Dấu ấn Eurozone: Ireland sắp thoát khỏi bão nợ công

Nếu rời khỏi chương trình cứu trợ vào tháng 12, Ireland sẽ là quốc gia đầu tiên trong Eurozone thoát khỏi khủng hoảng nợ công.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Vào giữa tuần trước, Ireland đã thông báo nước cộng hòa này sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ của bộ ba nhà tài trợ quốc tế vào tháng 12/2013 mà không cần sử dụng hạn mức tín dụng phòng ngừa của các nhà tài trợ này.

Nếu mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch, kỷ nguyên “hỗ trợ tài chính khẩn cấp” sẽ kết thúc ở Ireland và quốc đảo này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.

Đây sẽ là tin vui đối với giới chức châu Âu trong bối cảnh "lục địa già" vẫn đang phải vật lộn để duy trì đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh.

Thoát khỏi tâm bão

Năm 2010, nền kinh tế Ireland đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Thị trường bất động sản sụp đổ, nhiều ngân hàng đối mặt với nguy cơ sụp đổ, nợ công tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng. Trong bối cảnh đó, tháng 11/2010, Ireland đã phải đề nghị Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu viện.

Đây là quốc gia đầu tiên ở Eurozone phải xin cứu trợ từ bộ ba nhà tài trợ này.

Trong ba năm qua, Ireland đã phải nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ khi họ đồng ý cung cấp gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro cho nước này.

Nhờ vậy, năm ngoái, Ireland đã thoát khỏi tình trạng suy thoái và đạt tốc độ tăng trưởng dương lần đầu tiên kể từ năm 2007. Xuất khẩu cũng tăng cao kỷ lục và vượt ngưỡng 180 tỷ euro. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP đã giảm từ mức 33% vào năm 2010 xuống còn ước khoảng 7,3% trong năm nay.

Các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng tin trưởng vào môi trường đầu tư ở nước này. Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu Chính phủ Ireland kỳ hạn 10 năm đã giảm mạnh từ 15%/năm xuống dưới 4%. Hồi tháng 3/2013, Ireland đã phát hành thành công 5 tỷ euro trái phiếu kỳ hạn 10 năm, với lãi suất chỉ là 4,15%/năm.

Với những kết quả tích cực đó, phát biểu trên truyền hình hồi giữa tháng 10, Thủ tướng Ireland Enda Kenny tuyên bố nước cộng hòa này sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ của bộ ba nhà tài trợ gồm EU, ECB và IMF vào ngày 15/12/2013 và sẽ không quay lại chương trình này. Đây là lần đầu tiên ông Kenny đưa ra thời gian biểu cụ thể cho việc chấm dứt sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Hôm 14/11, Thủ tướng Kenny một lần nữa nhắc lại kế hoạch trên. Phát biểu trước Quốc hội, ông nói: “Đây là quyết định đúng đối với Ireland và bây giờ là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định này.”

“Đây là bước đi mới nhất trong hàng loạt các bước đi để đưa tình hình kinh tế, ngân sách và tài chính của Ireland trở lại bình thường… Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi nhưng rõ ràng là chúng ta đang đi đúng hướng,” ông Kenny nhấn mạnh.

Trước những thành công đó của Dublin , bộ ba nhà tài trợ đã quyết định đưa Ireland ra khỏi danh sách các quốc gia bị giám sát ngặt nghèo. Vào đầu tháng này, họ đã ngừng giải ngân số tiền cuối cùng trong gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro để mở đường cho Ireland hoàn tất chương trình cứu trợ vào cuối năm nay.

Như vậy, tổng số tiền cứu trợ mà bộ ba nhà tài trợ quốc tế dành cho Ireland trong ba năm qua chỉ vào khoảng 67,5 tỷ euro.

Sự tự tin của Ireland

Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm sau khi Thủ tướng Kenny thông báo Ireland sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ vào tháng tới đó là liệu Dublin có đề nghị bộ ba các nhà tài trợ cấp hạn mức tín dụng phòng ngừa khi chương trình này kết thúc hay không.

Hồi đầu tháng 11/2013, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã nói rằng hạn mức tín dụng phòng ngừa sẽ rất hữu ích, trong khi báo cáo mới nhất của IMF về Ireland khẳng định sẽ là tốt hơn nếu Dublin sử dụng hạn mức tín dụng này.

Tuy nhiên, Chính phủ Ireland đã khẳng định rõ ràng rằng Dublin sẽ không nhận sự hỗ trợ đó từ phía các nhà tài trợ. Dublin lý giải rằng nhờ huy động được một số tiền nhất định trên các thị trường trái phiếu, nước này hiện có 20 tỷ euro dự trữ bằng tiền mặt có thể sử dụng để thanh toán các chi phí vốn và trả các khoản nợ đáo hạn trong thời gian từ nay đến đầu năm 2015.

Bình luận về quyết định này của Ireland, ông Ryan McGrath, một nhà môi giới trái phiếu của công ty Cantor Fitzgerald có trụ sở ở Dublin, nhận định “việc không sử dụng hạn mức tín dụng phòng ngừa thể hiện sự tự tin của Chính phủ” Ireland.

Cùng với việc không sử dụng hạn mức tín dụng phòng ngừa, Ireland dự định sẽ quay trở lại thị trường nợ quốc tế vào tháng 2/2014. Phát biểu trên đài phát thanh-truyền hình quốc gia RTE hôm 14/11, Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan nói: “Chủ trương của cơ quan quản lý nợ Ireland (NTMA) là... quay trở lại thị trường này vào đầu năm tới, có thể là cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.”

Vẫn còn đó những thách thức

Ngay sau khi Thủ tướng Kenny thông báo nước cộng hòa này sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ của bộ ba nhà tài trợ quốc tế vào tháng tới mà không cần sử dụng hạn mức tín dụng phòng ngừa, Fianna Fail - chính đảng đã mất quyền lãnh đạo Ireland chỉ ba tháng sau khi nước cộng hòa này xin cứu trợ và hiện là đảng đối lập chính - cảnh báo đây là một hành động mạo hiểm bởi vì, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm tàng đang chờ đợi các ngân hàng Ireland cũng như Eurozone ở phía trước.

Trên thực tế, mặc dù thoát khỏi tình trạng suy thoái nhưng nền kinh tế Ireland vẫn phải đối mặt với vô vàn thách thức như tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức cao (hơn 13%), chi tiêu dùng giảm sút do lương giảm và thuế tăng, các quan ngại về hệ thống ngân hàng vẫn chưa chấm dứt. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng ở Ireland vẫn đang phải vật lộn với núi nợ xấu phát sinh trong giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản.

Tại thời điểm hiện nay, tỷ lệ những người vay tiền mua nhà chậm trả nợ quá 90 ngày lên tới 12,7%, cao hơn rất nhiều so với con số 5,7% hồi tháng 12/2010.

Bản thân chính quyền của Thủ tướng Kenny thừa nhận các thách thức trong thời kỳ hậu kỷ nguyên “hỗ trợ tài chính khẩn cấp.”

Trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 10, ông Kenny lưu ý rằng vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đợi Ireland phía trước và vẫn còn nhiều việc phải làm sau khi kết thúc kỷ nguyên này.

Theo ông Kenny, mặc dù ngân sách quốc gia năm tới được bổ sung thêm 2,5 tỷ euro (3,4 tỷ USD) nhờ việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu nhưng thâm hụt ngân sách vẫn chiếm 4,8% GDP. Chính trị gia này cho biết ngân sách Ireland sẽ quay trở lại trạng thái thặng dư vào năm 2015.

Mặt khác, nhiều người lo ngại việc Ireland từ chối sử dụng hạn mức tín dụng phòng ngừa sẽ khiến nước này không thể tiếp cận chương trình mua trái phiếu chính phủ của ECB (vẫn thường được biết đến dưới cái tên Các giao dịch tiền tệ công khai (OMT)

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Dublin sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường trái phiếu để tài trợ cho các hoạt động và trả nợ cho những nhà đầu tư đã mua trái phiếu của họ. Đây là một thách thức không nhỏ đối với nước cộng hòa này bởi vì, từ năm 2015, Dublin sẽ bắt đầu phải trả nợ cho IMF.

Một vấn đề khác khiến nhiều người lo ngại là nhiều biện pháp hà khắc về ngân sách mà bộ ba nhà tài trợ đưa ra như điều kiện để cứu trợ cho Ireland sẽ bắt đầu có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2014.

Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho nền kinh tế Ireland trong lúc nước này đang tìm cách quay lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Nếu đà tăng trưởng không được duy trì, nợ công sẽ gia tăng trở lại và Ireland có thể sẽ lại phải xin cứu trợ.

Hiện tại, tỷ lệ nợ công/GDP của Ireland vẫn vào khoảng 124%, cao thứ 4 trong Eurozone./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục