Lại chuyện quyền tác giả!

Đau đầu bảo vệ quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu

Những máy photocopy là công cụ vi phạm quyền sao chép khắp mọi nơi, các máy tính nối mạng cũng đang vi phạm ở mọi chỗ, quản làm sao?
Việc thực thi bảo vệ quyền tác giả  (trong lĩnh vực quyền sao chép) ở Việt Nam đang ngày càng trở nên bức thiết. Có những quyền cứ ngỡ đương nhiên được thừa nhận thì ở ta còn phải tuyên truyền, phổ biến cả về quyền cho tác giả. Đó là chưa kể hàng loạt vi phạm ngang nhiên mà tác giả cũng không nghĩ sẽ đi đòi quyền của mình.

Trước vấn đề đang nổi cộm này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cùng bà Đoàn Thị Lam Luyến-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội tác giả phi hư cấu Việt Nam về thực thi pháp luật quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu ở nước ta.

- Thưa bà, có lẽ nhiều người còn chưa rõ về quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu và tác phẩm phi hư cấu bao gồm những tác phẩm nào, mong bà giải đáp ngắn gọn?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Tác phẩm phi hư cấu là một phương thức sáng tạo của con người, phản ánh hiện thực bằng các sự kiện, vấn đề có thật, không dựa trên trí tưởng tượng, hư cấu (tự truyện, tiểu sử, nhật ký, thư từ, từ điển, sách giáo khoa, các công trình khoa học...). Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và được sửa đổi bổ sung năm 2009, tác phảm phi hư cấu là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

- Vậy quyền của một tác giả được xác định thế nào, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Đó là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền: Làm tác phẩm phái sinh; sao chép tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Và khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền đó thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả (điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ)

- Vậy thì xem ra việc vi phạm ở ta đang rất tràn lan, và có lẽ vẫn có những trường hợp vi phạm nhưng lại được xem xét "linh hoạt" chăng, thưa bà?


Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Không phải là linh hoạt mà có những quy định cụ thể. Để hài hòa lợi ích của tác giả với lợi ích của công chúng, đảm bảo khuyến khích sự sáng tạo cũng như tạo điều kiện tiếp cận những giá trị nghệ thuật, khoa học, góp phần phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về những trường hợp ngoại lệ và giới hạn quyền tác giả tác phẩm phi hư cấu.

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân. Ví dụ thầy cô giáo sử dụng những bài viết, bài nghiên cứu để soạn giáo án và để dạy học.

Cụ thể như các giáo viên có thể trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình. Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu.

Ngoài ra, còn có việc được phép khác như sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Đặc biệt chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

- Được biết, cũng theo luật còn có các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Xin bà nói rõ về các trường hợp này?

Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Đó là tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định như đã nêu trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Ngoài ra việc không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao còn áp dụng với nhiều loại hình tác phẩm khác, việc sử dụng thường mang tính chất giải trí nhưng việc sử dụng tác phẩm phi hư cấu thường vì mục đích học tập, giảng dạy, nghiên cứu, công tác thư viện.

Xin lưu rằng nếu quá trình sử dụng này tạo ra một số lượng lớn các bản sao thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới quá trình khai thác bình thường tác phẩm. Ngay cả việc tạo ra một số lượng khá lớn bản sao để sử dụng trong các công việc chuyên môn thì nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

- Trước thềm Hội thảo bàn về Thực trạng và giải pháp của "Quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu," bà có thể nhận định nhanh về thực trạng khiến các nhà nghiên cứu giải pháp đang đau đầu?


Bà Đoàn Thị Lam Luyến: Dù chưa có một thống kê chính thức nào, nhưng có thể thấy, quyền độc quyền của tác giả tác phẩm phi hư cấu bị xâm phạm nhiều nhất có lẽ là quyền sao chép.

Thật vậy, các loại máy sao chép càng trở nên tinh vi, chúng tạo ra chất lượng tốt hơn, với tốc độ nhanh hơn và giá thành ngày càng rẻ hơn. Tác phẩm, thông qua nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, đến tay người dùng một cách rất dễ dàng.

Đó là các cửa hàng photocopy, theo yêu cầu của khách hàng, tạo ra hàng loạt các bản sao xuất bản phẩm, dùng cho cả một lớp học, một công ty, hay thậm chí cho các cửa hàng để bán lại các bản sao đó. Một doanh nghiệp tổ chức đợt tập huấn và photo hàng loạt các bài viết nghiên cứu trong các tạp chí khoa học, kinh tế để nhân viên sử dụng.

Tất cả những hoạt động này diễn ra hàng ngày hàng giờ, và được thực hiện một cách dễ dàng, với chi phí thấp (trả tiền cho cửa hàng photo hoặc tự photo bằng máy của tổ chức đó).

- Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục