Dấu ấn niềm tin: Hành trình 32 năm phát triển không ngừng của Sacombank

Không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu, Sacombank ngày càng chiếm trọn tình cảm, niềm tin của hàng triệu khách hàng nhờ vào sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ tận tâm.
Ông Lê Đức Thịnh (bên phải) - Phó Tổng giám đốc Sacombank nhận giải "Doanh nghiệp xuất sắc châu Á" 2023. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chuẩn bị bước sang tuổi 32 đầy bản lĩnh và tự hào. Niềm tin, sự đồng hành của các đối tác, cổ đông và hàng triệu khách hàng là động lực lớn lao để Sacombank tiếp bước thành công với những mục tiêu, chiến lược dài hạn phía trước.

Vị thế, uy tín không ngừng tăng cao

Tính đến hết tháng 11/2023, Sacombank đang phục vụ đến 18 triệu khách hàng, bao phủ tất cả phân khúc từ khách hàng phổ thông đến khách hàng cao cấp, từ khách hàng cao tuổi đến thế hệ Gen Z.

Lượng khách hàng mới không ngừng tăng lên mỗi ngày và thành quả ấy đến từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Sacombank với những chiến lược dài hơi nhằm nâng cấp toàn diện hệ sản phẩm-dịch vụ, chất lượng phục vụ… đem đến giá trị tối ưu nhất cho mọi khách hàng.

Từng là một trong những ngân hàng đầu tiên được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh với vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng, Sacombank hiện trở thành một ngân hàng lớn mạnh về cả quy mô và tầm vóc; uy tín, niềm tin và giá trị thương hiệu ngày càng vững mạnh cả trong, ngoài nước.

Năm 2020, Sacombank lọt tốp 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu do Brand Finance (Anh) công bố. Và liên tục trong các năm sau đó, Sacombank không ngừng nâng cao vị thế nhờ những nỗ lực vượt trội trong quá trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị điều hành cũng như thúc đẩy Chuyển đổi Số mạnh mẽ hoạt động ngân hàng.

Đến năm 2023, Sacombank tăng 47 bậc trong bảng xếp hạng này, vươn lên vị trí 355 toàn cầu. Cũng trong năm nay, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Sacombank từ “ổn định” lên “tích cực”, ghi nhận năng lực tín dụng liên tục được cải thiện nhờ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Vừa qua, Giải thưởng Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2023 cũng vinh danh Sacombank ở 2 hạng mục Doanh nghiệp xuất sắc châu Á và Thương hiệu Truyền cảm hứng bởi những thành tích nổi bật trong kinh doanh, song song với việc tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội.

Việc liên tục nhận được các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, một lần nữa khẳng định những nỗ lực không ngừng của Sacombank trong việc củng cố giá trị nội tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, uy tín của một ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Cũng như đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển bền vững của ngành ngân hàng và nền kinh tế đất nước.

Dựng xây niềm tin từ những đóng góp tận tâm

Không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu, Sacombank ngày càng chiếm trọn tình cảm, niềm tin của hàng triệu khách hàng nhờ vào sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ tận tâm.

Ngoài tiên phong đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu và trải nghiệm tài chính ngày càng đa dạng, Sacombank còn tiên phong chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều trở ngại. Ngân hàng đã tiến hành cơ cấu nợ cho các khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên từng địa bàn, triển khai nhiều chương trình khuyến mại, hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí giao dịch... để kịp thời giảm gánh nặng chi phí, trở thành chỗ dựa vững chắc cho khách hàng “vượt sóng” thành công.

Cán bộ nhân viên Sacombank tham gia hiến máu tình nguyện. (Ảnh: Vietnam+)

Song song đó, thực hiện sứ mệnh “Đồng hành cùng phát triển,” ngay từ những ngày đầu thành lập, Sacombank đã khởi động và duy trì thành công nhiều chương trình thường niên hướng đến cộng đồng. Đến nay, Sacombank đã có 20 năm đồng hành cùng Quỹ học bổng “Sacombank - Ươm mầm cho những ước mơ” với hơn 42.000 suất học bổng đã được trao đến các em học sinh, sinh viên trên cả nước.

Cũng qua 20 năm, Sacombank đã dành ra hơn 85,3 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn và mang niềm vui đến cho các hoàn cảnh còn khó khăn mỗi dịp Tết đến Xuân về trong chương trình “Ấm tình mùa Xuân.”

Hay 11 năm thực hiện chương trình Hiến máu nhân đạo “Sacombank - Chia sẻ từ trái tim” với hàng nghìn đơn vị máu được tập thể cán bộ nhân viên Sacombank hiến tặng. Những năm gần đây, ngân hàng còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình trường học, nhà văn hóa, cầu đường, nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao; các chương trình mang điện, đèn đường; nước sạch, giếng khoan đến nhiều vùng còn khó khăn...

Tất cả những việc làm ấy đã hòa quyện trở thành nét bản sắc và văn hóa doanh nghiệp đặc trưng mà Sacombank xây dựng và đúc kết 32 năm qua.

Nâng tầm trải nghiệm Số - tạo giá trị khác biệt

Để khẳng định vị thế và tạo nên dấu ấn ngày càng đậm nét trong lòng khách hàng, Sacombank đã tiên phong đem đến những trải nghiệm mới và khác biệt cho 18 triệu khách hàng của mình. Trong đó, lượng khách hàng số tại Sacombank chiếm gần 70% và con số này không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Từ nhiều năm qua, ngân hàng đã triển khai chiến lược Số hóa toàn diện, đưa công nghệ vào các sản phẩm-dịch vụ, quy trình quản trị-vận hành. Theo đó, chiến lược Chuyển đổi Số được Sacombank triển khai thông qua 4 trụ cột, gồm: Hạ tầng công nghệ; giải pháp số hóa toàn diện; sản phẩm - dịch vụ Số; con người và tư duy số nhằm phục vụ hai mục tiêu chính là tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng và nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động của cán bộ nhân viên.

Nhiều công nghệ đã được Sacombank tiên phong cung cấp đến khách hàng, điển hình như: Ứng dụng Ngân hàng Số Sacombank Pay tích hợp mọi dịch vụ tài chính cá nhân; mở tài khoản thanh toán bằng công nghệ eKYC, mở thẻ thanh toán/thẻ tín dụng phi vật lý có ngay trong 5s; thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ với Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay; quét QR thanh toán, chuyển tiền, rút tiền nhanh chóng; công nghệ Tap to Phone cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng thiết bị di động Android như một máy POS để thanh toán không tiếp xúc; công nghệ NFC cho phép khách hàng dùng smartphone (Android) cài đặt Sacombank Pay để thanh toán không tiếp xúc trên máy POS/mPOS…

Với các khách hàng doanh nghiệp có thể mở tài khoản thanh toán thông qua công nghệ eKYC cùng dịch vụ tài khoản Business eCombo đáp ứng mọi nhu cầu tài chính; công nghệ thanh toán thẻ contactless; công nghệ Tap to Phone; ứng dụng Ngân hàng Số tích hợp mọi dịch vụ tài chính đặc biệt như bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế trực tuyến, dịch vụ Swift GPI theo dõi hành trình lệnh chuyển tiền hay dịch vụ kiểm tra thông tin tài khoản trước thanh toán - Swift Pre-validation...

Bên cạnh đó, Sacombank còn có các dịch vụ quản lý dòng tiền phù hợp hệ khách hàng đặc thù như: Dịch vụ thu Bill Collection, dịch vụ thu hộ có đối soát tự động, dịch vụ chi API… giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình quản lý công nợ, tiết giảm chi phí quản lý hệ thống nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, chính xác, kịp thời.

Gần đây, Sacombank cũng đã đưa máy giao dịch thông minh STM (Smart Teller Machine) vào hoạt động với nhiều tiện ích vượt trội như giao dịch bằng giọng nói và tương tác chạm; giao diện hiện đại, thân thiện, dễ sử dụng. Tại STM, khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán, nộp/rút tiền mặt bằng thẻ/căn cước, mở/rút/tất toán tiết kiệm trực tuyến, nạp/rút tiền bằng mã QR, phát hành nhanh thẻ thanh toán và in thẻ vật lý…

STM là một phần của không gian trải nghiệm Số - Digizone thuộc Dự án chi nhánh thông minh mà Sacombank đang xây dựng với mong muốn khách hàng trải nghiệm các công nghệ tài chính mới và hiện đại nhất.

Không gian tại các chi nhánh/phòng giao dịch Sacombank ngày càng hiện đại, thân thiện với khách hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, trong thời gian tới Sacombank sẽ đưa vào vận hành nền tảng Contact Center thế hệ mới tích hợp AI, hoạt động đa kênh, thông suốt 24/7 đảm bảo phục vụ khách hàng nhanh chóng; ngân hàng số hợp kênh Omnichannel tạo ra trải nghiệm đồng bộ và liền mạch cho khách hàng trên nhiều kênh giao tiếp khác nhau; khung quản trị chất lượng dữ liệu; hệ thống kiến trúc Microservices và hệ sinh thái APIs… tất cả vì mục tiêu nâng cao trải nghiệm giao dịch số của khách hàng.

Sẵn sàng cho các mục tiêu phát triển mới

Năm 2023 là năm bản lề với nhiều mục tiêu chiến lược được Sacombank tích cực triển khai. Tuy có nhiều khó khăn và thách thức từ tác động của kinh tế vĩ mô nói chung và của cả ngành kinh tế-tài chính Việt Nam nói riêng. Nhưng bằng sự năng động và sáng tạo, Sacombank đang phát huy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh với những chỉ tiêu tài chính tăng trưởng ấn tượng, các chỉ số an toàn tăng cao, đảm bảo tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế.

Nhìn lại chặng hành trình 7 năm qua, Sacombank đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành các mục tiêu trọng yếu của Đề án. Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2023, Sacombank đã thu hồi, xử lý được hơn 92.600 tỷ đồng, trong đó hơn 72.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt 84% kế hoạch tổng thể đề án đến năm 2025. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống còn 3,5%.

Dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu từ năm 2017 đến nay, tổng tài sản của Sacombank tăng gần 98%, chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ với tài sản có sinh lời tăng hơn 168%, chiếm tỷ trọng 91,7% trong tổng tài sản, tăng 24 điểm phần trăm.

“Với kết quả kinh doanh và xử lý những vấn đề còn tồn đọng hiệu quả, Sacombank tự tin về đích Đề án tái cơ cấu trong nửa đầu năm 2024. Sau đó, với tầm nhìn dài hạn hướng tới sự phát triển bền vững, Sacombank sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu cao hơn,” đại diện Sacombank chia sẻ.

Có thể nói Sacombank ngày nay đã trở thành một phiên bản vượt trội so với thời điểm mới thành lập. Tuy nhiên, một điều không hề thay đổi chính là chiến lược xuyên suốt, đặt sự thành công của ngân hàng luôn song hành với lợi ích gia tăng của cộng đồng và xã hội. Chính sự tín nhiệm, đồng hành của khách hàng, đối tác và cổ đông đã trở thành những mảnh ghép quan trọng để tạo nên sự thành công rực rỡ của Sacombank trong 31 năm qua.

Và ở tuổi 32, Sacombank đã có đầy đủ sự tự tin chào đón một tương lai mới tươi sáng với những giá trị vươn tầm hơn, chạm tới những thành tựu đáng kiêu hãnh hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục