kỹ các điều khoản của những thỏa thuận và không để mất chủ quyền của mình."

Chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ gối lên chuyến thăm châu lục này của người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Phát biểu tại Zimbabwe, ông Lavrov cho biết Nga đã đề nghị gặp Ngoại trưởng Mỹ nhân dịp này, song chưa nhận được hồi đáp của phía Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục