Dấu ấn nhiệm kỳ “biến nguy thành cơ” của Tổng thống Moon Jae-in

Trong 5 năm qua, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã không ít lần thành công trong việc biến các thách thức thành cơ hội để tiếp tục giữ đà phát triển, song vẫn còn tồn tại không ít vấn đề nổi cộm.
Dấu ấn nhiệm kỳ “biến nguy thành cơ” của Tổng thống Moon Jae-in ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 3 trái) tham dự lễ kỷ niệm ở Seoul, ngày 1/3/2022. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang hoàn tất thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, một giai đoạn được đánh giá là đầy biến động với vô số cuộc khủng hoảng.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, có thể nói rằng chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã không ít lần thành công trong việc biến các thách thức thành cơ hội để tiếp tục giữ đà phát triển, song vẫn còn không ít vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết, ảnh hưởng tới uy tín của đảng cầm quyền.

Đánh giá về nhiệm kỳ này, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng sức mạnh quốc gia và vị thế quốc tế của Hàn Quốc đã được nâng lên đáng kể.

Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới dựa trên những tiêu chí toàn diện, bao gồm kinh tế, quốc phòng, đối ngoại, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế.

Hàn Quốc là nước đang phát triển duy nhất vươn lên vị thế của một nước phát triển tiên tiến tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Để đạt được kết quả trên, Hàn Quốc kiên trì và thực hiện đầu tư có chiến lược trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào tất cả các ngành sản xuất công nghiệp trong nước.

Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thích ứng với xu hướng mới về số hóa sản xuất và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nâng cao hiệu suất hoạt động doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 bùng phát và những bê bối, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ sau sự kiện phế truất nữ Tổng thống Park Geun-hye là những nguyên nhân khiến nền kinh tế Hàn Quốc có thời điểm rơi vào vùng tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã nhanh chóng tìm lại động lực và vực dậy một cách ngoạn mục.

Số liệu thống kê do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 4% trong năm 2021, cao nhất trong 11 năm kể từ mức 6,8% vào năm 2010.

Hàn Quốc đã thực hiện được cam kết đưa thu nhập bình quân đầu người (GNI) vượt mốc 30.000 USD/năm vào năm 2020 và tiếp tục tăng lên lên 35.000 USD trong năm 2021.

Về đối ngoại, sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi nỗ lực cải thiện hơn nữa quan hệ với 4 cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Ông coi nền tảng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc là hướng tới việc hoàn thành tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và kiến tạo hòa bình, ổn định lâu dài cho bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Sau 5 năm, quan hệ đồng minh chiến lược Hàn-Mỹ đã và đang phát triển thành một liên minh toàn diện bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, vượt ra ngoài khuôn khổ của một liên minh an ninh.

Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in cũng đã liên tục điều chỉnh chính sách tiếp cận nhằm giảm thiểu căng thẳng với Trung Quốc, đưa quan hệ song phương trở lại lộ trình phát triển.

Quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản có những thời điểm rơi xuống mức thấp nhất do những tranh cãi về lịch sử, văn hóa, chủ quyền lãnh thổ..., song Hàn Quốc và Nhật Bản đã nỗ lực để định hình quan hệ song phương theo hướng tách riêng các tranh cãi về lịch sử nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Nga là đối tác của Hàn Quốc trong mục tiêu thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Á-Âu, đồng thời là đối tác hợp tác quan trọng trong Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc, hai nước đã nhất trí thúc đẩy theo hướng hợp tác bền vững.

Dấu ấn nhiệm kỳ “biến nguy thành cơ” của Tổng thống Moon Jae-in ảnh 2Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay hữu nghị tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Cho dù quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang "giậm chân tại chỗ," không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả nhất định mà chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đạt được trong quan hệ với Triều Tiên.

Nhìn lại thời điểm năm 2017, quan hệ liên Triều đang căng thẳng, hai bên đình chỉ mọi hoạt động đối thoại khiến bán đảo Triều Tiên có thời điểm dường như bên bờ vực của một cuộc chiến tranh.

Trong bối cảnh đó, cùng với cuộc đối thoại Mỹ-Triều Tiên, liên tiếp ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trong một thời gian ngắn với hình ảnh Tổng thống Moon Jae-in phát biểu trước 150.000 công dân Triều Tiên trên sân vận động Rungrado ở thủ đô Bình Nhưỡng và hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước qua vạch ranh giới ở Làng đình chiến Panmunjeom đã đem đến những hy vọng về tiến trình hòa bình, thống nhất hai miền Triều Tiên.

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật, hàng loạt vấn đề còn bỏ ngỏ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in sẽ tiếp tục đặt ra thách thức đối với nhà lãnh đạo sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 9/3 tới.

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã thất bại trong việc kiềm chế thị trường bất động sản.

Hiệu ứng từ 26 nhóm giải pháp của chính phủ trong 5 năm qua để hạ nhiệt giá bất động sản thậm chí còn làm trầm trọng thêm tình hình.

Tại Seoul và nhiều khu vực thành thị khác, nơi sinh sống của khoảng 50% dân số Hàn Quốc, giá trung bình của một căn hộ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017 lên mức 1,26 tỷ won (1,05 triệu USD) vào tháng 1 năm nay.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc ở mức 105,8%, mức cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi mức trung bình trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

[Thông điệp đầu năm 2022 của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in]

Người Hàn Quốc đang đi vay nhiều hơn bao giờ hết và các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng về tính bền vững của nền kinh tế.

Trong khi đó, vấn đề bất bình đẳng giới, chênh lệch thu nhập cũng trở nên nổi cộm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in.

Nhiều cơ hội việc làm mới cho giới trẻ dù đã được tạo ra, nhưng còn quá nhỏ so với con số mà ông cam kết.

Bất mãn về mức lương, việc làm, thu nhập và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng trở nên trầm trọng.

Những yếu tố này được xem là nguyên nhân gây ra các bất ổn trong xã hội và khiến đảng cầm quyền đánh mất một bộ phận cử tri trẻ tiềm năng. 

Trong phát biểu nhân kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhắn nhủ rằng đây là thời điểm chứng kiến những bước ngoặt to lớn của thời đại khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và kỷ nguyên trung hòa carbon đang tái lập một trật tự mới cho thương mại quốc tế.

Hàn Quốc phải tập trung vào nỗ lực chuyển đổi sang cơ cấu kinh tế kỹ thuật số và cấu trúc nền kinh tế xanh và lấy con người làm trung tâm, chủ động đi tiên phong để tạo ra động lực tăng trưởng mới bền vững cho đất nước trong tương lai.

Đó sẽ là đòn bẩy để Hàn Quốc vượt qua những thách thức và có thể thành công "biến nguy thành cơ."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục