Dấu ấn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia

Các tài liệu được giới thiệu tại triển lãm đã tái hiện những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Dấu ấn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia ảnh 1Du khách tham quan một số phiên bản tài liệu lưu trữ về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được giới thiệu tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sáng 20/9. (Ảnh: PV/Vietnm+)

Triển lãm trực tuyến “Lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu” đã chính thức được giới thiệu tới công chúng vào sáng nay (21/9) tại địa chỉ: www2.archives.gov.vn/vn_jp45.

Bức huyết thư và nhiều tài liệu quý

Cụ thể, triển lãm giới thiệu tới công chúng khoảng 50 hình ảnh, di sản tư liệu và tài liệu lưu trữ về mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản qua các giai đoạn lịch sử. Theo đó, bố cục triển lãm gồm bốn phần chính: “Thời kỳ sơ khai” (khoảng thế kỷ 8), “Sơ kỳ cận đại” (thế kỷ 16-19), “Thời kỳ cận đại và hiện đại” (đầu thế kỷ 20) và “Việt Nam-Nhật Bản: Đối tác cũ-Cơ hội mới.”

Một số tài liệu tiêu biểu có thể kể đến như mộc bản triều Nguyễn về việc thuyền buôn Nhật Bản vào buôn bán tại Gia Định và Biên Hòa, “Phan Bội Châu hiệu triệu Đông du” (bức huyết thư của Phan Bội Châu viết đầu thế kỷ 20 trong đó khơi gợi lịch sử hào hùng của dân tộc, giãi bày nỗi khổ nhục mất nước, kêu gọi thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học, mưu cầu sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi tay ngoại bang), tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa….

[Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất]

Những hình ảnh, tài liệu được giới thiệu tại triển lãm đều có phần thuyết minh cụ thể về niên đại, nguồn gốc, nội dung, địa chỉ lưu giữ…

Dấu ấn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia ảnh 2Bức huyết thư của Phan Bội Châu. (Ảnh: BTC)

Việc công bố website này là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2018) do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện.

Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai

Đại diện ban tổ chức cho hay, các tài liệu được giới thiệu tại triển lãm đã tái hiện những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản từ sơ khai đến nay, gắn liền với những thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật…).

Theo ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, mối quan hệ giao lưu giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản bắt đầu hình thành từ thế kỷ 8; được đánh dấu bằng việc nhạc Lâm Ấp (một loại hình nghệ thuật mang tính lễ nghi gồm nhạc và vũ điệu) được truyền bá vào Nhật Bản trong thế kỷ này bởi tăng sỹ Phật Triết của Champa - vương quốc cổ nằm trải dài theo vùng duyên hải thuộc miền Trung, miền Nam Việt Nam ngày nay.

Từ cuối thế kỷ 16, do nhà Minh và nhà Thanh (Trung Quốc) thực thi chính sách “cấm biển” nên các thương nhân Nhật Bản đổi hướng sang tìm kiếm đối tác buôn bán ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính quyền Nhật Bản ban cho các thương nhân Châu Ấn thư - một giấy phép thông hành nhằm phân biệt các thương nhân chính thống với bọn buôn lậu và cướp biển.

Dấu ấn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia ảnh 3Tranh minh họa Châu Ấn thuyền. (Ảnh: BTC)

130 tàu (trong tổng số 350 Châu Ấn thuyền ra khơi trong thời gian 1604-1639) có quan hệ giao thương với Việt Nam. Trong thời kỳ này, Hội An đã phát triển thịnh vượng như một thành phố cảng quốc tế.

[Hội An tiếp nhận mô hình Châu Ấn thuyền do Nhật Bản trao tặng]

Vào thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Phan Bội Châu kêu gọi thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học để “khai dân trí bồi dưỡng nhân tài,” chuẩn bị cho việc giành lại độc lập dân tộc. Cũng trong thế kỷ 19, nhiều ấn phẩm về Việt Nam được xuất bản ở Nhật.

Tiếp đó, trong thời gian từ năm 1954-1973, dù Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng các hoạt động giao lưu giữa hai nước vẫn diễn ra (thành lập Hội Hữu nghị Việt-Nhật vào tháng 3/1955 và Hiệp hội Thương mại Việt-Nhật vào tháng 9/1955).

Ngày 21/9/1973, tại văn phòng của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Paris, đại diện chính phủ Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký “Công hàm trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (bản gốc bằng tiếng Pháp).

“Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt đến tầm cao mới, đặc biệt từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á’,” Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẳng định.

Dấu ấn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia ảnh 4Ảnh chụp nhân dịp đại diện hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản ký Công hàm trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao. (Ảnh: BTC)

Phát biểu tại buổi lễ giới thiệu Triển lãm trực tuyến “Lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu” diễn ra sáng nay (20/9) tại Hà Nội, ngài Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ: “Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn để chúng ta cùng nhìn lại quá khứ, hướng đến tương lai, góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước.”

“Triển lãm mang lại cho người xem cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản không chỉ vững bền cùng thời gian mà còn ngày càng được nâng tầm và phát triển,” Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục