Dấu ấn của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021

Trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh đối mặt với thách thức từ đợt bùng phát dịch, dù vậy HĐND thành phố đã chủ động, linh hoạt để hoạt động hiệu quả.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ trình bày tham luận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn, giám sát giúp hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Trên cơ sở đó, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã có điều chỉnh, chủ động, linh hoạt trong các hoạt động với nhiều hình thức giám sát, chất vấn, ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với tình hình.

Trong năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương, nhất là khu vực phía Nam phải tạm dừng hoặc thay đổi cách tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, song những ý kiến của cử tri vẫn được tiếp nhận đầy đủ qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo của tổ đại biểu, tiếp xúc cử tri, đường dây nóng của hội đồng nhân dân, phiếu lấy ý kiến… bảo đảm phù hợp với tình hình phòng, chống dịch.

Hội đồng nhân dân các địa phương đã chủ động, linh hoạt ứng phó với đợt dịch để đảm bảo hoạt động thông suốt của cơ quan quyền lực tại địa phương.

Nhiều kinh nghiệm hay được các địa phương chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 khu vực phía Nam, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 21/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân]

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các địa phương khu vực phía Nam chịu tác động nặng nề, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài

Trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với thách thức từ đợt bùng phát dịch, dù vậy Hội đồng Nhân dân thành phố đã chủ động, linh hoạt để triển khai các hoạt động hiệu quả.

Nhanh chóng triển khai chính quyền đô thị

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội đồng nhân dân thành phố.

Với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, trí tuệ, tập trung dân chủ và lắng nghe ý kiến của cử tri, chương trình hoạt động của hội đồng nhân dân thành phố đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, hoàn thành các nhiệm vụ của Ban Thường vụ Thành ủy giao; cùng với chính quyền thành phố thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch, từng bước phục hồi kinh tế và hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2021 với tổng số thu ngân sách là 381.531 tỷ đồng (đạt 104,56% dự toán).

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết Thường trực hội đồng nhân dân thành phố phối hợp với Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố thực hiện 52 chương trình “Lắng nghe và trao đổi,” 56 chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” định kỳ hàng tháng. Chương trình đã mở ra diễn đàn dân chủ để tổ chức Đảng, chính quyền các cấp lắng nghe trực tiếp ý kiến, kiến nghị của người dân và tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình.

Ngày 16/11/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 (Nghị quyết số 131) về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131, trong đó quy định về quyền giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thêm nhiệm vụ giám sát quận và phường thuộc quận cho hội đồng nhân dân thành phố khi không còn hội đồng nhân dân ở quận và phường khi thực hiện chính quyền đô thị.

Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện), so với trước giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện; có 312 đơn vị hành chính cấp xã, so với trước sắp xếp giảm 10 đơn vị.

Để đảm bảo hoạt động theo yêu cầu thực tiễn, hội đồng nhân dân thành phố đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021-2026,” với mục đích đưa ra những giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng công tác giám sát và khảo sát, góp phần đưa hoạt động của hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân sát cơ sở và sát dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thành phố đã nhanh chóng tổ chức kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động của hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố.

Trong số đó, điểm mới là phát huy vai trò của 4 ủy viên chuyên trách các Ban của hội đồng nhân dân thành phố, tăng cường trách nhiệm của đại biểu qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý cập nhật hoạt động của từng đại biểu và chia sẻ kinh nghiệm kịp thời các hoạt động của đại biểu.

Cùng với đó, Tổ đại biểu hội đồng nhân dân tại địa bàn ứng cử cũng được phát huy, nhất là 16 quận không có hội đồng nhân dân quận, phường.

Tổ đại biểu chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân về những vấn đề giám sát, kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử và có giải pháp phối hợp các Ban hội đồng nhân dân thành phố, các cơ quan, địa phương giám sát chuyên đề, theo dõi kết quả, thông tin kết quả giải quyết cho cử tri biết.

Tổ đại biểu phối hợp địa phương và tận dụng nguồn lực của từng đại biểu để làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa bàn ứng cử.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết để việc thực hiện Nghị quyết số 131 hiệu quả trong hoạt động giám sát, hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp như quan tâm giám sát đối với ủy ban nhân dân quận, phường nơi không có tổ chức hội đồng nhân dân với các nội dung cụ thể; phát huy vai trò của chuyên gia trong tham gia hoạt động giám sát; tập trung theo dõi kiến nghị cử tri thông qua Tổ đại biểu trực tiếp tại địa bàn được phân công; tiếp tục lắng nghe đề xuất kiến nghị cử tri qua tổng đài 1022.

“Điểm mới trong nhiệm kỳ 2021-2026 là Hội đồng Nhân dân thành phố tiến hành chất vấn đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố,” bà Lệ nhấn mạnh.

Linh hoạt, đảm bảo hiệu quả

Dịch COVID-19 kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên hội đồng nhân dân thành phố đã linh hoạt thay đổi hình thức giám sát từ trực tiếp sang trực tuyến và giám sát thông qua báo cáo, từ đó góp phần cho hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân thành phố được duy trì thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát đúng theo quy định của pháp luật.

Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị thực hiện diễn đàn đối thoại với người dân định kỳ hàng tháng với cách thức phù hợp với môi trường phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, đồng thời thiết lập trang mạng xã hội fanpage Hội đồng Nhân dân thành phố.

“Thông qua chương trình giúp cử tri theo dõi, giám sát những việc làm cụ thể của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, các cấp chính quyền và giúp chính quyền các cấp bám sát cơ sở hơn, lắng nghe và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân,” bà Nguyễn Thị Lệ thông tin thêm.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Getty)

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng cần nâng cao hiệu quả hình thức xem xét, thẩm tra báo cáo; hình thức chất vấn; tăng cường giám sát chuyên đề tại kỳ họp; hình thức giám sát thông qua hoạt động của các Đoàn giám sát. Phát huy công nghệ thông tin để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố khi thực hiện chính quyền đô thị, bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá còn những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm như việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát hiệu quả chưa cao, chưa có chế tài đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc kiến nghị sau giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết để việc thực hiện Nghị quyết số 131 hiệu quả trong hoạt động giám sát, hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp như quan tâm giám sát đối với ủy ban nhân dân quận, phường nơi không có tổ chức hội đồng nhân dân với các nội dung cụ thể; phát huy vai trò của chuyên gia trong tham gia hoạt động giám sát; tập trung theo dõi kiến nghị cử tri thông qua Tổ đại biểu trực tiếp tại địa bàn được phân công; tiếp tục lắng nghe đề xuất kiến nghị cử tri qua tổng đài 1022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng công tác thông tin và truyền thông gắn kết đại biểu và cử tri được quan tâm, nhiều vấn đề mà Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể học tập được. Nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân thành phố phối hợp Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố thực hiện 52 Chương trình Lắng nghe và trao đổi; 56 Chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố định kỳ hàng tháng; Chương trình Dân hỏi-Chính quyền trả lời. Đây là hoạt động giúp tăng sự tương tác giữa cử tri và hội đồng nhân dân, với phương chậm với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”

Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình hoạt động năm 2022 với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó phát huy vai trò của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố trong việc điều hòa phối hợp hoạt động giữa các Ban hội đồng nhân dân thành phố với Thường trực ủy ban nhân dân thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.

Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ tập trung giám sát, hỗ trợ chia sẻ với hoạt động của ủy ban nhân dân thành phố giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, Hội đồng Nhân dân thành phố tăng cường tiếp xúc cử tri theo giới, ngành, lĩnh vực bên cạnh việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ theo quy định để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thông tin; nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc.

Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ tăng cường công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết đơn thư của các cơ quan Nhà nước có liên quan và của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục