Đấu giá thành công 2 mỏ quặng chì-kẽm tại tỉnh Tuyên Quang

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giá chia sẻ mục tiêu của phiên đấu giá là thu về giá trị cao nhất cho Nhà nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Sáng 13/1, tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) tổ chức 2 phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản quặng chì-kẽm khu vực Sơn Đô, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn và khu vực Lũng Mơ-Đồng Chang, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, cùng thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Giá khởi điểm được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ 2% giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác. Đây là khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản.

Tại phiên đầu tiên, khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá là quặng chì-kẽm khu vực Sơn Đô với tổng tài nguyên khoảng 26.418 tấn.

Đã có 4 đơn vị tham gia phiên đấu giá gồm: Công ty cổ phần Lâm sản khoáng sản Tuyên Quang; Công ty cổ phần Lương Gia; Công ty cổ phần Vina Sunny; Công ty đầu tư khoáng sản Yên Sơn.

Kết thúc phiên đấu, Công ty cổ phần Lương Gia trúng thầu quyền khai thác quặng chì-kẽm khu vực Sơn Đô với mức giá hợp lệ R bằng 4,4, tăng gấp 2,2 lần so với giá khởi điểm, đem lại giá trị thặng dư cho tài sản của nhà nước.

Phiên đấu giá thứ 2 về quyền khai thác khoáng sản quặng chì-kẽm khu vực Lũng Mơ-Đồng Chang có sự tham gia của 2 đơn vị đã tham dự phiên đấu đợt 1 là: Công ty cổ phần Lâm sản khoáng sản Tuyên Quang và Công ty đầu tư khoáng sản Yên Sơn; tổng tài nguyên khoảng 80.333 tấn.

Đơn vị trúng thầu phiên đấu giá thứ 2 là Công ty đầu tư khoáng sản Yên Sơn với mức giá hợp lệ trúng thầu là 2,4, tăng 0,4 so với bước giá khởi điểm 2%.

[Gần 10 năm triển khai Luật Khoáng sản: Tài nguyên vẫn bị ''chảy máu'']

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giá chia sẻ mục tiêu của phiên đấu giá là thu về giá trị cao nhất cho Nhà nước.

Công việc chuẩn bị cho mỗi cuộc đấu giá rất công phu, ngay từ khâu giám sát, rà soát để đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch; đủ điều kiện và có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan nhằm minh bạch, hiệu quả, đúng quy định. Các phiên đấu giá tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đấu giá.

Trong năm 2019, có 33/63 tỉnh, thành phố đã gửi 252 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phê duyệt là hơn 309,8 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách (đến 24/12/2019) là 4.780 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục