Dấu ấn một năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden

Tạp chí The Atlantic của Mỹ bình luận rằng năm đầu tiên của ông Biden đã kết thúc trong cay đắng. Tuy nhiên, ông vẫn còn ba năm phía trước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng shobserver.com, vào ngày 20/1 của một năm trước, trong bối cảnh nước Mỹ trải qua nhiều yếu tố hỗn loạn và tăm tối chưa từng thấy, tân Tổng thống Joe Biden đã chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng ở tuổi gần 80.

Tại lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Biden thừa nhận nước Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng và thách thức, kêu gọi đoàn kết và hàn gắn, đồng thời cam kết sẵn sàng tìm lại linh hồn và an ninh cho nước Mỹ.

Một năm sau, tham vọng của ông Biden liệu đã thành hiện thực? Liên quan đến vấn đề này, các phương tiện truyền thông Mỹ đã thất vọng bình luận rằng đại dịch COVID-19 mà ông hứa sẽ loại bỏ tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát, nền kinh tế mà ông hứa sẽ phục hồi đang bị kìm hãm do lạm phát cao, những “vết sẹo” mà ông hứa sẽ “chữa lành” vẫn đang rỉ máu...

Đây chính là phản ứng hóa học phía sau sự kết hợp của các sự kiện ngoài kịch bản như tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm mạnh, con đường cầm quyền trong thời gian tới cũng sẽ đầy rẫy chông gai.

“Bảng thành tích” có ít điểm sáng

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Biden đã có những động thái quyết liệt nhằm đảo ngược nền chính trị hỗn loạn của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Ông cam kết sẽ đưa đất nước vượt qua 4 cuộc khủng hoảng lớn mang tính lịch sử: khống chế dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, khôi phục kinh tế và bình đẳng sắc tộc.

Chỉ trong vài giờ sau khi nhậm chức, ông đã ký liên tiếp 17 sắc lệnh hành pháp, từ việc đưa nước Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến tạm dừng xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico và hủy cái gọi là “lệnh cấm Hồi giáo” (một lệnh hành pháp được cựu Tổng thống Trump ký năm 2017 nhằm cấm du khách từ 7 quốc gia đa số theo đạo Hồi vào Mỹ).

Câu hỏi đặt ra lúc này là sau một năm, liệu ông Biden có làm cho một nước Mỹ bốn bề khủng hoảng thoát khỏi tình cảnh khó khăn và thực hiện lý tưởng “chính trị thông suốt, lòng người hòa hợp” hay không? Câu trả lời là nếu xem xét kỹ bảng thành tích, có thể nhận thấy tốt xấu lẫn lộn và những điểm nổi bật trong quá trình cầm quyền của ông chỉ có hạn.

Trong lĩnh vực đối nội, với ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, ông Biden đã thay đổi cách làm của người tiền nhiệm. Đó là buộc nhân viên liên bang phải đeo khẩu trang, tăng cường xét nghiệm, cách ly và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng (cho đến nay hơn 200 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19), điều này đã làm giảm bớt dịch bệnh ở một mức độ nhất định. Đồng thời, ông Biden đã ký thông qua gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD, qua đó đạt được thắng lợi lớn đầu tiên về mặt lập pháp.

Tuy nhiên, cùng với biến thể Delta và Omicron lần lượt xuất hiện, dịch bệnh đã bùng phát trở lại sau mùa Thu và mùa Đông năm 2021. Gần đây, số ca mắc mới ở Mỹ đã lên tới hàng trăm nghìn người/ngày, số ca tử vong và nhập viện đang tăng lên. Thành quả chống dịch thời kỳ đầu của Biden đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng.”

[Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo nhân dịp 1 năm cầm quyền]

Về phương diện phục hồi kinh tế. Năm 2021, kinh tế Mỹ nửa đầu năm phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, do các yếu tố như dịch bệnh bùng phát trở lại, khủng hoảng chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu lao động nên nửa cuối năm, các hoạt động chững lại đáng kể.

Tháng 12/2021, tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng lên 7%, chạm mức cao nhất trong gần 40 năm, tỷ lệ thất nghiệp từ 6,3% vào đầu nhiệm kỳ của ông Biden đã giảm xuống mức 3,9% hiện nay, tăng thêm hơn 6,4 triệu việc làm mới, nhưng nước Mỹ lại có tới 4,527 triệu người bỏ việc vào tháng 11/2021, mức cao kỷ lục kể từ trước đến nay.

Về vấn đề lập pháp trong nghị trình kinh tế, chính quyền ông Biden đã thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỷ USD, nhưng dự luật “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” bị thu hẹp còn 1.750 tỷ USD đã không được Thượng viện thông qua. Kết quả là  trong số các ưu tiên chính sách “ba bước” gồm cứu trợ (dịch bệnh), việc làm (cơ sở hạ tầng) và gia đình (giáo dục), ông Biden chỉ hoàn thành hai.

Về phương diện hàn gắn những rạn nứt chính trị và xã hội, mặc dù ông Biden đã xây dựng một chính phủ đa nguyên nhất trong lịch sử, nhưng giới truyền thông Mỹ cho rằng do việc cải cách dự luật thay đổi làm quy trình bầu cử gặp trở ngại nên ông Biden đã không thể bảo vệ quyền bầu cử của các nhóm thiểu số.

“Đoàn kết” đã trở thành một vấn đề lớn trong năm đầu tiên nắm quyền của ông Biden. Tham vọng của ông là đoàn kết nước Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch, đảm bảo bình đẳng sắc tộc, chống biến đổi khí hậu và chống chủ nghĩa cực đoan chính trị, nhưng những mục tiêu này đều không thực hiện được

Vào thời điểm Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức, ông đã nhìn thấy hai căn bệnh của nước Mỹ. Một là căn bệnh của tinh thần dân tộc, hai là căn bệnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau một năm, hai căn bệnh vẫn không thuyên giảm mà các “vết sẹo” dường như càng sâu hơn.

Trong lĩnh vực ngoại giao, ngay khi mới nhậm chức, ông Biden đã cao giọng tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại,” “ngoại giao đã trở lại.” Trong một năm qua, chính quyền ông Biden đã vận dụng mọi biện pháp, bao gồm tổ chức lại vòng tròn đồng minh và hàn gắn những vết thương do cựu Tổng thống Trump để lại, mở rộng vòng tròn bạn bè, nâng cấp Đối thoại an ninh bốn bên, thiết lập Thỏa thuận quan hệ an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia, đồng thời triệu tập Hội nghị thượng đỉnh dân chủ...

Tuy nhiên, ông Biden cũng mắc một số sai lầm về mặt ngoại giao, gây khó khăn cho việc vực dậy vai trò lãnh đạo của Mỹ. Mặc dù đã kết thúc cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan đã khiến nước Mỹ mất mặt, cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” đã khiến các đồng minh thất vọng và cho đến nay mong muốn quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung-JCPOA) vẫn không có bước đột phá.

Ngoài ra, ở cấp độ quản trị toàn cầu, Mỹ từng tích trữ một số lượng lớn vaccine, chính trị hóa việc truy xuất nguồn gốc của virus và cản trở sự hợp tác toàn cầu trong việc chống lại dịch bệnh. Mặc dù Mỹ đã quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, nhưng do không thể thông qua dự luật “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn,” nước này thiếu nguồn kinh phí để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Một năm đầu tiên khó khăn

Theo Reuters, ngày 19/1 theo giờ Mỹ, ông Biden đã tổ chức họp báo nhân kỷ niệm một năm cầm quyền. Từ khi lên cầm quyền đến nay, ông hiếm khi tổ chức họp báo. Theo các chuyên gia nhận xét, chính quyền ông Biden đã nhân cơ hội tuyệt vời này để làm mới các thành tích chính trị. Tuy nhiên, dù có tô vẽ thành tích như thế nào thì nhiều cuộc thăm dò ở Mỹ mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã giảm xuống mức nguy hiểm, thậm chí thấp hơn so với tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong năm đầu tiên cầm quyền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cuộc thăm dò do hãng tin AP và Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công của Đại học Chicago cùng thực hiện cho thấy cùng với dịch bệnh tiếp tục hoành hành, lạm phát tăng cao và hầu hết các cam kết trong chiến dịch tranh cử chưa được thực hiện, tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang giảm ở hầu hết các nhóm, bao gồm thanh niên, nữ giới và các nhóm thiểu số...

Ngô Tâm Bác, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đại học Phúc Đán, đã tổng kết năm đầu tiên của ông Biden như sau: “Tình hình đối nội khó khăn, thành tựu ngoại giao hạn chế, sai lầm trong thực thi chính sách khá nhiều dẫn đến việc khó mở ra cục diện mới.”

Theo Viện trưởng Ngô Tâm Bác, có thể phân tích nguyên nhân khiến chính quyền ông Biden gặp khó khăn trong một năm qua từ cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Về yếu tố chủ quan, êkip của ông Biden còn hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm trong khi đặt mục tiêu quá cao, tham vọng quá lớn. Lấy ngoại giao làm ví dụ, ông Biden là một cựu quan chức dày dạn kinh nghiệm ngoại giao, nhưng cuối cùng ông lại tỏ ra mờ nhạt, thậm chí còn mắc rất nhiều sai lầm như không xử lý được, như việc ổn thỏa mối quan hệ với Trung Quốc và Nga hay việc không rút quân khỏi Afghanistan một cách có trật tự.

Yếu tố mấu chốt là các mục tiêu mà chính quyền ông Biden đặt ra không sát thực tế, vượt xa năng lực và tồn tại vấn đề trong đường lối chính sách nên không thể ước tính đầy đủ về tình hình. Quan trọng hơn, trong bối cảnh thực lực không còn như xưa, Mỹ vẫn xử lý quan hệ với thế giới bên ngoài với tâm lý bề trên.

Xét từ yếu tố khách quan, Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề đã tích tụ lâu ngày như nhập cư, những vấn đề này liên quan đến lợi ích phức tạp và không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Ngoài ra, nền chính trị Mỹ tồn tại tình trạng phân cực nghiêm trọng, các đảng phái cạnh tranh gay gắt, những điều này càng hạn chế chính quyền ông Biden thực thi các chính sách.

Viên Chinh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc điều hành của ông Biden trong năm đầu tiên không thuận lợi, nguyên nhân là do ông tập trung sức lực cho các vấn đề đối nội.

Đặc điểm điều hành của ông là phát huy truyền thống của đảng Dân chủ thành lập một “chính phủ lớn,” chẳng hạn thông qua tăng thuế để thúc đẩy hồi phục nền kinh tế, điều này trái ngược với cách điều hành của đảng Cộng hòa chủ trương chính phủ nhỏ, quản trị dựa vào thị trường.

Do đó, những điều này đã gây ra rất nhiều tranh cãi tại Mỹ. Mặt khác, nền chính trị trong nước đang đối lập nghiêm trọng, hai đảng thường xuyên xảy ra xích mích, dẫn đến nhiều nghị trình lập pháp của ông Biden không được Quốc hội thông qua và chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp của các sắc lệnh hành pháp.

Về đối ngoại, dù ông Biden có ý định khôi phục vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng của Mỹ, song ông sẽ không dễ dàng sửa chữa những tổn hại đối với hình ảnh quốc tế và quyền lực mềm mà chính quyền Tổng thống Trump đã gây ra trong ngắn hạn.

Nhiều vấn đề nan giải đang chờ đón 

Tạp chí The Atlantic của Mỹ bình luận rằng năm đầu tiên của ông Biden đã kết thúc trong cay đắng. Tuy nhiên, ông vẫn còn ba năm phía trước.

Giới truyền thông Mỹ cho rằng giống như khi nhậm chức một năm trước, con đường phía trước của ông Biden vẫn còn nhiều thử thách và ông sẽ phải tiếp tục tiến bước với những gánh nặng trên vai.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang web “Đồi Capitol” của Mỹ cho rằng Tổng thống sẽ gặp phải hàng loạt vấn đề nan giải trong tương lai, trong đó quan trọng hàng đầu chính là trận chiến dịch bệnh khó lường. Xử lý dịch bệnh sẽ vẫn là trận chiến khó khăn nhất và quan trọng nhất của ông Biden trong năm nay, bao gồm việc kiềm chế sự lây lan của biến thể Omicron, đảm bảo rằng dịch bệnh không làm sụp đổ hệ thống y tế và thị trường tài chính của Mỹ...

Thứ hai, tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ còn lại từ năm đầu nhiệm kỳ. Các ưu tiên lập pháp bao gồm cả việc thúc đẩy dự luật “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” và cải cách dự luật về trao quyền bầu cử, có thể được thông qua tại Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Viên Chinh cho rằng trong môi trường chính trị có nhiều chia rẽ và đối lập ở Mỹ, rất khó để những dự luật này được thông qua. Ông Biden không chỉ bị đảng Cộng hòa chỉ trích mà còn phải đối mặt với những thách thức trong nội bộ đảng Dân chủ.

Hiện tại, đảng Dân chủ đang bị chia rẽ sâu sắc, những người theo chủ nghĩa tự do, ôn hòa và cấp tiến đi theo con đường riêng của họ, trong khi ông Biden lại chỉ có ảnh hưởng hạn chế trong đảng. Ví dụ, dự luật “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” không được Thượng viện thông qua là do Thượng nghị sỹ Joe Manchin, một đảng viên Dân chủ ôn hòa, phản đối dự luật.

Thứ ba, "phép thử" bầu cử. Lễ kỷ niệm năm đầu tiên cầm quyền chỉ là một dấu mốc khách quan trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống, “phép thử” thực sự cho sự thành công hay thất bại của Chính quyền ông Biden sẽ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng con đường cầm quyền của ông Biden có suôn sẻ hay không còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Viện trưởng Ngô Tâm Bác cho rằng nếu đảng Dân chủ có thể kiểm soát được cả Thượng viện và Hạ viện, thì con đường cầm quyền của ông Biden sẽ tương đối suôn sẻ.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy triển vọng không mấy lạc quan. Đảng Dân chủ rất có khả năng đánh mất một viện, điều này đồng nghĩa với việc ông Biden sẽ bị đảng Cộng hòa kiềm chế nhiều hơn, quá trình vận hành chính phủ của ông sẽ gập ghềnh hơn.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ chủ yếu liên quan đến dịch bệnh và xu hướng của nền kinh tế. Một là sau tháng Năm và tháng Sáu, liệu dịch bệnh có được kiểm soát hay không. Hai là cùng với việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, liệu Mỹ có kiểm soát được lạm phát hay không.

Truyền thông Mỹ cũng cho rằng nhiệm vụ của ông Biden là rất nặng nề. Ông không chỉ phải lãnh đạo đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà còn phải luôn cảnh giác trước sự cạnh tranh đến từ cựu Tổng thống Trump, người có khả năng sẽ tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Viên Chinh nói: “Trong ba năm tới, e rằng chính quyền ông Biden sẽ khó có thể thực hiện được tham vọng của mình dù là giải quyết các vấn đề kinh niên của chính trị và xã hội, hay là triển khai cạnh tranh nước lớn để vực dậy vai trò lãnh đạo của nước Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục