Năm 2024 chính thức khép lại với nhiều kết quả nổi bật về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đáng chú ý, xuất khẩu-một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế năm 2024 (là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm tiến gần mốc kỷ lục 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023.
Kết quả đó có được nhờ nhiều ngành hàng đạt giá trị cao từ lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường.
Gia tăng số mặt hàng tỷ USD
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2024. Riêng xuất khẩu thu về khoảng 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, đưa cân thương mại xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Đáng chú ý, năm 2024, cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong số những ngành hàng chủ lực, nhóm nông lâm thủy sản đã đóng góp tới 62,5 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và trong giá trị xuất siêu 24,1 tỷ USD có tới 18,6 tỷ USD là của ngành nông nghiệp.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt hơn 100 tỷ USD so với 2023
Hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD; cá tra là 2 tỷ USD; các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc khoảng 4 tỷ USD. Đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 27%, ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng như chế biến, chế biến sâu.
“Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Thị phần rau quả Việt Nam cũng tăng lên, đơn cử từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%...,” ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Năm 2024, cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Cũng trong năm 2024, nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Với các kết quả nổi bật này, theo các chuyên gia, những kỷ lục trong xuất khẩu của từng ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp đã tham góp tạo nên giá trị xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD của Việt Nam. Con số nói lên nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, của mỗi người dân lao động và những quyết sách trong quản lý, điều hành và thực thi suốt một năm qua và nhiều năm trước đó.
Nhìn nhận bức tranh kinh tế năm vừa qua, chuyên gia kinh tế, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng phân tích, thị trường của các nông sản Việt Nam thời gian qua có chuyển biến khá mạnh, đặc biệt là giá nông sản tăng lên rất mạnh và quy mô xuất khẩu cũng tăng theo. Hơn nữa, các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, thủy sản… đều có kim ngạch tăng trưởng cao.
“Cùng với nhiều đột phá về cơ chế, chính sách thì doanh nghiệp ngày càng hiểu sâu hơn về thị trường, biết cách làm ăn theo chuỗi, phản xạ rất nhanh trước những biến động, đặc biệt là đòi hỏi của các thị trường khó tính… Tất cả những điều đó tạo nên bức tranh rất đẹp của năm 2024 này,” chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng nhận xét.
Định hướng để xuất khẩu bền vững
Tuy đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024, song theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững và còn chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… và còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là các quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU…
Chính sách của Việt Nam cần hướng tới việc cân bằng thương mại, nhằm tránh được những rủi ro về áp đặt thuế…
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường có FTA chiếm khoảng 60%, riêng Hoa Kỳ - là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa), vì vậy các chuyên gia cho rằng, để hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn và tránh được các rủi ro về phòng vệ thương mại… ngoài việc tăng cường năng lực thực thi các FTA, chính sách xuất khẩu của Việt Nam cần đẩy nhanh đến hài hòa cán cân thương mại với các thị trường này.
Tiến sỹ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, trong nhiệm kỳ tới đây, ông Donald Trump có thể đưa ra những chính sách ảnh hưởng đến các nền kinh tế có xuất siêu vào Mỹ, do đó, chính sách của Việt Nam cần hướng tới việc cân bằng thương mại, nhằm tránh được những rủi ro về áp đặt thuế…
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cũng cho rằng, hiện xuất khẩu vẫn tập trung nhiều vào một số thị trường lớn, điều này tuy mang lại kim ngạch cao nhưng tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường đó thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế, vì vậy phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và chi phí vận chuyển còn cao so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
“Yêu cầu sản xuất xanh và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường quốc tế ngày càng tăng cao, trong khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành hàng Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới,” ông Trần Thanh Hải lưu ý.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của việc khai mở các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng cả về khối lượng và giá trị.
Bộ trưởng đề nghị tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới, nâng cấp các hiệp định thương mại tự do đối với các đối tác tiềm năng, tạo động lực, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững./.