Dấu ấn sâu đậm về Fidel Castro - "người bạn lớn" của nhân dân Việt Nam

Lãnh tụ Fidel Castro đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam về sự nhân văn, tình thương yêu con người vô hạn và những hành động giúp đỡ chí tình, chí nghĩa.
Dấu ấn sâu đậm về Fidel Castro - "người bạn lớn" của nhân dân Việt Nam ảnh 1Chủ tịch Fidel Castro thăm Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)

Trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, lãnh tụ Fidel Castro không chỉ tạo nguồn động viên và cổ vũ to lớn, để quân và dân ta tiến lên đánh địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam về sự nhân văn, tình thương yêu con người vô hạn và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa cùng những gợi mở trong công cuộc xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.

Lòng nhân hậu của lãnh tụ Fidel Castro

Một trong những câu chuyện được nhiều thế hệ người dân Quảng Trị nhớ nhất, cảm phục nhất về lãnh tụ Fidel Castro là sự nhân văn, lòng nhân hậu và yêu thương con người vô hạn.

Đó là khi đoàn xe đưa lãnh tụ Fidel Castro từ Vĩnh Linh vào Đông Hà, đến cầu Hiền Lương nghe tiếng bom bi nổ, khiến một nữ dân công bị thương, ngay lập tức, lãnh tụ Fidel Castro cho dừng xe lại, xuống thăm hỏi và yêu cầu đưa chị dân công bị thương đi cấp cứu, lấy lại sự sống cho người này.

Nữ dân công trong câu chuyện trên là bà Nguyễn Thị Hương, năm nay 61 tuổi, ở phường 1, thành phố Đông Hà. Trong nhà bà Hương có lập hai bàn thờ, để thờ người sinh ra mình và thờ người trả lại sự sống cho mình, đó là lãnh tụ Fidel Castro.

Càng gần đến dịp Kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, bà Nguyễn Thị Hương lại càng bận rộn vì tiếp nhiều đoàn khách; trong đó phần nhiều là nhà báo và những đoàn khách đến từ nước Cuba anh em.

Khi đoàn đại biểu Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba đến Quảng Trị tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Hương đã kể lại câu chuyện của mình cho thế hệ trẻ Cuba với sự tri ân.

Đó là vào chiều 15/9/1973, nữ dân công Nguyễn Thị Hương cùng nhiều dân công khác đang làm việc tại khu vực cầu Hiền Lương, thì xảy ra vụ nổ bom bi khiến nữ dân công bị thương nặng.

Vào thời điểm này, đoàn xe chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng và lãnh tụ Fidel Castro đi ngang qua. Ngay lập tức, lãnh tụ Fidel Castro cho dừng xe, xuống thăm hỏi và yêu cầu đội ngũ y, bác sỹ đi cùng đoàn, khẩn trương đưa nữ dân công Nguyễn Thị Hương bị thương ra điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Linh.

Lãnh tụ Fidel Castro còn đề nghị, nếu bệnh viện không có phương tiện cấp cứu, đưa nữ dân công Nguyễn Thị Hương ra Quảng Bình, rồi dùng máy bay chở về Hà Nội cấp cứu.

Khi Bệnh viện Vĩnh Linh hết máu dự trữ, để có máu truyền cấp cứu cho Nguyễn Thị Hương, lãnh tụ Fidel Castro đã điều động xe ra Quảng Bình mang máu về bệnh viện.

Giọng xúc động, bà Nguyễn Thị Hương nhớ lại, điều trị tại bệnh viện hơn một tháng thì sức khỏe bà dần bình phục. Sau đó bà tiếp tục nhận được quà của lãnh tụ Fidel Castro thông qua phái đoàn của Cuba sang thăm Việt Nam.

Món quà của lãnh tụ Fidel Castro gửi tặng gồm thuốc chữa bệnh, thuốc bổ và tấm danh thiếp của ông.

Bà Hương tâm sự, gia đình xem lãnh tụ Fidel Castro như người cha đã sinh ra mình lần thứ hai. Bà cũng luôn có tình cảm rất đặc biệt về đất nước và nhân dân Cuba. Tình cảm ấy bắt nguồn từ những người anh em Cuba kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân văn và giàu lòng thương người.

Theo Đại tá Trần Văn Thà, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Đặc khu Vĩnh Linh, câu chuyện về lãnh tụ Fidel Castro thăm hỏi và trực tiếp chỉ đạo cấp cứu cho nữ dân công Nguyễn Thị Hương đã thực sự lay động lòng người. Nhân dân ta cảm phục lãnh tụ Cuba ở ý chí kiên cường đấu tranh cho tự do, độc lập và cả lòng yêu thương con người vô hạn.

Dấu ấn sâu đậm về sự gợi mở và giúp đỡ chí tình

Để được nghe những kỷ niệm của những người đã được gặp lãnh tụ Fidel Castro và những bức ảnh, phim tư liệu về lãnh tụ Cuba thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, chúng tôi tìm đến những nơi mà “người bạn lớn” của nhân dân Việt Nam từng đặt chân đến 45 năm về trước.

45 năm đã trôi qua, dấu tích của chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị đang dần lùi xa, nhưng dấu ấn của lãnh tụ Fidel Castro vẫn còn hiện hữu sâu đậm trong lòng người dân nơi đây.

Khi đến thăm Cứ điểm 241 Tân Lâm, lãnh tụ Fidel Castro ca ngợi ý chí chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời gợi mở vấn đề xây dựng nhà cửa và nông trường để lấp đi sự hoang tàn do chiến tranh.

Trên Cứ điểm 241 Tân Lâm hôm nay đã xây dựng một tượng đài và dòng chữ khắc nghi chiến công của quân và ta: “Cứ điểm 241 Tân Lâm, là căn cứ hỏa lực mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ Đường 9 của địch nơi đây. Từ ngày 30/3/1972 đến 2/4/1972, trước sự tấn công vũ bão của E68 – E 38 – pháo binh, E 24 bộ binh – Sư đoàn 304, ta siết chặt vòng vây, buộc Trung đoàn 56 của địch phải đầu hàng và trở về với cách mạng.” 

Ngày nay, đường lên Cứ điểm 241 Tân Lâm đã được kiên cố hóa. Đứng tại đây, phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, rừng keo; thoai thoải về phía lưng đồi là những vườn hồ tiêu – đặc sản của vùng đất Quảng Trị.

Từ ngôi nhà đầu tiên được xây dựng bên dưới Cứ điểm 241 Tân Lâm ngay sau năm 1973, theo gợi mở của lãnh tụ Fidel Castro, hiện nay tại đây đã có những dãy nhà khang trang, kiên cố nối tiếp nhau.

Nơi này thực sự đã hồi sinh và trở thành mảnh đất trù phú. Vậy là những gợi mở, mong muốn của lãnh tụ Fidel Castro khi đến thăm Cứ điểm 241 Tân Lâm, 45 năm về trước, người dân Quảng Trị đã làm được.

Ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị kể lại câu chuyện xúc động, khi được gặp trực tiếp lãnh tụ Fidel Castro hồi năm 1995.

Đó là vào tháng 12/1995, lần thứ 2 lãnh tụ Fidel Castro sang thăm Việt Nam. Lần đó ông Tiến là một trong những lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị ra Hà Nội thăm lãnh tụ Fidel Castro và mang theo hai món quà gồm một bức ảnh chụp lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, món quà nữa là 2kg hạt tiêu.

Điều đặc biệt là hạt tiêu kính tặng lãnh tụ Fidel Castro được trồng trên chính Cứ điểm 241 Tân Lâm - nơi mà năm 1973 lãnh tụ Fidel Castro năm đã đến thăm, dự míttinh và diễn thuyết tại đây.

Ông Tiến chia sẻ: Món quà nhỏ nhưng mang hàm ý sâu sắc, vùng đất Quảng Trị đang hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh như mong muốn của lãnh tụ Fidel Castro.

Đón nhận món quà này, lãnh tụ Fidel Castro đã trầm ngâm trong sự xúc động, ông như sống lại hồi ức mà những năm trước, ông từng đặt chân đến vùng giải phóng Quảng Trị.

Tại Quảng Trị, ở những nơi lãnh tụ Fidel Castro đến thăm Quảng Trị năm 1973, ngày nay vẫn còn in đậm dấu ấn của ông. Đoạn đường mà lãnh tụ Cuba đi bộ từ cầu Đông Hà để thị sát lô cốt, vũ khí của địch và chứng kiến nỗ lực của quân và dân ta xây dựng lại quê hương từ đống đổ nát, nay là tuyến đường Trần Hưng Đạo, một trong những tuyến phố sầm uất nhất ở thành phố Đông Hà.

Một trong những địa điểm lãnh tụ Cuba đến thăm trên tuyến đường này hồi năm 1973, giờ đây được xây dựng công viên mang tên Fidel Castro.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba anh em đã hỗ trợ Việt Nam 5 công trình kinh tế, xã hội gồm Khách sạn Thắng Lợi, Bệnh viện Việt Nam-Cuba, đường Xuân Mai, trại bò Mộc Châu, trại gà Lương Mỹ.

Bên cạnh đó, Cuba còn tặng thiết bị và cử chuyên gia cầu đường xây dựng đường Hồ Chí Minh. Lòng nhân hậu, tình cảm và gần gũi cùng sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba đối với Việt Nam, một lần nữa khẳng định tinh thần: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”./.

Bài 3: Cùng vun đắp tình đoàn kết anh em thủy chung Việt Nam-Cuba

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục