Dấu ấn TTXVN tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần IX

Tại Lễ trao Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX-năm 2022, Ban tổ chức đã trao 8 Giải Nhất, 22 Giải Nhì, 30 Giải Ba và 50 Giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả đạt Giải Nhất. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tối 12/10, Lễ trao Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX-năm 2022 đã diễn ra long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản cùng các tác giả đoạt giải.

Bắc nhịp cầu nối thế giới gần hơn với Việt Nam

Qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX đã quyết định trao giải cho 110 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc gồm: 8 giải Nhất, 22 giải Nhì, 30 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển ấn tượng. Thông tin ngày càng nhanh chóng, toàn diện, có bản sắc, là cầu nối để cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các quốc gia và nhân dân thế giới chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc và những thành tựu phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ở chiều ngược lại, thông tin đối ngoại đã là cầu nối chuyển tải các vấn đề quốc tế đến các tầng lớp nhân dân, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên; kết nối Việt Nam với quốc tế đồng thời góp phần huy động nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tổ chức phát động.

Điều này được thể hiện qua hơn 1.400 tác phẩm, sản phẩm thông tin đối ngoại có nội dung đặc sắc, giàu tính đổi mới sáng tạo của mùa giải năm nay.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá các tác phẩm được vinh danh thực sự là những tác phẩm nổi bật, mang tính lan tỏa cao, là sản phẩm đầy tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm đối với đất nước Việt Nam của tất cả các tác giả trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham dự lễ trao giải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ cũng có 4 đề nghị đối với các cơ quan liên quan, các “chiến sỹ” trên “mặt trận” thông tin đối ngoại.

Một là nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc về con người Việt Nam anh hùng, thủy chung, thân thiện, nghĩa tình và yêu chuộng hòa bình.

Ba là không ngừng đổi mới sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức thuyết phục của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại.

Bốn là tăng cường đầu tư cho công tác thông tin đối ngoại, quan tâm, đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại, phù hợp với điều kiện của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các lực lượng huy động được sức mạnh của người dân, nhất là các bạn trẻ, để mỗi một người dân là một Đại sứ trong công tác thông tin đối ngoại, mỗi một người bạn trên khắp năm châu trở thành một nhịp cầu gắn kết chặt chẽ thế giới với Việt Nam.

Số tác phẩm dự thi lớn nhất từ trước đến nay

Trải qua 8 mùa giải, Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng chuyên môn đồng thời mở ra không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại trong nước và ngoài nước. Năm nay, Thông tấn xã Việt Nam là Cơ quan Thường trực Giải.

Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng, Ban Tổ chức đã nhận được 1.456 tác phẩm, sản phẩm dự thi, tăng 30% so với kỳ trước và có số lượng tác phẩm, sản phẩm dự thi lớn nhất từ trước đến nay.

Số lượng tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu ở các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại (tăng 500%); báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài (tăng 28%); truyền hình (tăng 46%); ảnh (tăng 96%); video clip (tăng 46%). Điều đó cho thấy sức hút ngày càng lớn của Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại.

Nhà báo Đoàn Thị Tuyết Nhung nhận định các tác phẩm, sản phẩm tham dự Giải thưởng năm nay đã bám sát dòng chảy thời sự để phản ánh đa dạng và sinh động, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các tác phẩm, sản phẩm tập trung thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quyền con người; vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về các vấn đề dân chủ, nhân quyền...

Nhà báo Đoàn Thị Tuyết Nhung nhận xét mặt bằng chất lượng các tác phẩm, sản phẩm tham dự Giải thưởng năm nay nhìn chung cao hơn so với năm trước. Chủ đề đa dạng, phong phú; cách thể hiện có nhiều sự đổi mới, hấp dẫn hơn. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, hồ sơ dự thi nghiêm túc, chỉn chu. Nhiều tác phẩm cùng khai thác một chủ đề nhưng được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau, cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo của các tác giả để mang đến những dấu ấn, nét đặc sắc riêng trong tác phẩm của mình. Một số chủ đề truyền thống được đặt dưới góc nhìn mới, chắt lọc được các chi tiết mang tính phát hiện.

[Giải thưởng thông tin đối ngoại: Nhân lên khát vọng và tự hào Việt Nam]

Các tác phẩm, sản phẩm của người nước ngoài chủ yếu tập trung phân tích chính sách ngoại giao của Việt Nam; vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tình hình phát triển kinh tế-xã hội; hoạt động giao lưu nhân dân…, thể hiện sự hiểu biết, tình cảm sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.

Vinh danh 19 giải thưởng của Thông tấn xã Việt Nam

Là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam hiện có 15 đơn vị làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại cùng đội ngũ phóng viên tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước. Ngoài việc tích cực tham gia Giải thưởng, các đơn vị cũng đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá Giải thưởng đến nhiều đối tượng ở trong và ngoài nước bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình, trên nhiều nền tảng khác nhau, góp phần lan tỏa sức hút của Giải thưởng.

Năm nay, Thông tấn xã Việt Nam giành 19 giải thưởng bao gồm 4 Giải Nhất, 5 Giải Nhì, 4 Giải Ba, 6 Giải Khuyến khích.

Thay mặt nhóm tác giả Báo Le Courrier du Vietnam nhận Giải Nhất cho tác phẩm “Hiệp định Paris 1973: Bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh,” nhà báo Nguyễn Thanh Nga bày tỏ sự xúc động và tự hào.

Le Courrier du Vietnam là tờ báo đối ngoại bằng tiếng Pháp duy nhất tại Việt Nam. Do đó, Ban lãnh đạo báo đã xác định tầm quan trọng của tuyến thông tin kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023), chỉ đạo phóng viên cần theo sát và phản ánh kịp thời để độc giả quốc tế hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris, góp phần lan tỏa sức mạnh và uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam ra nước ngoài.

Nhà báo Nguyễn Thanh Nga cho hay nhóm phóng viên đã dành nhiều thời gian tìm kiếm các thông tin về những người trong cuộc và các câu chuyện lịch sử. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam năm xưa, những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình hay những người Việt tại Pháp đa phần đều đã qua đời hoặc già yếu.

Không nản chí, họ đã đi tìm những lát cắt mới, góc nhìn mới và thực hiện chùm bài dưới góc nhìn đa chiều của cả người trong cuộc, các chuyên gia nước ngoài và những người con của các nhân chứng lịch sử năm xưa.

“Chúng tôi chú trọng những nhân vật có sự nghiên cứu và hiểu biết sâu về Việt Nam, chuẩn bị nội dung các câu hỏi mang tính gợi mở để họ chia sẻ quan điểm, góc nhìn đa dạng. Bên cạnh đó, loạt bài cũng đưa ra nhiều dẫn chứng rất thuyết phục và tư liệu còn ít người biết đến, chọn lọc từ nguồn tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước,” nhà báo Thanh Nga chia sẻ.

Một tờ báo tiếng nước ngoài khác của Thông tấn xã Việt Nam cũng đạt thành tích cao tại Giải thưởng năm nay.

Báo Việt Nam News giành Giải Nhì cho tác phẩm “Kỷ niệm 50 năm ngoại giao Việt Nam và các nước” (tiếng Anh) của nhóm tác giả Nguyễn Lê Hương, Trần Thị Thu Vân, Đinh Vũ Nhật Hồng, Cao Ly Ly, Ollie Arci.

Theo nhà báo Nguyễn Lê Hương, Báo Việt Nam News, 2023 là một năm đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng khi Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều các đối tác quan trọng. Để góp phần truyền thông tới bạn đọc về mỗi quan hệ tốt đẹp và nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và một số đối tác quan trọng, báo Việt Nam News đã thực hiện các bài phỏng vấn độc quyền với Đại sứ Nhật Bản, Australia và Áo tại Hà Nội, là đại diện cho các vùng chính trị đa dạng (châu Á, châu Đại Dương và châu Âu).

Nhà báo Nguyễn Lê Hương (áo vàng) nhận Giải Nhì. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trong quá trình triển khai chùm bài, nhóm phóng viên đã chủ động nghiên cứu về quan hệ song phương của Việt Nam với từng nước để các câu hỏi có thể khai thác được tối đa những thông tin về các điểm nổi trội trong quan hệ hợp tác cũng như gợi mở ra những vấn đề về phát triển hợp tác tiềm năng trong tương lai.

Khi liên lạc với các Đại sứ quán, nhóm phóng viên cũng đã lên kế hoạch ghi hình để sản xuất các video kèm theo nhằm làm phong phú thêm hình thức truyền tải thông tin cho tác phẩm. Nội dung các bài phỏng vấn có nhiều giá trị thông tin về mặt quảng bá hình ảnh Việt Nam.

“Ngoài việc phản ánh lại những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì, phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương trên mọi mặt, các vị Đại sứ cũng thể hiện sự tin tưởng với việc Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế. Những nỗ lực được thừa nhận bởi các nhân vật có tiếng nói trong ngành ngoại giao là rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế,” nhà báo Lê Hương chia sẻ./.

Các tác phẩm của Thông tấn xã Việt Nam đoạt giải:

Giải Nhất

Tác phẩm “Làm chủ ‘sức mạnh mềm nhân quyền’: Việt Nam tự tin tiến vào ‘sân chơi lớn’!” của tác giả Võ Mạnh Hùng và nhóm phóng viên - Báo Điện tử VietnamPlus.

Tác phẩm “Hiệp định Paris 1973: Bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” (tiếng Pháp) của nhóm tác giả Lương Thị Hoàng Giang, Nguyễn Thanh Nga, Cao Thị Hoàng Hoa - Báo Le Courrier du Vietnam.

Tác phẩm “Ngoại giao cây tre đồng hành cùng dân tộc vượt qua thử thách” (tiếng Anh) của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà, Phan Hồng Nhung - Ban Biên tập Tin Đối ngoại.

Tác phẩm “Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của tác giả Lê Trí Dũng - Ban Biên tập Ảnh.

Giải Nhì

Tác phẩm “Sứ mệnh trái tim” của nhóm tác giả Dương Thị Thanh Hoa, Bạch Hải Linh, Nguyễn Trường Duy, Nguyễn Thị Ngọc Hà - Ban Biên tập Tin Thế giới và Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Italy.

Tác phẩm “Kỷ niệm 50 năm ngoại giao Việt Nam và các nước” (tiếng Anh) của nhóm tác giả Nguyễn Lê Hương, Trần Thị Thu Vân, Đinh Vũ Nhật Hồng, Cao Ly Ly, Ollie Arci - Báo Việt Nam News.

Tác phẩm “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dạo bộ bên Hồ Hoàn Kiếm” của tác giả Hoàng Thống Nhất - Ban Biên tập Ảnh.

Sách “Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình” (1973 Paris peace accords - A turning point towards peace) (song ngữ Việt-Anh) của Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Ngoại giao, đơn vị xuất bản: Nhà xuất bản Thông tấn.

Video “Những câu chuyện sử Việt qua các ‘báu vật quốc gia’ của Hoàng thành Thăng Long (tiếng Việt) của nhóm tác giả Trần Ngọc Long, Nguyễn Thu Hằng, Bùi Ngọc Trà, Nguyễn Hà Chi, Trần Thị Hồng Hạnh, Phạm Thúy Hà, Lê Hải Anh, Đoàn Minh Anh - Báo Điện tử VietnamPlus.

Giải Ba

Tác phẩm “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Giá trị lớn lao, sức sống bền vững” (tiếng Pháp) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Diệu Thúy, Vũ Thị Thanh Tuệ, Vũ Thị Thúy Hà, Vũ Thị Nhung - Báo Le Courrier du Vietnam.

Tác phẩm “Hiệp định Paris 1973: Khát vong hòa bình” (tiếng Tây Ban Nha) của nhóm tác giả Lý Hồng Hoa, Lưu Việt Hùng, Nguyễn Đoan Trang, Đinh Vân Oanh, Lê Thị Bảo Ngọc - Ban Biên tập Tin Đối ngoại.

Tác phẩm “Những huyết cầu Tổ quốc” của nhóm tác giả Ngô Thị Thu Lan, Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Văn Thành, Hà Văn Quỳnh, Đỗ Thị Luyến, Kiều Thị Thu Hương, Đặng Hoàng Anh - Trung tâm Truyền hình Thông tấn.

Sách “Biệt đội giữ bình yên ‘Đất lửa’” (Peace-keeping squad on the land of fire) (song ngữ Việt-Anh) của tác giả Nguyễn Á - Nhà xuất bản Thông tấn.

Giải Khuyến khích

Tác phẩm “Hà Nội – điểm đến ẩm thực và văn hóa” (tiếng Anh) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Tươi, Trần Hồng Hạnh, Trần Thị Vân, Nguyễn Thị Thảo, Kiều Thị Ngân Hà - Báo Ảnh Việt Nam.

Tác phẩm “Văn hóa Việt - nội lực phát triển du lịch” (tiếng Trung Quốc) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Kiều Hà Phương Thảo, Vũ Thị Dung, Nguyễn Thị Thảo, Kiều Thị Ngân Hà, Nguyễn Việt Cường - Báo Ảnh Việt Nam.

Tác phẩm “Đại đoàn kết toàn dân tộc vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ: Sự thật không thể phủ nhận” (tiếng Pháp) của tác giả Nguyễn Thanh Nga - Báo Le Courier du Vietnam.

Tác phẩm “Du lịch Việt Nam cất cánh sau đại dịch” (tiếng Tây Ban Nha) của nhóm tác giả Martha Sánchez, Hoàng Lê Thanh Huyền, Hoàng Phương Chi, Đinh Vân Oanh, Đặng Thu Trang - Ban Biên tập Tin Đối ngoại.

Tác phẩm “Thủ tướng Australia thưởng thức bánh mì và uống bia hơi Hà Nội” của tác giả Bùi Lâm Khánh - Ban Biên tập Ảnh.

Tác phẩm “Việt Nam tham gia cứu hộ sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ” của tác giả Nguyễn Trường Duy, Bạch Hải Linh - Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Rome.

Các tác phẩm giành Giải Nhất tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX

1. Báo in tiếng Việt: Chuyên đề “Bản sắc văn hóa ngoại giao Việt Nam” của nhóm tác giả: Vũ Khoan, Lại Nguyên Thắng, Phạm Văn Tuấn, Tống Thị Hải Lý, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà. Đơn vị: Báo Quân đội Nhân dân.

2. Báo điện tử tiếng Việt: Làm chủ "sức mạnh mềm nhân quyền": Việt Nam tự tin tiến vào "sân chơi lớn" của nhóm tác giả: Võ Mạnh Hùng, Phạm Thanh Trà. Đơn vị: Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam.

3. Báo in tiếng nước ngoài: "Hiệp định Paris 1973: Bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh" (tiếng Pháp) của nhóm tác giả: Lương Thị Hoàng Giang, Nguyễn Thanh Nga, Cao Thị Hoàng Hoa. Đơn vị: Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam.

4. Báo điện tử tiếng nước ngoài: "Ngoại giao cây tre đồng hành cùng dân tộc vượt qua thử thách" (tiếng Anh) của nhóm tác giả: Trịnh Linh Hà, Phan Hồng Nhung. Đơn vị: Ban Biên tập tin Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam.

5. Phát thanh: "Tết Nguyên đán mang thông điệp đặc biệt về giá trị văn hóa Việt Nam" (tiếng Anh) của nhóm tác giả: Thu Hoa, Hồng Vân, Ánh Huyền, Ngọc Anh, Nhật Quỳnh, Phương Khanh. Đơn vị: Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam.

6. Truyền hình: Gala “Tiếng Việt ơi” của nhóm tác giả: Trần Thị Thu Hà, Vương Ngọc Bích, Lưu Hoài An, Nguyễn Minh Hiếu, Phan Đình Việt Anh, Phạm Trung Thành, Cao Quang Toàn, Nguyễn Tiến Vũ, Phạm Tuấn Anh, Chu Văn Chỉnh, Nguyễn Văn Việt, Chu Mạnh Thắng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Khổng Minh Diệu, Lê Đăng Dũng, Nguyễn Hoàng Hiền. Đơn vị: Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam.

7. Ảnh: "Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" của tác giả: Lê Trí Dũng. Đơn vị: Ban biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam.

8. Sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Chương trình “Đêm thiêng liêng - Lửa Thanh xuân” và trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng-Trân trọng giá tri ̣hòa bình" của nhóm tác giả: Nguyễn Thi ̣Bích Thủy, Đào Thi ̣Huệ, Nguyễn Thi ̣Sâm, Lã Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Vân Anh, Chu Hà Linh, Lại Thi ̣Minh Thu. Đơn vị: Ban Quản lý Di tich Nhà tù Hỏa Lò.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục