Đấu giá trang trại bảo tồn tê giác lớn nhất thế giới thất bại

Dự án Tê giác Bạch kim là trang trại rộng 8.500 ha nằm ở tỉnh North West cách thành phố Johannesburg (tỉnh Gauteng) khoảng 155 km về phía Tây Nam.
Tê giác tại khu bảo tồn tê giác. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, số phận của 2.000 con tê giác trắng tại một trang trại ở Nam Phi - chiếm khoảng 8% quần thể tê giác trên thế giới - đang bị treo lơ lửng sau khi một cuộc đấu giá cả trang trại không thu hút được bất kỳ nhà đầu tư nào trả giá.

Các cuộc đàm phán giữa Dự án Tê giác Bạch kim (PRP), trang trại bảo tồn và nhân giống loài tê giác trắng tư nhân lớn nhất thế giới và các bên quan tâm đến việc cung cấp chỗ ở cho số tê giác tương đương với 1/8 quần thể tê giác trắng trên thế giới, sẽ được tổ chức vào ngày 5/5 tới đây khi dự án chính thức kết thúc hoạt động kinh doanh.

Dự án Tê giác Bạch kim là trang trại rộng 8.500 ha nằm ở tỉnh North West cách thành phố Johannesburg (tỉnh Gauteng) khoảng 155 km về phía Tây Nam. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2009.

Triệu phú và người sáng lập dự án John Hume đã bắt đầu sáng kiến nhân giống cách đây gần 30 năm chỉ với 200 con, một kỳ tích được nhiều nhà khoa học mô tả là một câu chuyện thành công về bảo tồn.

Sau một thời gian bảo tồn và nhân giống loài tê giác, ông Hume buộc phải đưa trang trại lên sàn đấu giá khi đã cạn tiền để tiếp tục dự án.

[Trang trại bảo tồn tê giác lớn nhất thế giới sắp được bán đấu giá]

Phiên đấu giá trực tuyến bắt đầu vào ngày 26/4 và kết thúc vào ngày 1/5 vừa qua mà không thu hút được nhà đầu tư quan tâm.

Trước đó, ông Hume đã hy vọng một "tỷ phú" sẽ đấu giá thành công và tiếp tục dự án. Ông cho biết nếu cuộc đấu giá thất bại, dự án sẽ bị hủy bỏ, trang trại sẽ phải đóng cửa hoặc giải tán, số tê giác, đất đai, máy móc, thiết bị sẽ bị bán từng phần.

Sau khi phiên đấu giá thất bại, tuyên bố của dự án cho biết: “Chúng tôi hiện đã bước vào giai đoạn xem xét tất cả các ý định, đề nghị và ông John Hume sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cá nhân với các bên này.”

Các vụ giết hại tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi đã lên đến đỉnh điểm với hơn 1.200 con vào năm 2014 và hạn hán vào năm sau đó đã làm giảm số lượng tê giác trong Công viên Quốc gia Kruger, nơi phần lớn tê giác của đất nước sinh sống.

Báo cáo thường niên năm 2020 của các Công viên Quốc gia Nam Phi, trong đó công bố kết quả điều tra dân số, cho thấy công viên chỉ có 3.549 con tê giác trắng.

Những con vật tại trang trại của Dự án Tê giác Bạch Kim là tê giác trắng phương Nam, một trong hai phân loài. Tê giác trắng phương Bắc hầu như đã tuyệt chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục