Dấu ấn của Tổng Bí thư luôn song hành với người dân và mảnh đất Vạn Thọ hôm nay

Ông Trần Văn Trọng còn nhớ như in khi đó, Tổng Bí thư dặn: “Các đồng chí chính quyền phải chăm lo phát triển kinh tế cho nhân dân, đặc biệt chăm lo đời sống của những người có công.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn cựu sinh viên về thăm lại xã Vạn Thọ, năm 2005. (Ảnh chụp từ tư liệu địa phương/Hạnh Nguyễn)

Ngày 25/7, chúng tôi đến với xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là nơi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn sinh viên Khóa 8 Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội về sơ tán trong thời gian 1965-1967.

Tại đây, chúng tôi vô cùng xúc động khi được chứng kiến những tình cảm chân thành và sâu sắc của người dân địa dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dân nhớ, dân thương

Nhớ về người em trai năm đó, bà Nguyễn Thị Lớn (91 tuổi và là một trong hai gia đình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cư trú tại tại xóm Hai-Tràng Dương cũ) run run nói: “Ông ý ít hơn tôi 10 tuổi và ngoan lắm, còn rất vui tính nữa. Kỷ niệm thời kháng chiến rất nhiều, ông ý học xong về Hà Nội và khi cưới vợ, ông ý có gửi thư cho chúng tôi."

Bà Lớn nghẹn ngào chia sẻ hồi về thăm Tràng Dương, ông ý đã tặng cho ‘chị gái’ cái màn chống muỗi và mấy gói kẹo. "Ông Trọng ở nhà tôi mấy năm trời, nay tôi nghe tin ông ý mất mà chúng tôi buồn lắm,” bà Lớn nói.

Bà Nguyễn Thị Lớn vấn khăn đen tại Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại xã Vạn Thọ, ngày 25/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Cao Thị Kim Tuyến (78 tuổi, có 56 năm tuổi Đảng) sống ở xóm Hai, rất xúc động và rưng rưng nước mắt kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về đoàn sinh viên Khóa 8 Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội về sơ tán trong thời gian 1965-1967.

“Chiều ngày 11/9/1965 (16/8 Âm lịch), chúng tôi khi đó là những đoàn viên thanh niên được cử đi đón các anh chị sinh viên ở Suối Đôi. Trước đó, chúng tôi đã đi tiền trạm và xin phép các gia đình hỗ trợ cho các sinh viên đến sơ tán lưu trú và sinh hoạt.”

Những ký ức đó cứ như dòng chảy mà chan chứa ùa về, bà Tuyến tâm sự sở dĩ nhớ được chính xác thời điểm đó là vì ngày hôm trước là Rằm tháng Tám. Các anh, chị sinh viên khi đó còn rất trẻ, chân đi dép mà nước chảy xiết, lội nước không quen.

“Vui vẻ là thế song những dấu ấn mệt mỏi sau chặng đường xa vất vả là rất dễ nhận ra. Các anh, chị ấy luồn cặp sách vào những cái que rồi thay nhau khiêng. Chúng tôi là con gái nông thôn nên có sức khỏe và nhanh nhẹn, do đó đã giúp họ gánh đỡ sách vở và những vật dụng nặng,” bà Tuyến nói.

“Người dân xã Hai quý các anh, chị sinh viên lắm và luôn coi họ như người thân trong gia đình. Lớp thanh niên chúng tôi thì rất kính phục và nể trọng họ. Thời đó rất khó khăn, các sinh viên nam phải đi rừng lấy gỗ về dựng nhà thư viện cho Khoa. Đường rừng dốc được nên các anh ý đã đặt tên là dốc Bổ Khỏa (tức là dốc bò cả bằng chân và tay),” bà Tuyến hồi tưởng và nói.

Lau giọt nước mắt nơi khóe mắt, bà Tuyến lại nhoẻn miệng cười khi nói đến sự vụng về của những người thanh niên thành phố lúc đấy. Nguyên do, các anh sinh viên đi lấy củi mà lạt thì không biết chẻ. Họ thấy mấy cô gái nông thôn thì rất ngại ngùng và không dám nhờ, vì vậy cứ loay hoay không biết cách nào mà bó được chỗ củi đã lấy. Thấy vậy, bà Tuyến và các bạn đã chủ động hỏi thăm, ngỏ ý giúp đỡ chẻ lạt và bó củi hộ.

Bà Cao Thị Kim Tuyến 78 tuổi, có 56 năm tuổi Đảng, tại xóm Hai (Tràng Dương cũ), xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

“Bữa thì được cái bánh bao, bữa thì được miệng bát cơm với bát canh nước trong vắt. Chúng tôi thường gọi là canh Rui mè, tức là bát canh để xuống và nhìn vào nước thấy hết lên đến trần nhà. Cảm thương quá, chúng tôi nói dối là thích ăn bánh bao (chay) để đổi bát cơm cho họ. Mà cũng kỳ, chúng tôi ăn bánh bao do 'lạ mồm' nên cảm thấy ngon, song với các anh, chị ý thì ngán lắm rồi,” bà Tuyến cho hay.

Bà Tuyến cho biết kém Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ba tuổi đời và một năm tuổi Đảng. Khi đó, bà Tuyến 16 tuổi và mới lấy chồng. Chồng là bộ đội đi công tác xa và nhiều năm không về, bà Tuyến sống cùng bố mẹ chồng. Với tư tưởng tiến bộ, nhóm sinh viên đã động viên bà Tuyến tham gia công tác đoàn thể và phấn đấu.

Cùng với phong trào của các sinh viên lúc đó, bà Tuyên đã nỗ lực hoàn thành các công tác trong vai trò bí thư Đoàn Thanh niên.

“Lẽ ra năm 1967, tôi đã được vinh dự cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết nạp Đảng. Nhưng do tôi còn phải chăm sóc bố mẹ già và để lại tiếp tục phấn đấu nên bị lùi lại một năm. Tất cả các anh, các chị đã động viên và giúp đỡ rất nhiều để một người con gái nông thôn như tôi có được điều kiện phấn đấu và từng bước trưởng thành trong công tác thanh niên, cấp Đảng ủy và Ban quản trị tại địa phương. Đó là kỷ niệm sâu sắc mà cả đời tôi không thể nào quên,” bà Tuyến nói rưng rưng niềm xúc động.

Truyền cảm hứng cho lớp trí thức sau này

Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vạn Thọ, chia sẻ năm 2005, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó với tư cách là cựu sinh viên về họp lớp tại địa phương. Rất giản dị và với phong cách sinh viên, ông Trọng vui vẻ kể lại những câu chuyện thời tuổi trẻ ngày đó.

Hôm đó, nhân dân trong xã đến đón đoàn cựu sinh viên đông kín cả trụ sở ủy ban. Ông Trọng hỏi người dân bây giờ lao động sản xuất như thế nào, lúa có năng suất không và lương thực có đủ không. Nhận thấy nhân dân tại thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn, ông Trọng đã nói: “Bây giờ, tất cả tập trung vào sản xuất, trước hết là xây dựng đất nước, sau đó là kinh tế gia đình. Đất nước ta còn nhiều gian nan, nông dân còn nhiều vất vả, nhưng chúng ta phải đoàn kết xây dựng đất nước, xây dựng quê hương, cố gắng lao động sản xuất.”

Ông Trần Văn Trọng còn nhớ như in khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lời căn dặn: “Các đồng chí chính quyền phải chăm lo phát triển kinh tế cho nhân dân, đặc biệt chăm lo đời sống của những người có công,”

“Khi chia tay, ông Trọng đã lên xe song người dân lưu luyến và đi theo tiễn chân rất đông. Trước khi lên xe, Tổng Bí thư có nói một câu ‘Tôi sẽ trở về Vạn Thọ. Trong thời gian còn công tác, tôi có thể do bận không về được. Nhưng đến khi nghỉ hưu, tôi sẽ quay lại.’ Mỗi người dân vẫn luôn nhớ và mong đợi về ngày đó,” ông Trần Văn Trọng chia sẻ.

Ông Trần Văn Trọng cũng cho hay khi những người sinh viên về sinh sống tại địa phương, họ đã truyền cảm hứng về tinh thần học tập cho lớp thanh niên trẻ khi đó. Minh chứng là con em sinh sống trong khu vực Tràng Dương cũ (nay là xóm Hai) nói riêng và xã Vạn Thọ nói chung, rất chuyên cần học tập và người dân cũng ý thức đầu tư cho giáo dục. Do đó, địa phương có nhiều người tốt nghiệp đại học và có cả những người đỗ học vị tiến sỹ.

“Những người cựu sinh viên khi đó đã góp phần thay đổi tầm nhìn và nhận thức của nhân dân địa phương. Họ đã truyền động lực cho những người dân nông thôn khi đó còn khá lạc hậu. Như gia đình tôi có 5 anh, chị, em và chị gái tôi sinh năm 1960, anh trai cả sinh năm 1962 (là tiến sỹ), cả hai đã rất cố gắng học tập và truyền niềm cảm hứng đó sang chúng tôi. Để được đi học, trẻ em trong xã phải đi bộ lên thị trấn Đại Từ cách xa 9km và đường xá mặc dù khó khăn, song tất cả những điều đó không ngăn nổi chúng tôi bước đi trên ‘con đường’ học vấn,” ông Trần Văn Trọng nói.

Ông Trần Quang Trung, Bí Thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vạn Thọ. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Từ nhận thức sẵn sàng đầu tư cho con đi học và phát triển kinh tế, nhân dân Tràng Dương (cũ) nói riêng và Vạn Thọ nói chung đã từng bước có được điều kiện cuộc sống khấm khá hơn.

Ông Trần Quang Trung, Bí Thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vạn Thọ chia sẻ địa phương đang phấn đấu đạt xã về đích nông thôn mới nâng cao, theo đó tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu kế hoạch sẽ tăng 8%/năm; trong đó giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 140 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt 1.721 tấn/năm, chè búp tươi đạt 220 tấn, sản lượng thịt hơi đạt 300 tấn và thủy sản đạt 36 tấn. Thu ngân sách Nhà nước trong cân đối (không bao gồm cả thu cấp quyền sử dụng đất) dự kiến tăng 10%/năm.

Ông Trần Quang Trung nhấn mạnh từ niềm tự hào về lớp sinh viên ngày đó đã để lại, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân luôn noi gương, lấy đó làm tiêu chuẩn giáo dục và đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây cũng là động lực để phấn đấu xây dựng quê hương. Đến nay, xã Vạn Thọ đã có biết bao con em các thế hệ trở thành người con ưu tú là những cán bộ cốt cán từ Trung ương đến địa phương...

Ông Trần Quang Trung rưng rưng chia sẻ: “Khi nhận thông tin Tổng Bí thu Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh, nằm điều trị tại bệnh viện 108 quân đội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân không ngừng theo dõi tình hình về bác qua các phương tiện truyền thông đại chúng và đồng lòng cầu nguyện cho sức khỏe của bác. Nhưng vì bệnh nặng, bác đã ra đi. Đây là niềm mất mát lớn lao của Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Thọ.”

“Nhân dân xã Vạn Thọ sẽ luôn giữ bác trong trái tim. Chúc bác an nghỉ nơi chín suối, an giấc nghìn thu!” ông Trần Quang Trung nói./.

Gia đình các con ông Nguyễn Đình Thoa, xóm Hai (Tràng Dương cũ), xã Vạn Thọ , là một trong hai gia đình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống, khi cùng Khóa 8 Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn Hà Nội) về sơ tán học tập. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục